Báo Công An Đà Nẵng

Mối đe dọa ngày càng tăng ở Biển Đỏ

Thứ hai, 18/12/2023 14:29
Houthi bắt giữ tàu thương mại Galaxy Leader trên Biển Đỏ hôm 19-11. Ảnh: Reuters

Liên tiếp tấn công tàu hàng

Ngày 15-12, Houthi đã thừa nhận tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào 2 tàu chở hàng của Israel trên Biển Đỏ. Trong một tuyên bố phát sóng trên kênh truyền hình al-Masirah, người phát ngôn của lực lượng Houthi, ông Yehya Sarea, xác nhận lực lượng này đã tấn công 2 hai tàu chở hàng MSC Alanya và MSC Palatium III đang trên đường tới Israel. Các cuộc tấn công được tiến hành sau khi thủy thủ đoàn của hai tàu trên từ chối trả lời cuộc gọi từ Houthi. Cũng theo người phát ngôn trên, Houthi sẽ tiếp tục ngăn chặn tất cả các tàu hàng tới cảng của Israel cho đến khi có thêm thực phẩm và thuốc men được phép vào Dải Gaza.

Trước đó cùng ngày, trên mạng xã hội X, cơ quan điều hành thương mại hàng hải của Anh báo cáo có 8 sự cố ở khu vực phía Nam Biển Đỏ, gần eo biển Bab al-Mandab. Kênh truyền hình Al Arabiya có trụ sở tại Saudi Arabia cũng đưa tin một tàu chở hàng mang cờ Liberia đã bị trúng tên lửa từ Yemen và bốc cháy.

Hôm 12-12, lực lượng Houthi xác nhận đã tấn công bằng tên lửa vào một ngày trước đó nhằm vào tàu chở dầu thương mại Strinda treo cờ Na Uy. May mắn không có người bị thương trong vụ tấn công. Người phát ngôn của Houthi cũng cho hay lực lượng này đã tấn công 2 tàu của Israel là Unity Explorer và Number Nine ngày 3-12 bằng máy bay không người lái và tên lửa. Không có ai bị thương sau các vụ tấn công, nhưng các tàu thương mại bị hư hại. Vào tháng 11, lực lượng này cướp một tàu thương mại Galaxy Leader có liên quan đến Israel và bắt thủy thủ đoàn làm con tin.

Tình hình khiến các hãng tàu biển tránh kênh đào Suez. Hapag-Lloyd, công ty vận tải biển của Đức, hôm 15-12 thông báo tạm dừng tất cả các hành trình qua Biển Đỏ do lo sợ bị tấn công. Trong ngày 16-12, tập đoàn A.P. Moller-Maersk (Đan Mạch) đã tạm dừng tất cả các chuyến hàng container đi qua eo biển Bab al-Mandab cho đến khi có thông báo mới. Ngày 17-12, các hãng vận tải khác như MSC có trụ sở tại Thụy Sĩ và tập đoàn vận tải Pháp CMA CGM đã tiếp bước A.P. Moller-Maersk. "Tình hình ngày càng xấu đi và mối lo ngại ngày càng tăng", đại diện hãng vận tải CMA CGM cho biết.

Vai trò quan trọng của Biển Đỏ

Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas hôm 7-10, Houthi đã nhiều lần tuyên bố sẽ tấn công các tàu hướng đến Israel, bất kể là tàu của nước nào, đồng thời cảnh báo các công ty vận tải quốc tế không giao dịch với các cảng của Israel. Phát ngôn viên quân sự của Houthi cho biết lực lượng này muốn ngăn chặn các tàu Israel di chuyển trên Biển Đỏ cho đến khi hành động gây hấn của Israel chống lại "những người anh em kiên định của chúng tôi ở Dải Gaza dừng lại".

Sự gia tăng đột biến các vụ tấn công tàu chở hàng như vậy tại Biển Đỏ đã làm leo thang căng thẳng tại một trong những tuyến vận chuyển biển quan trọng nhất thế giới. Là cầu nối quan trọng giữa Ấn Độ Dương và Địa Trung Hải, Biển Đỏ là tuyến đường thương mại quan trọng cho vận tải biển và cung cấp năng lượng toàn cầu. Khoảng 40% thương mại quốc tế đi qua eo biển Bab-el-Mandeb, một tuyến đường thủy hẹp ngăn cách Bán đảo Arab với vùng Sừng châu Phi. Nhà nghiên cứu Camille Lons tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu (ECFR), cho biết: "Đây là thời điểm khá nguy hiểm cho ổn định của khu vực chiến lược này". Ông Fabian Hinz tại Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh bổ sung: "Houthi có khả năng gây ra thiệt hại đáng kể".

Mỹ điều chiến hạm hướng về Biển Đỏ

Hành động leo thang tấn công tàu thương mại của Houthi buộc Mỹ phải lên kế hoạch tăng cường tàu chiến đến Biển Đỏ. Tờ Politico đưa tin ngày 16-12, các tàu chiến của Mỹ và Anh đã bắn hạ trên 10 máy bay không người lái được phóng từ các khu vực do Houthi kiểm soát ở Yemen. Đây là cuộc tấn công dữ dội mới nhất nhằm vào các tàu hải quân và tàu thương mại trên Biển Đỏ.

Theo Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, tàu khu trục Carney của Mỹ đã đánh chặn 14 máy bay không người lái tấn công một chiều, trong khi tàu khu trục HMS Diamond của Anh, vừa đến khu vực này để tăng cường bảo vệ hoạt động vận chuyển thương mại, cũng bắn hạ một máy bay không người lái của Houthi. Những tuần gần đây, hai tàu khu trục Carney và Mason liên tiếp phải ngăn chặn các đòn tấn công của Houthi. Và trong tuần qua, ba tàu chiến khác của Hải quân Mỹ đã di chuyển vào Biển Địa Trung Hải nhằm tăng cường hiện diện quân sự trong khu vực. Ba tàu khu trục phòng thủ tên lửa Laboon, Delbert D. Black và The Sullivans sẽ tham gia cùng Nhóm tấn công tàu sân bay Gerald R. Ford, vốn đang hoạt động ở Địa Trung Hải kể từ khi giao tranh nổ ra tại Gaza.

Ngoài việc Carney bắn hạ các máy bay không người lái hôm 17-12, vào ngày 13-12, Mason cũng đã bắn hạ một máy bay không người lái được phóng từ Yemen. Đây là lần thứ hai trong tháng này tàu chiến Mason khai hỏa. Chỉ vài ngày trước đó, tàu Mason đã đến trợ giúp một tàu thương mại bị trúng tên lửa hành trình ở eo biển Bab-el-Mandeb. Tàu Carney cũng đã phá hủy một số máy bay không người lái và tên lửa hành trình mà giới chức Mỹ cho biết là đang bay gần con tàu. Theo Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps, tàu HMS Diamond của Anh hôm 17-12 cũng đã phá hủy một máy bay không người lái đang nhắm mục tiêu vào tàu buôn thương mại.

Trên biển, chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực thành lập một lực lượng đặc nhiệm hàng hải quốc tế để chống lại các cuộc tấn công của Houthi. Tình hình căng thẳng leo thang ở Trung Đông cũng gây ảnh hưởng đến sự an toàn của quân đội Mỹ. Các binh sĩ Mỹ ở Iraq và Syria đã trở thành mục tiêu tấn công ít nhất 90 lần bởi các nhóm vũ trang kể từ giữa tháng 10.

AN BÌNH