Mò lúa chạy lụt
(Cadn.com.vn) - Ảnh hưởng của bão cùng áp thấp nhiệt đới tăng cường khiến những cơn mưa rả rích, với lượng nước lớn kéo dài lê thê qua mấy ngày, đêm liền khiến cho cánh đồng lúa đang vào độ chín vàng ngập trắng xóa. Con nước lớn tới mức ngập hết cả bờ vùng bờ thửa, và thậm chí con đường làng được lát bê-tông cao ráo là vậy mà người dân cũng phải... đi thuyền, khi nước dâng lên gần thắt lưng. Nỗi khổ của người dân đã quá nhiều, vậy mà ông Trời vẫn không ngớt mưa, và bão thì vẫn cứ kế tiếp nhau liên tục đổ vào miền quê vốn cằn cỗi, nghèo túng này. Nghe thông tin lũ lụt quê nhà từ mẹ, qua các phương tiện truyền thông mà thấy não nề gan ruột...
Sáng sớm hôm rồi, khi chưa kịp trở giấc, mẹ đã gọi điện thông báo anh Hai ở Sài Gòn đã về quê giúp mẹ đi mò lúa. Mẹ buồn buồn bảo: "Lúa chín rồi vậy mà nước làm ngập hết nên dân làng phải huy động lực lượng để ra đồng cứu lúa với hy vọng được chút nào hay chút nấy, chứ để nó ngập và thối ra thì tiếc của lắm. Con cứ yên tâm học hành ngoài đó không phải lo lắng gì và cũng không phải về đâu vì đã có mẹ và anh Hai lo liệu hết...". Nói rồi mẹ vội vàng gác máy khiến tôi cũng chưa kịp tâm sự được lời nào cùng mẹ. Ở quê tôi, chuyện con người phải "làm quen", phải "đánh vật" với bão lũ, hạn hán với thiên nhiên khắc nghiệt là chuyện thường tình. Tôi cũng vậy, suốt từ lúc thiếu thời cho tới khi rời quê nhà đi học ở xa cũng đã trải qua biết bao mùa, bao lần phải đi mò lúa. Người nông dân quê tôi thật khổ khi có dịp lúa đang vào mùa chuẩn bị gặt thì đùng đùng bão lũ tràn về khiến cho cả cánh đồng vàng óng báo hiệu một vụ mùa bội thu ngập trắng nước. Không thể đành lòng đứng nhìn lúa ngập nên nhà ai cũng tận dụng hết mọi nguồn nhân lực để ra đồng mò lúa.
Gặt lúa mùa lụt. |
Tôi còn nhớ như in, hồi còn học lớp 5 trường làng vậy mà đã phải theo cha mẹ ra đồng mò lúa. Nhà tôi cấy tới gần mẫu ruộng nên việc mò lúa mất một khoảng thời gian rất lâu, có khi đến cả mấy ngày. Nếu như cắt lúa bình thường không bị nước ngập thì với 3-4 nhân công chỉ làm trong nửa buổi là xong vài sào. Đằng này nước ngập, chẳng nhìn thấy gì, người cắt ngâm mình thò tay xuống chậm rãi mần từng khóm lúa để gặt nên rất lâu. Cứ gặt được một nắm là phải đưa lên khỏi mặt nước bỏ vào thuyền, vào bè rồi mới lại thò tay gặt nắm lúa khác. Có khi cha mẹ và hai anh chị em chúng tôi đi mò lúa cả một ngày trời mà mới hết một đám ruộng hơn một sào. Cái cảnh đi mò lúa là quá vất vả, gian nan khi phải ngâm mình cả ngày dưới nước. Nếu trời quang tạnh còn khá, chứ trời vẫn dầm dề mưa thì không sao tả được cái rét mướt. Có nhà thì mang khoai luộc, ngô bung ra đồng để ăn lót dạ tạm thời vào lúc nghỉ ngơi đôi chút. Nhà tôi thì mẹ luôn chu đáo nên bao giờ bà cũng dậy sớm để nấu cơm rồi nắm chặt trong mo cau để dành mang ra đồng cho mọi thành viên trong gia đình ăn lúc đói. Lúa mò được đầy thuyền, đầy những chiếc bè đóng ghép từ những cánh cửa nhà, cửa bếp tháo ra, hay từ thân cây chuối... được đẩy về tập trung ở đầu làng. Cứ mò một ngày, tối đến nhà nào cũng tập trung nhân lực để tuốt lúa, đập lúa rồi sàng sảy lấy thóc mang về phơi sấy. Với lúa đi mò thì không chỉ rơm ít, mà thóc thu được cũng ít, vì thế năm đó dân làng phải chịu cảnh thiếu đói hơn là đương nhiên.
Lớn lên tôi mới cảm nhận được nỗi xót xa cảnh mùa màng thất bát, mới biết thương mẹ cha, dân làng lúc gian nan vất vả đi mò lúa mong vớt vát chút thành quả, công sức lao động. Tuổi thơ lấm lem bùn đất của tôi đã qua đi, và công việc mò lúa mỗi khi quê nhà bị lũ lụt tôi không còn trực tiếp tham gia nữa nhưng cha mẹ tôi, cũng như biết bao người dân quê tôi vẫn phải nai lưng hứng chịu bởi thiên nhiên khắc nghiệt không bao giờ ưu ái cho mảnh đất cằn cỗi, luôn đói nghèo vì thiên tai bão lũ...
Nguyễn Long