Mở ra trang đời mới
(Cadn.com.vn) - Đợt 1/2015, Tiểu đoàn 8 Trung đoàn 29 Sư đoàn 307 (Quân khu 5) tiếp nhận, quản lý, huấn luyện 235 chiến sĩ mới, con em của quê hương Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum và Đắc Lắc. Đến với tân binh bằng tình thương và trách nhiệm, đội ngũ cán bộ khung đã đón tiếp ân cần, tận tình chỉ bảo dìu dắt đàn em nhanh chóng thích nghi, hòa nhập và trưởng thành trong môi trường quân đội.
"3 cùng" với chiến sĩ mới
Đại úy Nguyễn Minh Mỹ, Chính trị viên Tiểu đoàn 8 cho biết: Trước khi nhận quân, đơn vị đã chuẩn bị chu đáo mọi mặt từ tập huấn cán bộ, soạn thảo và thông qua giáo án, tu sửa doanh trại, bảo đảm các mặt hàng quân trang, cải tạo cảnh quan môi trường, nới rộng diện tích các vườn rau xanh, rau gia vị, chăn nuôi heo, gà, vịt... Thực hiện "3 cùng": cùng ăn, cùng ở, cùng luyện tập với chiến sĩ mới, cán bộ các cấp luôn phát huy vai trò đầu tàu, sâu sát bộ đội từ việc nhỏ đến việc lớn, trong công tác cũng như trong cuộc sống.
Chiến sĩ mới chăm sóc vườn rau. |
Ngày đón quân cũng là ngày Tổ tư vấn tâm lý-pháp lý quân nhân các đại đội hoạt động tăng tốc. "Với phương châm "Khi tư vấn chúng tôi là chuyên gia, khi trò chuyện chúng tôi là tri kỷ", các thành viên chủ động tiếp cận chiến sĩ thông qua các buổi trò chuyện chung- riêng, thăm dò ý kiến từ những câu trả lời trắc nghiệm... Thượng úy Chính trị viên Nguyễn Đức Trông Toản, Tổ trưởng tổ tâm lý-pháp lý quân nhân Đại đội 7 cho rằng, hoàn cảnh gia đình là một nhân tố quan trọng hình thành tính cách con người, do vậy cán bộ các cấp luôn nắm rõ xuất thân của chiến sĩ thuộc quyền, từ đó có biện pháp phù hợp để kịp thời giúp anh em phát huy ưu điểm, hạn chế khuyết điểm. Bên cạnh đó, việc chia sẻ những mẩu chuyện buồn vui, những kinh nghiệm sống, cũng là một kênh giúp cán-binh sớm tìm được tiếng nói chung, xây đắp niềm tin và động lực để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn".
Chăm lo giáo dục truyền thống, thực hiện giờ nào việc nấy, phát huy vai trò của Đoàn thanh niên, Hội đồng quân nhân, tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giao lưu, kết nghĩa, xây dựng những đôi bạn cùng tiến... Tiểu đoàn 8 đang "tiếp lửa", củng cố niềm tin để chiến sĩ mới ngày càng yêu mến, gắn bó với môi trường quân ngũ.
Bảo quản vũ khí sau giờ huấn luyện. |
Mở ra trang đời mới
Tạm biệt tổ ấm thân thuộc, nhớ người thân da diết là tâm trạng chung của hầu hết chiến sĩ mới. Chiến sĩ Nguyễn Quốc Hoài tâm tình rất thật: "Những đêm đầu lạ giường lạ chiếu cứ thao thức, nôn nao, cồn cào, chỉ mong sớm được về thăm nhà. Thế rồi nhịp sống mới rộn rã, khẩn trương cứ cuốn chúng tôi đi. "Sáng thể dục, chiều thể thao, tối cất cao tiếng hát" đã giúp mọi người xích lại gần nhau hơn, cùng nỗ lực phấn đấu vì màu cờ sắc áo đơn vị".
Trung sĩ Lương Quốc Tín, Tiểu đội trưởng A1B4C6 chia sẻ: "Tiểu đội tôi không có giọng hát cực hay nhưng ai cũng hay hát. Mỗi lúc bên nhau, cùng ngân vang câu ca "Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ" thấy yêu hơn cuộc đời quân ngũ". Đảng viên trẻ Trương Quang Tuân phát biểu: "Những ngày qua đã giúp tôi cảm nhận sâu sắc về tình đồng chí. Trong Tiểu đoàn có 8 quân nhân dân tộc ít người do bỏ học đã lâu nên đọc và viết khó khăn, đã được đơn vị phân công người phụ đạo, kèm cặp rất sít sao. Nguyễn Thanh Toàn ở A9B3C5 có mẹ lâm trọng bệnh, được đơn vị quyên góp ủng hộ 3,6 triệu đồng". Còn chiến sĩ Trần Quốc Quyền bộc bạch: "Cha tôi từng là quân nhân của Sư đoàn 307 anh hùng, từng trải qua 4 năm chiến đấu trên chiến trường Campuchia. Thế hệ đi trước đã cống hiến máu xương xây đắp nên truyền thống vẻ vang, thế hệ trẻ chúng tôi hôm nay nguyện ra sức luyện giỏi, rèn nghiêm, xứng đáng là lớp kế cận".
Một ngày mới lại bắt đầu. Trên thao trường nắng vàng rực rỡ, nhìn những chiến sĩ mới chững chạc trong bộ quân phục gọn gàng, đang miệt mài tập điều lệnh đội ngũ, chinh phục các bài xạ kích... như thấy những trang đời tươi đẹp đang dần mở ra từ ngôi nhà mới thân thương này.
Ngọc Diệp