Báo Công An Đà Nẵng

Mổ xẻ các dự án “treo” (3)

Thứ hai, 14/12/2015 11:38

BÀI 3: Tiến thoái lưỡng nan!

(Cadn.com.vn) - Đến nay, trên địa bàn thành phố có gần 300 dự án chậm triển khai đã tác động tiêu cực tới đời sống xã hội. Nổi cộm là các khu “đất vàng” ở trung tâm TP và các dự án ven biển. Trong số 52 dự án ven biển, tổng vốn đăng ký đầu tư 58 nghìn tỷ đồng, diện tích 1.640 ha có đến 32 dự án chậm và chưa triển khai nhiều năm liền. Tuy vậy, đến nay mặc dù chính quyền thành phố đã nhiều lần “mạnh tay” nhưng vẫn chưa thể thu hồi được dự án nào.

Trong những năm qua, đất ven biển đang là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư để xây dựng các khu nghỉ dưỡng khách sạn hoặc căn hộ. Do đó, giá đất ven biển hiện đang có giá hàng chục triệu đồng/m2, thậm chí cả trăm triệu đồng/m2, tùy vị trí hay mỗi căn biệt thự ở đây có giá từ 800 ngàn USD đến 2 triệu USD của chủ đầu tư chào bán ngay lập tức có người săn tìm và mua hết. Rồi đến phân khúc cho thuê các căn villa ven biển có giá từ 2 triệu đến 20 triệu đồng/đêm đều trong tình trạng “cháy phòng” nhưng nghịch lý là hàng trăm héc-ta đất ven biển đang bỏ hoang gây lãng phí rất lớn... Đại diện lãnh đạo tập đoàn L. đến từ Hàn Quốc cho biết muốn đầu tư một khu resort chừng 7-15 ha trên dọc đường Trường Sa. Tuy nhiên, thành phố lại không có quỹ đất để đáp ứng, buộc tập đoàn phải liên hệ với một số chủ đầu tư đã và đang có đất ven biển nhưng họ lại chào giá quá cao (mỗi héc-ta có giá từ 1 -2 triệu USD, tùy vị trí và thời gian thuê đất).

DA khu CNTT tập trung đã có Thông báo Thường trực Thành ủy, Nghị quyết HĐND, Công văn của UBND TP nhưng vẫn chưa được xử lý.

Tại nhiều cuộc họp của lãnh đạo thành phố về dự án đầu tư “treo” hoặc chậm triển khai, điệp khúc "kiên quyết thu hồi" được nhắc đến nhiều lần, thậm chí ban hành nhiều “tối hậu thư” ấn định thời hạn chót triển khai dự án nhưng nhà đầu tư “phớt lờ” vẫn không thể xử lý. Cụ thể, tháng 6-2015, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ ký Thông báo 116 yêu cầu Sở TN & MT chủ trì phối hợp với các sở KH & ĐT, Xây dựng và các đơn vị liên quan  tiến hành kiểm tra, thanh tra tình hình sử dụng đất, tiến hành xử phạt theo quy định của Luật Đất đai năm 2013, đồng thời đề xuất phương án thu hồi đất theo quy định đối với các dự án đã ký cam kết tiến độ triển khai (chưa được cấp giấy chứng nhận đầu tư) nhưng không triển khai hoặc triển khai chậm như: Dự án khu du lịch Nam Phát (chủ đầu tư Cty TNHH Khách sạn và Biệt thự Nam Phát); dự án Khu du lịch ven biển Hòn Ngọc Á Châu (chủ đầu tư Cty CP Hòn Ngọc Á Châu); dự án Hoàng Anh Gia Lai của Cty CP Hoàng Anh Gia Lai; dự án Khu nghỉ dưỡng ven biển của Cty CP Đầu tư Du lịch Hà Nội Non Nước; dự án Bãi Bụt của Cty CP Hải Duy; dự án Khu du lịch sinh thái, nhà nghỉ, dịch vụ tại bán đảo Sơn Trà của Cty TNHH Du lịch và Đầu tư Sơn Hải... Tưởng số phận các dự án treo sẽ được định đoạt sau khi tiến hành kiểm tra, rà soát nhưng đến nay, báo cáo đã được các đơn vị cập nhật đầy đủ thông tin nhưng vẫn chưa có quyết định xử lý nào được đưa ra.

Cuối tháng 10-2015, tại cuộc họp liên quan đến 3 dự án “đất vàng” trung tâm thành phố, Phó Chủ tịch UBND TP Phùng Tấn Viết yêu cầu chủ đầu tư cam kết về tiến độ thi công, khối lượng xây lắp, phân kỳ đầu tư để giám sát, quản lý dự án đầu tư. Trường hợp từ chối tiếp tục đầu tư cũng phải được chủ đầu tư thể hiện bằng văn bản để chuyển dự án tiếp tục kêu gọi xúc tiến đầu tư và giải quyết các chi phí đầu tư của nhà đầu tư cũ theo các quy định của pháp luật. Thời gian để các nhà đầu tư cam kết triển khai hoặc từ chối tiếp tục đầu tư dự án phải hoàn thành trước ngày 15-11-2015. Tuy nhiên, đến nay đã qua 20 ngày nhưng vẫn chưa thực hiện ký cam kết... “Một bước tiến, nhiều bước lùi” chung quanh các dự án “treo” đã đặt ra nhiều bất cập, vướng mắc khó tháo gỡ. Đại diện lãnh đạo Sở TN & MT cho biết, mặc dù thành phố đã tổ chức nhiều cuộc họp, lấy ý kiến của các sở, ngành, thậm chí Bộ KH & ĐT, Bộ TN & MT nhưng đến nay vẫn lúng túng trong giải quyết. Làm sao để vừa phải giữ tiếng thơm về môi trường thu hút đầu tư, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, vừa đúng với quy định của pháp luật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm sự công bằng giữa các dự án ven biển là việc làm rất khó khăn.

Ông Trần Văn Sơn, Giám đốc Sở KH & ĐT cho biết, việc nhiều chủ đầu tư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc thuê đất nhưng vẫn không chịu làm giấy chứng nhận đầu tư, hoặc có trường hợp có giấy chứng nhận đầu tư lại chưa làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án nhằm đối phó khi chính quyền quyết tâm thu hồi các dự án... Trong khi đó, Luật Đầu tư 2014 và Luật Đất đai 2013 thì lại cho phép chủ đầu tư dự án không triển khai gia hạn thêm 24 tháng.

Ông S. chủ nhiều dự án tại Đà Nẵng cho biết: Việc thu hồi các dự án không dễ vì đa phần các chủ đầu tư đều đã triển khai một phần, ít nhất là đã giải phóng mặt bằng, làm hàng rào. Nay thành phố thu thu hồi phải đền bù theo giá thị trường có thể không đủ tiền để hoàn trả cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, đa số giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang thế chấp ở ngân hàng vay vốn lại còn rắc rối hơn nhiều. Chính vì lý do này ngay cả khi thành phố đã có quy định rất “mạnh tay” cũng khó thực hiện được. Ngoài ra, ông S. cũng viện thêm lý do khác là giá đất thuê mua trên giấy tờ bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với giá trị mà chủ đầu tư bỏ ra để sở hữu khu đất trên. Vì vậy, việc định giá thực tế khi thuê, mua là rất khó khăn nên chính quyền thành phố cũng không biết được giá bao nhiêu để áp giá đền bù cho chủ đầu tư. Do vậy, chính quyền và chủ đầu tư không gặp nhau.

(còn nữa)

Xuân Đương