Báo Công An Đà Nẵng

Mô hình chính quyền đô thị Đà Nẵng có gì mới?

Thứ bảy, 12/10/2019 07:53

Theo mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) mà Đà Nẵng đề xuất Trung ương thông qua sẽ không có Hội đồng nhân dân (HĐND) cấp quận huyện và phường xã (QHPX). Ủy ban nhân dân cấp QHPX cũng được đổi thành Ủy ban hành chính đồng thời tăng cường quyền lực cho phù hợp.

Ông Lê Trung Chinh nói về lý do cần triển khai CQĐT.

Chia sẻ tại Hội thảo về mô hình chính quyền đô thị hôm 11-10, ông Lê Trung Chinh- Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, mô hình chính quyền địa phương hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của Đà Nẵng.

Bớt cấp trung gian

Theo ông Lê Trung Chinh, cần tìm mô hình chính quyền đô thị mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, huy động được cao nhất mọi nguồn lực cho Đà Nẵng phát triển bền vững, hiện đại, đúng theo tinh thần Nghị quyết 43. Cụ thể hơn về những hạn chế của mô hình chính quyền địa phương hiện nay, ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ Đà Nẵng nói: HĐND TP chưa được giao đủ thẩm quyền để ban hành các cơ chế quan trọng tạo nguồn lực cho phát triển kinh tế- xã hội; HĐND cấp QHPX thực chất chưa quyết định được những vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Trước đây Đà Nẵng đã có 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND cấp QHPX và đã đạt hiệu quả tốt. Tuy nhiên, việc tái lập HĐND cấp QHPX đã làm tăng thêm các cấp giám sát, dẫn đến một số hoạt động giám sát bị chồng chéo. Về tổ chức bộ máy, ông Đồng cho biết, cơ cấu tổ chức bộ máy HĐND, UBND các cấp còn nhiều tầng nấc trung gian, chưa sát hợp với đặc điểm, tính chất của mỗi loại hình đơn vị hành chính, chưa thực sự tinh gọn hiệu quả. Ở khu vực nông thôn đang trong quá trình đô thị hóa việc tồn tại HĐND xã ở mức độ nào đó làm phân tán, cắt khúc bộ máy chính quyền địa phương thành nhiều tầng cấp khác nhau. Mặt khác, xét theo phương thức hoạt động, hiện mô hình chính quyền địa phương chưa phát huy được vai trò trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, trong một số việc đã làm hạn chế tính nhanh nhạy, thông suốt của hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

Từ thực tế đó, Đà Nẵng đề xuất mô hình CQĐT theo hướng không tổ chức HĐND các cấp QHPX, đồng thời tăng quyền hạn cho HĐND TP, UBND TP, Ủy ban hành chính các cấp QHPX. Bên cạnh đó, khi triển khai CQĐT thì sẽ phải đổi mới cơ chế quản lý, phương thức hoạt động và xây dựng đội ngũ cán bộ công chức. Cụ thể, sẽ tăng quyền lực gắn với trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu, khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, không rõ trách nhiệm trong quản lý điều hành hành chính.

Cần tìm mô hình chính quyền đô thị mới tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, huy động được cao nhất mọi nguồn lực cho Đà Nẵng phát triển bền vững, hiện đại, đúng theo tinh thần Nghị quyết 43. Trong ảnh: Một góc TP Đà Nẵng.

