"Mổ xẻ" biến động ở Triều Tiên
(Cadn.com.vn) - Thông tin chú rể của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un, ông Jang Song-Thaek, người được cho là nhân vật quyền lực số hai ở nước này bị sa thải khiến các nước bất ngờ.
Trong đó, Nhật-Hàn tỏ ra lo lắng đến nỗi phải triệu tập những cuộc họp khẩn cấp trong ngày 4-12 và cẩn trọng theo dõi từng động thái từ Bình Nhưỡng.
Mọi việc đang bị đẩy lên cao trào khi Cơ quan tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) còn cho biết, có hai nhân vật thân cận nhất của ông Jang bị tử hình vào trung tuần tháng 11 và đó là thời điểm người ta cũng không thấy ông Jang xuất hiện nữa. Hiện chưa rõ nguyên nhân hai người này bị hành quyết cũng như nguyên nhân ông Jang bị thất sủng. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đó là "kết quả loại trừ tất yếu".
Trong nhiều năm qua, các nhà phân tích dự đoán, ông Jang sẽ bị "đá" trong cuộc cải tổ sau khi Kim Jong-un lên nắm quyền. Nhưng lúc đó, điều này đã không xảy ra. Ông Jang vẫn tiếp tục bên cạnh người cháu trai và trở thành cánh tay phải quan trọng.
Ông Jang hậu thuẫn người cháu vợ Kim Jong-Un lên vị trí lãnh đạo cao nhất ở Triều Tiên, đồng thời từng giữ chức Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương và Ủy viên Trung ương đảng Lao động Triều Tiên. Ông Jang được cho là "cái đầu" đứng sau những hành động cứng rắn của nhà lãnh đạo trẻ, trong đó thử nghiệm hạt nhân lần 3 thành công hồi tháng 2. Tuy nhiên, ông Jang cũng được cho là nắm quá nhiều quyền lực và "biết quá nhiều".
"Sự sụp đổ" đế chế của ông Jang có thể là bằng chứng cho thấy, nhà lãnh đạo Kim Jong-Un muốn củng cố quyền lực hơn nữa. "Người đàn ông trẻ tuổi muốn tất cả sức mạnh", CS Monitor dẫn lời ông Kim Tae-woo, cựu chuyên gia phân tích hàng đầu của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc nói.
Một nguyên nhân khác, theo chuyên gia Kim Tae-woo, là những cái đầu cứng rắn" trong quân đội muốn loại bỏ nhà lãnh đạo "hòa bình". Ông Jang được cho là người kêu gọi chủ trương ôn hòa, kiên trì lập trường mở cửa và cải cách nhằm khôi phục kinh tế. Theo một số nguồn tin Triều Tiên, ông bị các cán bộ đảng Lao động và quân đội phê phán về việc xúc tiến các dự án Đặc khu phát triển kinh tế.
Nhưng giờ đây, câu hỏi đặt ra là liệu cuộc cải tổ nhân sự lần này có là tiền thân của những biến động sâu hơn trong hệ thống mà nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn.
Cuộc đấu tranh quyền lực đặt ra câu hỏi liệu Triều Tiên có tăng tiến độ của chương trình hạt nhân và tên lửa trong bối cảnh có nhiều báo cáo về hoạt động phức tạp tại các cơ sở hạt nhân của nước này. Bởi lẽ, có một sự trùng hợp rõ ràng khi một quan chức Triều Tiên ở Bắc Kinh hôm 4-12 đổ lỗi cho "chính sách thù địch của Mỹ" đã buộc Bình Nhưỡng phải "sở hữu vũ khí hạt nhân để tự vệ".
Triều Tiên vẫn im lặng về việc đợt biến động nhân sự này. Tuy nhiên, nếu sự việc được xác nhận, việc ông Jang bị hạ bệ sẽ đánh dấu cuộc thanh trừng quan trọng nhất trong giới lãnh đạo chóp bu ở Triều Tiên kể từ khi ông Kim Jong-Un kế nhiệm người cha quá cố Kim Jong-Il hồi tháng 12-2011.
Thanh Văn