Mơ đổi đời…
Đất đai phì nhiêu, thiên nhiên ưu đãi nhưng hai ngôi làng Hà Đừng 1 và Hà Đừng 2 của xã Đăk Rong (H. Kbang, Gia Lai) lại được xem là những ngôi làng nghèo nhất của tỉnh Gia Lai. Cái đói, cái nghèo đeo bám từ đời ông, đời cha, tỷ lệ hộ đói nghèo suýt soát 100%.
Những căn nhà tạm bợ của người dân ở làng Hà Đừng 1 nằm rải rác, cheo leo trên các sườn đồi. |
NHỮNG PHẬN ĐỜI CƠ CỰC
Cách trung tâm xã Đăk Rong chừng 15km nhưng con đường vào làng Hà Đừng gồ ghề, đầy sỏi đá. Nằm lọt thỏm bên thung sâu, gọi là làng nhưng những ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm chênh vênh, rải rác trên các triền đồi. Cả làng đìu hiu trơ trọi giữa cái nắng đang lên. Thấy người lạ vào làng, Đinh Văn Đan (22 tuổi) đưa đôi mắt đờ đẫn và phả ra hơi rượu dù chỉ mới 9 giờ sáng. Bộ áo quần cũng như cả người Đan bết dính đất đỏ. Trong căn nhà sàn thưng ván gỗ đã ọp ẹp, Đinh Thị Doth (20 tuổi) cùng 2 đứa con ngồi bó gối nhìn ra. Bên trong không có gì đáng giá ngoài chiếc giường cũ kỹ của 2 vợ chồng cùng những bộ quần áo nhàu nát, còn không có bất kỳ một thứ đồ điện tử, máy móc nào.
16 tuổi bắt chồng, con lớn của Doth cũng đã 4 tuổi nhưng nhìn Doth vóc dáng chỉ bằng một học sinh cấp II. Cái ăn vẫn luôn là nỗi lo thường trực của gia đình Đan và Doth. Cả 2 vợ chồng đều không biết cái chữ và cuộc sống đều nhờ vào đám lúa rẫy. “Lúa rẫy mình ở xa, đi bộ mất cả tiếng ấy chứ! Nhưng làm lúa rẫy không cho hạt bao nhiêu, cả nhà mình không đủ ăn mà!”, Đan kể. Hỏi Đan có trồng và nuôi thêm con gì để phát triển kinh tế không, Đan cười hiền lành đến tội: “Mình có biết trồng, nuôi con gì đâu, mình không đi học mà, nuôi cũng chết hết à. Với lại tiền vốn cũng không có thì biết trồng, nuôi thêm cái gì được”.
Nằm chênh vênh trên đỉnh đồi, căn nhà của Đinh Bơi (1980, làng Hà Đừng 1) cũng trống hoác, bên trong chất đầy những bộ quần áo cũ kỹ, nhàu nát và bám đầy bụi. Cũng như Đan, nhà Đinh Bơi đều phụ thuộc vào mấy đám lúa rẫy, ngoài ra cũng không làm thêm gì để phát triển kinh tế. Bơi cho hay: “Mình chỉ học đến lớp 3 thôi, giờ cái chữ cũng không biết mặt nó nhiều đâu! Nhà mình có 2-3 đám lúa rẫy thôi, chỉ đủ ăn thôi”. Nhìn 2 đứa con của Bơi gầy gò, hỏi Bơi vì sao không làm thêm các việc khác để con cái sung sướng hơn? Bơi cười gạt: “Ô, mình làm đủ ăn thôi! Con mình đi học có Nhà nước nuôi rồi mà!”.
Có lẽ cái tâm lý ỷ lại “Nhà nước” ăn sâu vào 2 ngôi làng này cũng như tâm lý chỉ cần đủ ăn, “trời sinh voi ắt trời sinh cỏ” vẫn hiện hữu đối với bà con Ba Na nơi đây. Dạo quanh làng một vòng, chúng tôi thấy hiếm nhà nào có các phương tiện tối thiểu như đài, tivi, xe máy. Cả hai làng có 287 hộ với hơn 1.000 nhân khẩu, tất cả đều là người Ba Na, hầu hết đều chỉ học chưa hết hoặc xong bậc THCS là nghỉ, ở nhà làm rẫy rồi gả chồng, cưới vợ. Gần 100% hộ của 2 làng đều là hộ nghèo và cận nghèo. Nếu không có những thầy, cô băng rừng, vượt núi thì trẻ em của làng đều theo cha mẹ lên tận nhà đầm (chòi rẫy) trên núi rồi ở hẳn trên đây, lâu lâu mới về làng. Bữa cơm chỉ nồi cơm nhỏ cùng con chuột mới bẫy, vài con cá dưới suối và nắm muối ớt. Cuộc sống gần như đều tự cung, tự cấp ở trong làng với nhau. Cả 2 làng từ khi thành lập đến nay thì duy nhất chỉ có Đinh Lap mới học theo hết bậc THPT và đang đi nghĩa vụ quân sự. Đó cũng là người được xem là học cao nhất ở trong làng.
