Báo Công An Đà Nẵng

Mở rộng nẻo về cho phạm nhân

Thứ sáu, 13/02/2015 11:00

(Cadn.com.vn) - Đến trại giam Đắc Tân của Bộ Công an (được thành lập tháng 12-2003, đóng trên địa bàn xã Ea Pil - H. M'Drak, tỉnh Đắc Lắc) những ngày cuối năm, ai cũng có thể nhận thấy một không khí mới trong học tập, lao động, chấp hành án, thực hiện các quy trình, quy định, nội quy nơi giam giữ.

Thay bằng vẻ đăm chiêu, lo lắng, u sầu, chán chường, các phạm nhân đều tỏ ra phấn khởi, tin tưởng. Bởi lẽ, hầu hết trong số họ vừa trải qua một đợt giải tỏa tâm trạng lớn do trại Đắc Tân tổ chức.  Đó chính là phong trào "Viết thư gửi lời xin lỗi".

Giám thị trại giam Đắc Tân thường xuyên thăm hỏi, động viên các phạm nhân tích cực học tập, lao động, cải tạo để sớm được trở về với gia đình và tái hòa nhập cộng đồng. 

Ngay sau khi được phát động vào tháng 4-2014, tuyệt đại đa số phạm nhân đã tích cực tham gia viết thư xin lỗi. Đối với họ, đây chính là dịp để giãi bày tâm trạng, giải tỏa những dồn nén bức bối bấy lâu vì tâm lý mặc cảm, tự ti, dằn vặt, day dứt của lương tâm, không chia sẻ được với xã hội, cộng đồng về những suy nghĩ, cảm xúc của mình, mong muốn  được sự thông cảm, bao dung, vị tha, động viên của mọi người, trong đó, đặc biệt là sự tha thứ của bị hại, gia đình các nạn nhân của họ.

Hơn 1.500 lá thư xin lỗi đã được gửi tới bị hại, gia đình nạn nhân, người thân của phạm nhân và cơ quan đơn vị, chính quyền địa phương bày tỏ sự ăn năn, sám hối. Trong những lá thư gửi đi, các phạm nhân đã trải lòng, bộc bạch những nỗi niềm sâu kín của mình mà lâu nay họ ôm trong lòng và chực chờ cơ hội để nói ra nhưng chưa có dịp nên khiến họ sống thu mình, khép kín. Một trong số đó là Y Khoen M'Lô (1975, ở xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc).

Ngày 4-12-2014, Y Khoen và một người bạn là anh Trần Quốc Thắng (1970, ở cùng xã) uống rượu. Sau đó, chỉ vì vài lời nói không lọt tai nhau mà họ đã xô xát nhau. Y Khoen đã dùng gậy gỗ đánh anh Thắng tử vong. Anh Thắng chết để lại một người vợ và 4 đứa con nhỏ, còn Y Khoen bị xử 9 năm 6 tháng tù giam.

Những ngày trong trại giam, Y Khoen cứ day dứt vì bị nỗi ân hận dày vò. Y khoen viết thư cho anh trai của anh Thắng là Trần Văn Đông để nói lời xin lỗi với gia đình nạn nhân, chứ không mong được tha thứ vì biết nỗi đau và hậu quả gây ra cho họ quá lớn. Thế nhưng, khi nhận được thư hồi âm của anh Đông, Y Khoen quá bất ngờ vì đã được tha thứ phần nào. Gia đình anh Đông không tỏ sự hằn thù mà còn động viên Y Khoen yên tâm, phấn đấu, chấp hành tốt bản án, lo học tập, cải tạo để sớm được trở về với gia đình. 

Các phạm nhân ở trại Đắc Tân say sưa viết thư xin lỗi.

Hay như Phan Minh Tiến (1981, ở P. Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột), xuất thân từ gia đình có truyền thống cách mạng, bố mất sớm, được mẹ tần tảo lo lắng cho ăn học đến nơi đến chốn và là cán bộ Nhà nước, nhưng do đua đòi với bạn bè, lao vào ăn chơi, bỏ ngoài tai mọi lời khuyên bảo của mẹ, Tiến đã phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và bị xử 7 năm tù giam. Tiến đã viết một lá thư rất dài gửi về cho mẹ thổ lộ sự ăn năn, sám hối khôn nguôi. Bởi, bên cạnh bản án của pháp luật mà anh ta thấy thích đáng thì bản án lương tâm đeo bám mới nặng nề hơn cả.

Trong thư, Tiến đã bày tỏ quyết tâm làm lại đời mình ngay từ trong trại giam và sự biết ơn đối với CBCS của trại giam Đắc Tân đã tạo điều kiện cho mình được bày tỏ nỗi lòng sâu kín. Cũng như Y Khoen M'lô và Phan Minh Tiến, sau đợt viết thư xin lỗi, đến nay, hầu hết trong số gần 2.000 phạm nhân đang chấp hành án tại trại giam Đăk Tân đều có chung một tâm trạng là phấn chấn hơn sau khi được thổ lộ những nỗi niềm của mình, hướng tới một cuộc sống mới, từ đó, chấp hành bản án, học tập, lao động, cải tạo với tinh thần tự giác hơn.

 "Trồng người" đã khó nhưng "trồng lại" những người lầm lỗi, phạm tội để họ trở thành người tốt lại càng khó khăn, phức tạp bội phần, nhất là đối với những người phạm tội nguy hiểm, tái phạm. Trong công việc gian nan ấy của những giám thị, quản giáo, CBCS ở các trại giam, nhà tạm giữ, bên cạnh những quy trình, quy định khoa học, nghiêm ngặt thì vẫn song hành những việc làm thấm đẫm tình người như "Viết thư gửi lời xin lỗi".  Mỗi việc làm như thế sẽ thêm phần thấm sâu, thanh lọc, gột rửa tâm hồn con người, mở thêm nẻo về chốn thiện cho những người lầm lỡ và toát lên ý nghĩa nhân văn sâu sắc.

Trọng Tính