Báo Công An Đà Nẵng

Mới đầu mùa nắng, người Đà Nẵng lại khổ sở vì thiếu nước sinh hoạt

Thứ năm, 01/04/2021 13:35

Dù chỉ mới đầu mùa nắng nhưng tình trạng nước thô nhiễm mặn xuất hiện sớm đi kèm mực nước sống Yên hạ thấp đã khiến nhiều khu dân cư cuối tuyến trên địa bàn Đà Nẵng khổ sở vì nước sinh hoạt vừa yếu vừa thiếu.

Vòi nước của một hộ dân trên đường Nguyễn Thị Ba (P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà) khô rang, không có nước vào giờ cao điểm ngày 29-3.

Yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng tuyến ống dẫn nước thô

Bộ TN&MT vừa có công văn gửi UBND thành phố Đà Nẵng đôn đốc lần 2 về việc nâng cấp, lắp đặt bổ sung đường ống dẫn nước từ đập dâng An Trạch về Nhà máy nước Cầu Đỏ để bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng kể cả trường hợp Nhà máy nước Cầu Đỏ bị nhiễm mặn nhiều ngày không thể khai thác. Tuy nhiên, hiện tại dự án này vẫn chưa được triển khai thi công, dẫn đến nguy cơ thiếu nước cấp cho các hoạt động sản xuất, đặc biệt là cấp nước cho thành phố Đà Nẵng trong thời gian còn lại của mùa cạn cũng như trong những năm tiếp theo. Bộ TN&MT đề nghị trước ngày 30-4-2021 thành phố Đà Nẵng báo cáo kết quả thực hiện dự án này.

Vấn đề này ông Hồ Minh Nam cho biết, trước đây lập quy hoạch xây dựng tuyến ống có đi qua 2 điểm đường sắt. Hiện tại Bộ Xây dựng thẩm định và yêu cầu điều chỉnh nên rất mất thời gian."Thi công thì nhanh nhưng thủ tục đầu tư thì phải qua rất nhiều khâu. Cho nên vẫn phải chờ cơ quan chức năng", ông Nam nói.

Đến hẹn lại lên, Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố phải ban hành công văn yêu cầu chủ các hồ thủy điện A Vương, Sông Bung 4, Sông Bung 4A, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn để "giải khát" cho hạ du.

Vừa yếu, vừa thiếu

Những ngày cuối tháng 3, tại một số khu vực dân cư cuối nguồn của quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, người dân đã phải vất vả canh chừng để hứng nước sinh hoạt khi nhiều thời gian trong ngày nước chảy qua van nhỏ giọt, thậm chí không đủ áp lực để cung cấp cho các hoạt động thiết yếu. Tại P. Nại Hiên Đông, Q. Sơn Trà, các khu dân cư trên đường Bùi Huy Bích, Nguyễn Thị ba, Lê Hữu Kiều... người dân phải vất vả chờ cả giờ đồng hồ mới hứng được một xô nước, thậm chí nhiều nhà phải chạy đi xin nước về dùng. Cũng lâm vào cảnh tương tự, nhiều gia đình ở khu dân cư cuối tuyến của Q. Ngũ Hành Sơn tại P. Khuê Mỹ những ngày qua phải cử người thức khuya hoặc dậy sớm để hứng nước dự trữ cho cả ngày. Những gia đình dùng nước trực tiếp thiếu thốn đã đành, một số hộ có lắp máy bơm áp lực phía sau đồng hồ cũng rất khó khăn khi nước hụt sâu không đủ cung cấp để bơm lên bể chứa.

Bà Lê Thị Tình (trú tổ 35, P. Khuê Mỹ, Q. Ngũ Hành Sơn) cho biết, mỗi buổi sáng gia đình phải có người dậy sớm để hứng nước vào xô chậu, nhưng đến cao điểm buổi tối là hết nước dùng. Tình trạng kéo dài nhiều ngày khiến sinh hoạt trong gia đình rất bức bối. "Năm nào đến mùa nắng cũng khổ sở. Nhưng năm nay nước yếu và thiếu rất sớm. Nghe nói bên cấp nước đầu tư đường ống, nhà máy nước mà sao không cải thiện được tình hình. Đây là dịch nên khách du lịch còn ít chứ nếu các khách sạn hoạt động hết công suất trở lại thì không biết có còn nước để hứng không", bà Trình bức xúc.

