Báo Công An Đà Nẵng

Mở đường cho hàng Việt chinh phục thị trường khu vực Bắc Âu

Thứ hai, 03/01/2022 09:20

Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu cho biết trong năm 2022, thương vụ dự kiến sẽ tổ chức đưa các doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm Á châu về Việt Nam mua hàng. Đây sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn hàng, chia sẻ kinh nghiệm để hàng Việt Nam tiếp cận tốt hơn thị trường Thụy Điển và khu vực Bắc Âu. Thương vụ hy vọng Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển sẽ là cầu nối để đưa hàng Việt vào thị trường Bắc Âu, không chỉ là hàng nông sản, thực phẩm mà dần mở rộng ra các mặt hàng khác.

Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Bắc Âu chia sẻ thêm nếu dịch COVID-19 được kiểm soát, năm 2022 sẽ là năm phục hồi kinh tế theo chu kỳ, nhu cầu tiêu dùng tăng cao sau thời gian dài bị kìm nén. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu năm 2022 được dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao nhưng gián đoạn nguồn cung, cùng với giá năng lượng, vận chuyển, tình trạng thiếu hụt lao động. Do vậy, nếu tình hình này vẫn tiếp diễn như hiện tại sẽ tiếp tục đẩy giá hàng hóa, dịch vụ tăng cao gây lạm phát, suy thoái kinh tế, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu.

Thị trường Bắc Âu là thị trường nhỏ và xa nên trong bối cảnh đứt gãy cung cầu, giá vận chuyển tăng cao, các doanh nghiệp nhập khẩu với đơn hàng nhỏ sẽ chuyển hướng nhập khẩu từ các đầu mối lớn ở trung tâm châu Âu, thay vì nhập khẩu trực tiếp từ Việt Nam. Hơn nữa, với nhân lực và nguồn lực hạn chế, trong năm 2022, định hướng xúc tiến thương mại của thương vụ tập trung vào các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn, không xúc tiến tràn lan, đồng thời tăng cường quảng bá hình ảnh hàng Việt Nam nói chung để hàng Việt hiện diện ngày càng nhiều tại khu vực Bắc Âu.

Để hỗ trợ cho xuất khẩu hàng Việt vào Bắc Âu, xúc tiến thương mại trực tuyến vẫn được tiếp tục ưu tiên trong năm 2022. Ngoài ra, năm 2022 là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Latvia, thương vụ sẽ ưu tiên triển khai một số hoạt động tại thị trường này. Dự kiến, một số các hoạt động chính sẽ được triển khai gồm phối hợp với Bộ Kinh tế Latvia tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Latvia; phối hợp với Cục Xúc tiến Thương mại tổ chức đoàn xúc tiến thương mại khu vực Bắc Âu; hợp tác với Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Thụy Điển tổ chức đoàn doanh nghiệp nhập khẩu hàng thực phẩm Á châu về Việt Nam mua hàng.

Không những thế, thương vụ còn tổ chức chương trình xúc tiến thương mại như tuần hàng Việt Nam; tham gia các hội chợ chuyên ngành để quảng bá sản phẩm và kết nối giao thương; tổng hợp danh sách các doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu lớn nhất khu vực Bắc Âu và tập trung xúc tiến thương mại với các doanh nghiệp này. Mặt khác, thương vụ sẽ triển khai nghiên cứu đề tài khoa học giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang thị trường Bắc Âu trong bối cảnh thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA). Cùng đó là các hoạt động khác như phổ biến thông tin thị trường cho các doanh nghiệp, nghiên cứu thị trường, ngành hàng, tương tác với doanh nghiệp qua website, bản tin hàng tháng và facebook vẫn tiếp tục được duy trì.

Thống kê cho thấy, trong năm 2020, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang Bắc Âu gồm Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia đạt 1,86 tỷ USD.

TTXVN