Tăng sức thuyết phục cho đề án

TS Nguyễn Huyền Hạnh, Phó viện trưởng Viện Khoa học tổ chức nhà nước, Bộ Nội vụ cho biết, tính chất đặc thù của đô thị khác với nông thôn nhưng vẫn dùng chung một mô hình tổ chức chính quyền thì không phù hợp. Bà Hạnh đồng ý với mô hình CQĐT mà Đà Nẵng đề xuất, song nhấn mạnh về phương thức hoạt động của CQĐT nên áp dụng chế định Thị trưởng (chế định thủ trưởng hành chính) thay cho chế định Ủy ban (chế định điều hành tập thể) trong quản lý hành chính. Điều này cho phép khắc phục được những nhược điểm của chế độ điều hành tập thể, thiếu nhanh nhạy, tập trung, thống nhất, không rõ trách nhiệm người đứng đầu, làm chỗ dựa cho những tiêu cực cá nhân…

Bà Hạnh cũng đề xuất cần thực hiện chế độ bổ nhiệm người đứng đầu hành chính ở đơn vị hành chính nội bộ (quận trưởng, phường trưởng) vì thực chất các cơ quan hành chính quận, phường chỉ có vai trò như là cánh tay nối dài của cơ quan hành chính TP với chức năng thực thi một số nhiệm vụ cụ thể của quản lý, kiểm tra, kiểm soát và cung ứng một số dịch vụ hành chính trên địa bàn. Mối quan hệ giữa HĐND và Thị trưởng được xác định theo hướng một mặt phải đảm bảo trên thực tế vai trò quyết định của HĐND về các vấn đề kinh tế xã hội quan trọng của đô thị, mặt khác tăng cường và nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND đối với các hoạt động của cơ quan hành chính của Thị trưởng.

Nhiều khu vực ở Hòa Vang tốc độ đô thị hóa rất nhanh việc quản lý theo mô hình Chính quyền địa phương hiện nay không còn phù hợp.

Cùng đồng ý với mô hình CQĐT Đà Nẵng đề xuất, song ông Phan Thanh Long, Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP Đà Nẵng băn khoăn một số vấn đề khi bỏ HĐND các cấp QHPX thì việc giám sát UBND, TAND, VKSND được thực hiện thế nào? Khi tăng cường cho tuyến dưới thì ai sẽ giám sát? Ông Long cho rằng, việc không tổ chức HĐND các cấp QHPX không phải vấn đề cốt lõi của CQĐT, mà cái cốt lõi là nằm ở chỗ cơ chế và hiệu quả vận hành của bộ máy cơ quan hành chính từ TP tới xã phường thế nào. Nếu chỉ bỏ HĐND xã phường mà bộ máy hành chính và tổ chức tự quản bên dưới không có gì thay đổi thì không thể đổi mới CQĐT được.

Bà Võ Thị Như Hoa, Giám đốc Sở Tư pháp Đà Nẵng cho biết, trong đề án CQĐT trình Trung ương cần phân tích rõ trong 7 năm thí điểm không tổ chức HĐND các cấp QHPX Đà Nẵng giảm được bao nhiêu biên chế, bao nhiêu chi phí hành chính, giải trung gian ra sao, như vậy mới tăng sức thuyết phục cho đề án. Bên cạnh đó, bà Hoa đề xuất cần đưa vấn đề tự chủ biên chế vào đề án. Bởi lẽ đặc thù như đô thị Đà Nẵng cần nhiều nhân lực trong lĩnh vực môi trường, xây dựng, quản lý đô thị nhưng vẫn phải “khoác áo đồng phục” như các tỉnh khác là không phù hợp.

HẢI QUỲNH

Đề xuất Hòa Vang lên thị xã

Phó trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Chánh nói trước đây Đà Nẵng đề xuất tách Hòa Vang thành quận cùng đợt với Điện Bàn đề xuất lên thị xã. Tuy vậy, Điện Bàn được Trung ương đồng ý còn Hòa Vang thì chưa. Hiện nay, nên đề xuất Hòa Vang lên thị xã bởi lẽ ở đây tốc độ đô thị hóa rất nhanh, mạnh, là huyện duy nhất không có thị trấn. Khi Hòa Vang lên thị xã, một số xã đô thị hóa cao sẽ lên phường (7 phường), còn lại 4 xã, số lượng ít, như vậy đề xuất Trung ương thông qua CQĐT sẽ dễ được chấp nhận hơn.