Báo Công An Đà Nẵng

Mở lối hoàn lương

Thứ bảy, 05/09/2015 10:57

(Cadn.com.vn) - Thời gian qua, việc tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp người phạm tội chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được các cấp, các ngành tỉnh Quảng Nam nghiêm túc thực hiện và đạt được nhiều kết quả thiết thực. Hằng năm, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp CA tỉnh thường xuyên chú trọng phối hợp các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp cho phạm nhân. Đây là hành trang giúp cho phạm nhân không còn bỡ ngỡ, lo lắng khi tái hòa nhập cộng đồng.

 Với phương châm giúp người phạm tội hoàn lương quay về với cộng đồng, Phòng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp CA tỉnh đã tổ chức 2 đợt tư vấn, tuyên truyền giáo dục tái hòa nhập cộng đồng cho 220 phạm nhân tại Trại tạm giam CA tỉnh và Trại giam An Điềm, Tổng cục VIII-BCA đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tư vấn, hướng dẫn những vấn đề về pháp luật và nghề nghiệp bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng, nhằm xóa bỏ định kiến, kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người chấp hành xong án phạt tù, giúp họ ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.

Hướng dẫn nghề thợ mộc cho phạm nhân tại Trại tạm giam CA tỉnh Quảng Nam.

Quan tâm đến việc tạo việc làm, dạy nghề cho người mới ra tù, ông Hồ Quang Lĩnh, Giám đốc Trung tâm dạy nghề Thanh niên tỉnh Quảng Nam cho biết: "Không ít phạm nhân sau khi ra trại lại tiếp tục tái phạm tội, tình trạng ngựa quen đường cũ diễn ra khá phổ biến. Và khi trở về địa phương họ không có nghề nghiệp, không có việc làm, không có thu nhập, không có sự quan tâm của cộng đồng và xã hội. Nên việc dạy nghề cho người chấp hành xong án phạt tù để tạo ra cơ hội cho họ mai sau được trở về địa phương có được việc làm, có thu nhập chính đáng là việc làm quan trọng và cần thiết".

Phạm nhân tham gia sản xuất nông nghiệp tại Trại tạm giam CA tỉnh Quảng Nam.

Tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân là việc cần thiết của toàn xã hội. Có biết bao người đã hoàn lương với những công việc ổn định, làm ra những đồng tiền chân chính để xây dựng tổ ấm cho riêng mình, điển hình như anh Lê Công Hoa, trú thôn Châu Thủy, xã Điện Thọ, TX Điện Bàn; anh Đỗ Văn Bổn, trú thôn Vĩnh Nam, xã Duy Vinh, H. Duy Xuyên; anh Nguyễn Thanh Tuấn, trú thôn Thái Xuân, xã Tam Hiệp, H. Núi Thành và nhiều những tấm gương hoàn lương khác đã vượt qua mặc cảm trở về cộng đồng sống có ích cho gia đình và xã hội. Tin rằng, với lòng quyết tâm xây dựng xã hội ngày càng lành mạnh, tốt đẹp thì cải tạo hướng thiện cho con người là vấn đề cần thiết để bền vững thế hệ mai sau.

Quốc Huy