Không những yếu, người dân một số khu vực còn phản ánh tình trạng nước lợ, nước đục xuất hiện từ thời điểm sau Tết Nguyên đán. Anh Hiếu (trú tổ 26, P. An Khê, Q. Thanh Khê) cho hay: "Khu gia đình tôi ở gần nhà máy nước Sân Bay nhưng không hiểu vì sao áp lực lại yếu như thế. Cả tuyến đường Nguyễn Hữu Thận đều phải thi nhau lắp máy bơm mới đẩy được nước lên bồn dự trữ ở các nhà tầng. Không những vậy, thời gian gần đây nước có vị lợ, nhiều thời điểm có màu ố vàng", anh Hiếu cho biết.

Nhiều hộ dân ở một số khu vực thi nhau lắp máy bơm để đẩy nước lên bồn dự trữ nhưng có thời điểm nước trong đường ống bị hụt, không thể đẩy lên.

Khó khăn do nguồn nước nhiễm mặn

Về hiện tượng nước yếu, ông Hồ Minh Nam - Phó Tổng Giám đốc Cty CP Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) lý giải, trong những ngày cuối tháng 3 độ mặn trên sông tại cửa thu nước thô vào Nhà máy nước Cầu Đỏ xuất hiện, kèm theo đó là mực nước sông Yên hạ xuống thấp nên nguồn nước cấp để sản xuất nước sạch bị giảm. Trước tình hình đó, Dawaco đã có báo cáo và đề nghị các sở, ban, ngành của thành phố phối hợp Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam, các chủ hồ thủy điện bảo đảm duy trì mực nước sông Yên tại thượng lưu đập dâng An Trạch ở tối thiểu cao trình 1,6m để trạm bơm hoạt động hiệu quả, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho thành phố.

Đến ngày 31-3, độ mặn nước thô đã giảm, mực nước sông Yên dâng dần lên đủ cao trình để chạy bơm, đơn vị đã tăng cường lấy nước thô để sản xuất và nâng cao trữ lượng nước nạp vào hệ thống đường ống cấp cho người dân. Trong thời gian tới, nếu Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam thi công xong đập tạm chặn dòng, bít cửa sông Quảng Huế và các hồ thủy điện trên lưu vực sông Vu Gia xả nước xuống, tình trạng nhiễm mặn sẽ giảm đi, áp lực nước sẽ gia tăng. Đối với hiện tượng nước đục vàng ở một số khu vực, ông Nam giải thích khả năng do hệ thống ống nước đã cũ, khi gặp áp lực nước mạnh trở lại sau những ngày yếu sẽ làm bong các lớp cáu bẩn. Hoặc bồn nước của một số gia đình lâu không được vệ sinh, khi nước bình thường thì không sao nhưng nếu bơm lại sau thời gian bị hụt sẽ làm cặn nổi lên hòa vào trong nước chảy xuống các vòi sinh hoạt.

Ông Hồ Minh Nam cho biết thêm, để đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho toàn thành phố trong mùa khô năm 2021 này, ngay từ tháng 2-2021, DAWACO đã hoàn thành hạng mục nâng cấp cửa thu nước Nhà máy nước Cầu Đỏ, nâng công xuất lên 1 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên, chưa chính thức bước vào mùa khô, nhưng việc đảm bảo nguồn nước sinh hoạt đã gặp khó khăn, đã xảy ra tình trạng thiếu nước tại một số địa bàn trên thành phố, nguyên nhân do nguồn nước sông Cầu Đỏ đã nhiễm mặn rất cao trong những ngày qua. Ngay cuối tháng 3-2021, DAWACO đã đề xuất lên UBND thành phố và ngành chức năng cho khẩn cấp xây dựng đập ngăn mặn tạm thời trên sông Cẩm Lệ, thuộc địa phận phường Khuê Trung, như đã làm năm 2020, khi chuẩn bị bước vào mùa khô.