Cái nghèo, khổ cực cứ bám lấy dân làng bởi nhận thức còn hạn chế cũng như thiếu vốn để sản xuất. |
CẦN THAY ĐỔI NHẬN THỨC
Lúc chúng tôi đến, làng đang huy động người dời nhà cho Đinh Bơn. Căn nhà từ chỗ trũng được đưa lên nơi mới bằng phẳng hơn. Nhìn quanh nhà, đáng giá nhất cũng chỉ là mấy bao lúa nằm chỏng chơ bên chái nhà. Đứa con đầu của vợ chồng Bơn sinh năm 2000 và cứ thế sồn sồn 2,3 năm một đứa. Chỉ vào bốn đứa con thiếu dinh dưỡng, đen nhẻm chúng tôi hỏi có đẻ nữa không? Đinh Beo, vợ của Bơn chỉ biết cười bẽn lẽn. Mới 39 tuổi mà gương mặt Bơn không khác gì đã 50 vì cái đói, cái nghèo cũng như loại rượu chỉ 10-12.000 đồng/ lít tàn phá. Hỏi chuyện Đinh Bơn chuyển nhà, Bơn vui vẻ: “Nhà mình giờ chuyển ra đây thoáng hơn nhiều rồi, nhờ cán bộ xã, huyện cả đấy! Trước mình hay ở nhà đầm có khi cả tháng mới về, giờ được cán bộ vận động nên mình về nhà nhiều hơn mới chăm lo cho con cái được chứ”.
Hóa ra, lần này được sự quan tâm của chính quyền địa phương một nguồn vốn đã được đưa về đây để sắp xếp lại nơi ăn, chốn ở cho bà con dân làng. Từ đó, nhằm thay đổi nhận thức của bà con nơi đây. Ông Đinh Nao - Chủ tịch UBND xã Đăk Rong cho biết: “Ở đây, chúng tôi dồn hết mọi nguồn lực để giúp dân làng thoát nghèo nhưng người dân 2 làng này vẫn có tâm lý ỷ lại, làm được ngày nào ăn ngày đấy thôi. Đất đai thì không thiếu, đảm bảo nhưng bà con vẫn nhận thức sản xuất kém lắm. Chính vì vậy, cùng với việc đầu tư các nguồn vốn thì địa phương mở thêm các lớp dạy nghề nhằm hướng dẫn cho bà con về các kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cũng như nâng cao nhận thức cho bà con. Đầu tiên vẫn là nhận thức bà con phải thay đổi thì cuộc sống mới thay đổi được”.
Để ổn định lâu dài cho cả hơn 1.000 nhân khẩu tại 2 ngôi làng này, UBND H. Kbang đã chỉ đạo thành lập Ban chỉ đạo tổ chức sản xuất, ổn định đời sống cho nhân dân làng Hà Đừng 1, 2. Theo đó, Ban chỉ đạo có trách nhiệm chỉ đạo triển khai thực hiện tổ chức sản xuất, di dời nhà cửa và ổn định đời sống cho bà con nơi đây. Bên cạnh đó, Ban chỉ đạo phối hợp với các cơ quan, đơn vị huyện, các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm giúp đỡ cho làng... xây dựng nhà ở, công trình vệ sinh, ổn định đời sống, sản xuất.
Cũng chính từ sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các cấp đoàn thể, nhận thức của bà con nơi đây cũng bắt đầu có chuyển biến. Ông Đinh Nao vui mừng chia sẻ: “Bà con cũng đang dần thay đổi nhận thức rồi. Giờ đây, họ bắt đầu về sống tập trung ở làng để chăm lo cho gia đình, con cái trong khi trước kia bà con toàn ở nhà đầm trên rẫy. Đặc biệt, từ vận động của chính quyền địa phương và ngành giáo dục, học sinh của 2 làng đã duy trì sĩ số đầy đủ tại các trường trên địa bàn. Không những thế, một số bà con đã tự chủ động trang trí nhà cửa và tự giác dọn vệ sinh trong làng… Điều đó là khác biệt hoàn toàn so với trước đây”. Cùng với đó, H. Kbang đã xây dựng đề án hỗ trợ loại cây trồng mắc-ca (loại cây có giá trị kinh tế cao) cho bà con 2 làng và xác định đây là loại cây trồng thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.
Sự thay đổi đó cũng đã bắt đầu hiện rõ khi khác với vợ chồng Đan và Doth nhút nhát, e dè người lạ thì cô con gái đầu của 2 vợ chồng tỏ ra dạn dĩ và vui cười trả lời với chúng tôi. Cô bé may mắn khi bố mẹ được chính quyền vận động về ở làng nên được đến lớp học mẫu giáo thường xuyên, em không còn phải thui thủi một mình ở trên nhà đầm bốn bể hoang vu rừng núi. Những hy vọng về một sự thay đổi của bà con nơi đây đang được thắp lên, giấc mơ thoát khỏi những phận đời cơ cực, đói nghèo đang nhen nhóm giữa đại ngàn này.
MINH TÂN