Báo Công An Đà Nẵng

Mở lối tương lai cho thiếu niên lầm lỡ

Thứ bảy, 24/05/2014 10:03

(Cadn.com.vn) - Ngày 23-5, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức sơ kết 5 năm (2009-2014) thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về công tác giáo dục, cảm hóa thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố.

Tại hội nghị, Đại tá Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc CATP Đà Nẵng, cho biết: Qua năm 5 thực hiện, Chỉ thị 24 đã phát huy hiệu quả, tạo tác động xã hội sâu sắc. Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của các cấp chính quyền, ban ngành đoàn thể, đặc biệt là 3 cơ quan nòng cốt, gồm: CATP, Hội Cựu chiến binh và Thành đoàn, tỷ lệ cảm hóa thành công thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật đạt kết quả rất tốt.

Đồng chí Võ Công Trí trao Bằng khen cho những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy.

Từ năm 2009 đến nay có 499 em được vào danh sách cảm hóa, giáo dục và kết quả đã có 431 em tiến bộ, đạt tỷ lệ trên 86%, đặc biệt, từ khi TP Đà Nẵng triển khai thực hiện Chỉ thị 24 thì tỷ lệ tội phạm ở lứa tuổi chưa thành niên giảm rõ rệt. Nếu như năm 2009 có 262 vụ án do người chưa thành niên gây ra thì đến năm 2010 còn 206 vụ, đến năm 2013 chỉ còn 180 vụ. Để thực hiện hiệu quả Chỉ thị 24, các cấp, ngành và địa phương đã xây dựng nhiều mô hình hay, thiết thực nhằm cảm hóa, giáo dục và giúp đỡ các em thiếu niên vi phạm. Đối với lực lượng CA cơ sở đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: mô hình “5+1” của CAP Thanh Khê Tây, Tân Chính, Tam Thuận (Q. Thanh Khê), mô hình “2 gặp, 3 biết” của CAP Hòa An... Kết quả trong năm 2012-2013 có 84/105 em mà CATP nhận giúp đỡ tiến bộ. Hội Cựu chiến binh thành phố với mô hình “3 trong 1” đã giúp được 91/99 em tiến bộ trong năm 2012-2013. Mô hình 3 cán bộ Đoàn giúp đỡ 1 thiếu niên chậm tiến của Thành đoàn Đà Nẵng đã giúp được 76/101 em tiến bộ trong năm 2012-2013.

Có thể nói, Chỉ thị 24 là bước đột phá trong chính sách của thành phố Đà Nẵng, mang đậm tính nhân văn sâu sắc, mở lối tương lai cho rất nhiều thiếu niên từng vi phạm pháp luật. Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND Q. Thanh Khê Trần Văn Huy cho rằng,  những kết quả của việc thực hiện Chỉ thị 24 mang một ý nghĩa lớn, tác động không nhỏ đến đời sống, xã hội ở Đà Nẵng, góp phần giảm thiểu các loại hình tội phạm ở thành phố. Ý nghĩa của Chỉ thị 24 nằm ở mục tiêu đó.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, thẳng thắn chỉ ra những mặt còn hạn chế sau 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 24, như: sự phối hợp giữa chính quyền các cấp, ban ngành đoàn thể chưa được đồng bộ; chưa thống nhất được các tiêu chí đánh giá thiếu niên vi phạm hoặc được công nhận tiến bộ. “Chúng ta không thực hiện Chỉ thị 24 theo kiểu cho có. Các cấp chính quyền, đoàn thể phải xác định đây là chủ trương mang ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc nên phải kiên trì thực hiện thường xuyên, lâu dài. Tạo cơ hội cho các em thiếu niên vi phạm pháp luật được sửa chữa sai lầm, hướng đến tương lai. Sau này, ngoài CATP, Hội CCB và Thành đoàn thì Hội Liên hiệp Phụ nữ TP cũng sẽ là cơ quan nòng cốt  thực hiện Chỉ thị 24 để giúp các em thiếu niên vi phạm pháp luật tiến bộ bền vững”, đồng chí Võ Công Trí nhấn mạnh.

Với những kết quả đạt được trong việc thực hiện Chỉ thị 24 của Thành ủy, UBND TP Đà Nẵng đã tặng Bằng khen cho 12 tập thể và 13 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác cảm hóa, giúp đỡ các em thiếu niên vi phạm pháp luật.       

Bài, ảnh: Hoàng Anh