Cùng với biện pháp tạm thời trên, DAWACO đồng loạt triển khai nhiều công trình cầu dự án, nâng cấp công suất Nhà máy nước Cầu Đỏ từ 230 nghìn m3/ngày đêm lêm 290 nghìn m3/ngày đêm, dự kiến hoàn thành vào tháng 8-2021. Xây dựng tuyến ống truyền dẫn nước đường kính D1.200, D800 trên đường Thăng Long, từ Nhà máy nước Cầu Đỏ đến cầu Tiên Sơn dài 6,5 km, dự kiến hoàn thành tháng 7-2021. Xây dựng tuyến ống truyền dẫn D1.000, D1.200, D800, từ Nhà máy nước Hòa Liên đến Khu Công nghiệp Hòa Khánh dài 6,5km, dự kiến hoàn thành tháng 7-2021. Xây dựng tuyến ống truyền dẫn D500, D400 trên tuyến đường Võ Nguyên Giáp, từ đường Hồ Xuân Hương đến dự án Cocobay, thuộc địa phận quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn đến giáp địa phận tỉnh Quảng Nam dài hơn 6km, dự kiến hoàn thành tháng 7-2021.  Nâng cấp cải tạo nhằm đảm bảo sự hoạt động ổn định của Trạm bơm An Trạch, Hòa Tiến.  Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, DAWACO phối hợp với các ngành chức năng thành phố và tỉnh Quảng Nam triển khai đắp lại đập Quảng Huế tại khu vực ngã ba giữa sông Vu Gia và sông Thu Bồn, huyện Đại Lộc, nhằm tăng lượng nước chảy về sông Yên (sông Cầu Đỏ), công trình đã cơ bản hoàn thành, sẽ đưa vào hoạt động vào đầu tháng 4-2021.  Hiện tại DAWACO cũng đã triển khai dự án nâng cấp hệ thống cấp nước về các khu dân cư toàn thành phố với kinh phí đầu tư 30 tỷ đồng. Đây là công việc thường xuyên, được gấp rút hoàn thành trong nửa đầu năm 2021.

Nỗ lực cải thiện cung cấp nước

Theo ông Nam, thực ra khó khăn lớn nhất của DAWACO trong các năm là tình trạng nhiễm mặn nguồn nước vào mùa hè, gây nên tình trạng không sản xuất đủ nước cung cấp cho toàn thành phố. DAWACO quyết tâm hoàn thành các công trình dự án đúng kế hoạch tiến độ sẽ cải thiện việc cung cấp nước cho thành phố ổn định. Bên cạnh đó, công trình Nhà máy nước Hòa Liên, giai đoạn 1 với công suất 120 nghìn m3 nước/ngày nếu hoàn thành đúng tiến độ vào cuối tháng 6-2021, sẽ hỗ trợ cùng Nhà máy nước Cầu Đỏ, tăng nguồn nước cung cấp cho thành phố, khi nguồn nước tại Nhà máy Cầu Đỏ thường bị nhiễm mặn vào mùa hè hàng năm.

Ngày 31-3, Sở TN&MT thành phố Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã ban hành công văn yêu cầu chủ các hồ thủy điện Sông Bung 4, Sông Bung 4A, A Vương, Sông Bung 5, Sông Bung 6 và Đăk Mi 4 vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia đúng quy định tại Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn. Trong trường hợp khẩn cấp, nếu xảy ra thiếu nước trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và khi độ mặn tại cửa thu nước Cầu Đỏ duy trì liên tục ở mức cao hơn 1.000mg/l dẫn đến công suất Trạm bơm đập dâng An Trạch không đáp ứng đủ nhu cầu dùng nước của thành phố Đà Nẵng, các chủ hồ thủy điện sẵn sàng thực hiện phối hợp vận hành xả nước về hạ du sông Vu Gia bảo đảm cấp nước an toàn cho thành phố Đà Nẵng theo phương thức liên lạc qua điện thoại và email của Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng, người đại diện theo ủy quyền của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng.

Công Khanh - Hồng Thanh