Mở trường rồi… bỏ hoang
Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (TX Điện Bàn, Quảng Nam) thu hút hàng chục ngàn lao động. Tại đây, vì nhu cầu gửi con rất lớn nên nhiều năm trước các công nhân đã mong ước có một ngôi trường dành riêng cho con công nhân. Cuối năm 2014, ước mơ ấy được hiện thực hóa khi trường mầm non thuộc thiết chế công đoàn được xây dựng. Thế nhưng, năm 2017, khi trường được khánh thành trong niềm hân hoan của tất cả mọi người thì cũng là thời điểm bắt đầu… bỏ hoang.
Trường mầm non cho con công nhân KCN Điện Nam - Điện Ngọc vừa khánh thành đã bỏ hoang. |
Trường mầm non thuộc thiết chế công đoàn được đầu tư xây dựng gần KCN Điện Nam - Điện Ngọc, quyền quản lý của Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ). Công trình do LĐLĐ tỉnh Quảng Nam làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Cty TNHH Hương An. Tổng mức đầu tư hơn 6.184 triệu đồng, trong đó BIDV tài trợ 4,6 tỷ đồng, tài chính công đoàn tích lũy của LĐLĐ tỉnh là 799 triệu đồng, diện tích xây dựng trên 4,6ha. Công trình chia làm hai giai đoạn thi công. Giai đoạn 1 hoàn thành trong một năm từ 2014-2015 với 2 phòng học. Tháng 5-2017, Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục khởi công xây dựng giai đoạn 2, với 5 phòng học, 1 bếp ăn, 2 phòng hiệu bộ và các hạng mục phụ trợ khác. Đến tháng 12-2017, toàn bộ các hạng mục được hoàn tất, buổi lễ khánh thành cũng đã diễn ra. Nhiều công nhân lao động làm việc tại KCN như vỡ òa cảm xúc vì sắp có nơi gửi con chất lượng, an toàn mà chi phí lại rẻ hơn các cơ sở giữ trẻ tư thục. Không lâu sau đó, nhiều công nhân tỏ ra thất vọng vì trường chưa thể đưa vào hoạt động và có khả năng bỏ hoang gây lãng phí. Chị Ngô Thùy Dương, công nhân tại một Cty may mặc trong KCN Điện Nam - Điện Ngọc bộc bạch, hai vợ chồng đều làm công nhân, lương chỉ đủ chi tiêu qua ngày nhưng phải dành một khoản tiền lớn gửi hai đứa con tại các cơ sở mầm non tư thục. Thời gian qua, chị đã "gồng mình" gửi con vì không còn cách nào khác. Biết trường dành riêng cho con công nhân lao động khánh thành chị cũng hy vọng sẽ đưa hai đứa con đến đây học cho đỡ chi phí. "Chờ mãi mà trường vẫn không tổ chức nhận nuôi dạy trẻ nên tôi rất thất vọng. Nếu trường tiếp tục không thể hoạt động thì tôi lo ngại trường sẽ bỏ hoang, tài sản hư hại, xuống cấp rất phí phạm mà ước mơ về ngôi trường dành riêng cho con công nhân khó thành hiện thực", chị Dương nói.
Không riêng chị Dương, nhiều công nhân lao động vẫn đang thấp thỏm lo sợ trường sẽ "đắp chiếu". Bởi, với thời gian dài không được sử dụng, không có người bảo vệ, dọn dẹp vệ sinh hiện trường đang có dấu hiệu xuống cấp. Khuôn viên sân trường cỏ dại mọc um tùm; các phòng học bắt đầu nhếch nhác, bụi bặm; cửa kính bị đập bể, ổ khóa cửa gỉ sét. Bên cạnh đó, trường không được khóa cẩn thận nên nhiều người thường tụ tập vào đây ăn nhậu, xả rác bừa bãi…
Không được sử dụng, bên trong trường đầy bụi bặm, rác thải gây ô nhiễm. |
Trước thực trạng trên LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cũng đã nắm bắt được tình hình và vừa có đề xuất gửi Tổng LĐLĐ có hướng khắc phục. Ông Lưu Văn Thương - Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Quảng Nam cho hay, việc trường chưa thể đưa vào hoạt động cũng để lại nhiều hệ lụy, LĐLĐ tỉnh cũng rất mong muốn sớm khắc phục những bất cập này. Theo ông Thương, nguyên nhân trường chưa hoạt động dù công trình đã khánh thành là vì bên trong trường vẫn còn "rỗng ruột". Các phòng học, khuôn viên, nhà để xe, công trình vệ sinh đã hoàn thành nhưng phía trong chưa có các trang thiết bị dạy học, hệ thống điện cũng như các dụng cụ cần thiết phục vụ việc nhận nuôi dạy trẻ. Hiện, hướng khắc phục hiệu quả nhất mà LĐLĐ tỉnh Quảng Nam kiến nghị với Tổng LĐLĐ là cho các nhà đầu tư vào thuê trường rồi đầu tư các trang thiết bị cần thiết để tiến hành nhận trẻ. Thời hạn cho thuê ngắn nhất là 15 năm sau đó nếu có nhu cầu thì các bên tiếp tục làm hợp đồng cho thuê nếu không sẽ cho nhà đầu tư mới vào. Quá trình thuê nhà đầu tư cũng phải cam kết là bảo vệ nguyên trạng công trình trường học, không tự ý tháo dỡ, đập bỏ hay xây dựng thêm bất kỳ hạng mục nào. Ngoài ra, cũng còn phải đảm bảo quyền lợi cho con công nhân lao động, giá đóng học phí phải thấp hơn so với các trường mầm non ngoài công lập. Tuy nhiên, tất cả đề xuất trên cũng phải chờ Tổng LĐLĐ xem xét, phê duyệt và thực tế trường vẫn đang đối mặt với nguy cơ xuống cấp vì bỏ hoang.
H.N