Báo Công An Đà Nẵng

Mở lối phục hưng tơ lụa Việt

Thứ hai, 29/12/2014 08:51

(Cadn.com.vn) - Hàng chục làng nghề tơ lụa nổi tiếng khắp nước và  đại diện những hiệp hội, doanh nhân tơ lụa đến từ ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc... cùng hội ngộ ở Làng lụa Hội An trong Ngày hội văn hóa tơ lụa Việt Nam diễn ra ngày 28-12 để  tìm cách phục hưng lụa Việt vốn đã  phát triển rực rỡ trong quá khứ...

Ngành tơ lụa Việt đã trải qua nhiều bước thăng trầm, trong đó có những thời kỳ huy hoàng, được bạn bè thế giới biết tới. Tuy vậy, thời đại công nghiệp dệt may phát triển với những tiện ích không thể phủ nhận đã gián tiếp góp phần làm nghề tơ lụa truyền thống bị mai một. Đặc biệt ở Việt Nam, khi tơ lụa Trung Quốc giá rẻ tràn vào càng khiến nhiều làng nghề truyền thống ươm tơ dệt lụa khó cạnh tranh, người làm nghề không sống nổi với nghề. Nhiệm vụ phục hưng lụa Việt càng trở nên đau đáu không chỉ của những người làm nghề. Nhưng làm thế nào, bắt đầu từ đâu là điều không dễ.

Ông Nguyễn Đức Hải- Bí thư tỉnh Quảng Nam nói rằng, ở mảnh đất này có những làng lụa rất nổi tiếng như Mã Châu từng phát triển rực rỡ, nhưng trong xu thế hiện nay không tránh khỏi khó khăn. Thế nên, việc tổ chức được những ngày hội tơ lụa quy tụ đại diện đến từ nhiều nước về Hội An thế này là dịp rất tốt để quảng bá lụa Việt, mở ra cơ hội lớn để sản phẩm lụa mang đậm bản sắc Việt được đưa ra thế giới. Đó là cách thiết thực để phục hưng nghề lụa truyền thống.

Quay tơ theo phương thức truyền thống tại làng lụa Hội An.

Tất nhiên, trong nốt trầm chung của ngành tơ lụa Việt hiện nay, bằng các cách làm khác nhau, những làng lụa truyền thống vẫn đang cố duy trì nhờ việc tạo ra những thương hiệu riêng. Bà Vũ Thị Hồng Yến - Phó giám đốc DN chuyên xuất khẩu tơ lụa tại Ninh Bình nói: Các làng lụa gặp khó vì họ chỉ mới xuất thô tơ hoặc lụa, trong khi nếu sản xuất ra các sản phẩm có thương hiệu từ lụa rồi xuất ra thế giới thì giá trị sẽ cao gấp nhiều lần. Bà Yến kể, lúc đầu khi xuất sản phẩm chăn, gối lụa sang Hàn Quốc, DN của bà tiện thể gửi thêm cũng sản phẩm như thế nhưng bằng chất liệu lụa Trung Quốc để khách hàng so sánh.

Sau một thời gian, những tập đoàn lớn ở Hàn Quốc yêu cầu xuất sang hàng ngàn bộ chăn, gối mỗi lô hàng kèm theo điều kiện đảm bảo từ chất liệu tơ lụa tự nhiên làm từ Việt Nam. Lúc đó, DN của bà Yến phải đi khắp các làng lụa nổi tiếng phía Bắc để đặt nguyên liệu. "Chỉ cần pha một chút phụ liệu gì khác lụa tự nhiên như lụa Trung Quốc thì khách hàng họ tẩy chay liền. Bởi vì có phụ liệu, chỉ cần đưa vào máy giặt vài lần, lụa sẽ xơ, cứng, xờm, mất đi vẻ nhẹ nhàng, mềm mại rất đặc trưng. Khách Hàn họ không đặt nặng vấn đề giá cả, có khi một bộ chăn gối tới chục triệu đồng họ cũng chấp nhận, miễn sản phẩm phải là lụa Việt tự nhiên, chính gốc"-bà Yến nói.

Một cách khác, để phục hưng, duy trì nghề tơ lụa truyền thống mà ông Watanabe Takao- Chủ tịch Hiệp hội nghề Tơ lụa Nhật Bản chia sẻ cũng đáng suy ngẫm. Ông Takao kể, ở nước ông, tơ lụa Nhật chiếm 90%. Nghề tơ lụa cũng được duy trì suốt 540 năm qua, điều cơ bản vì ở Nhật vẫn duy trì văn hóa Kymono. Gần đây, có những chiếc Kymono được làm bằng tơ lụa Việt, đó là điều rất vui, cũng khẳng định lụa Việt không hề thua kém ngoài thị trường thế giới.

Vấn đề ở đây là phải duy trì những nét văn hóa truyền thống liên quan tới tơ lụa. "Chẳng hạn ngài Bí thư Hải đây có thể mặc áo dài Việt bằng tơ lụa trong những buổi lễ như thế này, cũng sẽ góp phần làm tơ lụa Việt duy trì, phát triển. Bản thân tôi cũng thường mặc Kymono tới công xưởng hằng ngày cho dù trong thời hiện đại, mặc âu phục vẫn tiện lợi hơn. Nhưng, phải có sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại để duy trì bản sắc của mình"- ông Takao gợi ý. Cũng theo ông Takao, để phát triển làng nghề tơ lụa truyền thống phải có những nguyên tắc, mà nguyên tắc trước hết là người làm nghề phải sống được với nghề. Để làm được điều đó thì phải tạo ra được thương hiệu và đưa nó ra thế giới. Mà nguyên tắc của làm thương hiệu là sáng tạo không ngừng, phải luôn hướng tới mục tiêu là số 1 của Việt Nam sau đó là số 1 của thế giới.

Sản phẩm lụa tự nhiên truyền thống của làng nghề Mã Châu.

Ông Lê Thái Vũ- Giám đốc Làng lụa Hội An chia sẻ, là người con của làng lụa ven sông Thu, chứng kiến sự suy thoái của ngành tơ lụa Việt nói chung trong lòng luôn đau đáu phải tìm mọi cách để phục hưng nghề truyền thống của cha ông. Vì thế, ông Vũ từ bỏ một công việc tốt ở TPHCM trở về quê hương lập nên Làng lụa Hội An, nơi mà ai tìm tới cũng có thể hình dung trọn vẹn các công việc của một làng nghề, từ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ rồi bằng những khung dệt thủ công cho ra các tấm lụa mềm mại, đa sắc màu.

Đây cũng là nơi mà các kỹ thuật dệt lụa truyền thống của người Việt, người Chăm, của các làng lụa nổi tiếng khắp nước được phục dựng lại. Đặc biệt hơn, ông Vũ hướng tới việc biến Làng lụa thành một bảo tàng về tơ lụa, nơi các sản phẩm tơ lụa trong nước và thế giới được trưng bày. "Từ xa xưa Hội An đã là thương cảng sầm uất, nơi trung chuyển con đường tơ lụa trên biển, thế nên việc chọn Hội An để lập làng lụa vì bởi nơi đây có chất liệu để phục dựng nghề tơ lụa truyền thống"- ông Vũ nói...

Bằng những kinh nghiệm, những cách làm khác nhau, nhưng tất cả đều có chung một nỗi niềm đau đáu là mong muốn phục dựng nghề tơ lụa Việt truyền thống để tơ lụa Việt tự hào bước ra thế giới.

Hải Quỳnh