Mô hình “Tổ liên gia an toàn PCC” và “Điểm chữa cháy công cộng” là mô hình hay, cần nhân rộng
Phát biểu tại lễ ra mắt, Đại tá Phan Văn Dũng đánh giá cao nỗ lực của lực lượng Công an, cấp ủy và chính quyền phường Thanh Khê Đông trong quá trình triển khai thực hiện cao điểm xây dựng, nhân rộng mô hình; tuyên truyền, tập huấn kỹ năng PCCC, thực tập phương án phối hợp chữa cháy tại khu dân cư; kiểm tra, hướng dẫn đảm bảo an toàn PCCC và vận đọng hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay, bố trí lối thoát nạn thứ 2.
Đại tá Phan Văn Dũng nhấn mạnh, đây là mô hình hay, cần nhân rộng; đặc biệt với địa bàn phường Thanh Khê Đông là địa phương ven biển, có rất nhiều kiệt hẻm, xe chữa cháy không tiếp cận được ở dọc các tuyến đường Trần Cao Vân, Yên Khê 2…
Đại tá Phan Văn Dũng cũng đề nghị, Đảng ủy, chính quyền, lực lượng Công an; đặc biệt là Bí thư chi bộ khu dân cư và các đoàn thể chú ý mở rộng các loại hình thích hợp, có hiệu quả trong việc tuyên truyền, hướng dẫn kiến thức pháp luật về PCCC; tập huấn kỹ năng cơ bản về công tác chữa cháy và CNCH, gắn với công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Có như vậy, khu dân cư sẽ trở thành một khối đoàn kết, thống nhất trong các hoạt động đảm bảo ANTT ở cơ sở, góp phần xây dựng hình ảnh Đà Nẵng thành phố đáng đến và đáng sống.
Theo UBND phường Thanh Khê Đông, tính đến ngày 25-5-2023, toàn phường đã xây dựng được 9 tổ liên gia an toàn PCCC (chỉ tiêu đăng ký là 6), 35 điểm chữa cháy công cộng (chỉ tiêu là 10). Đã tổ chức 14 buổi tuyên truyền đối với các khu dân cư với sự tham gia của hơn 2.500 hộ gia đình; vận động hơn 2.700 hộ gia đình trang bị bình chữa cháy xách tay và mở lối thoát nạn thứ 2 đối với các trường hợp nhà ở kết hợp với ản xuất kinh doanh.
Ngay sau lễ ra mắt, UBND phường Thanh Khê Đông đã phối hợp với Đội Cảnh sát PCCC&CNCH Công an quận Thanh Khê thực tập phương án phối hợp chữa cháy tại đường Yên Khê 2.
PHƯƠNG KIẾM