Báo Công An Đà Nẵng

Mối lo "trẻ hóa" mục tiêu khủng bố

Thứ sáu, 22/01/2016 09:59

(Cadn.com.vn) - Cuộc tấn công của Taliban nhằm vào trường đại học Bacha Khan ở Pakistan tiếp tục làm gia tăng mối lo ngại về nguy cơ "trẻ hóa" mục tiêu tấn công của những kẻ thánh chiến Hồi giáo.

Tại sao những thanh thiếu niên trẻ tuổi lại trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công Hồi giáo trong thời gian gần đây. Ví dụ mới nhất là cuộc tấn công của Taliban tại trường đại học Bacha Khan ở Pakistan. Taliban cũng từng tổ chức vụ tấn công tương tự nhằm vào trường thiếu sinh quân ở Pakistan vào năm 2014. Cuối tháng 4-2015, các chiến binh Al-Shabaab giết chết hơn 100 học sinh tại một trường đại học ở Kenya. Và gần 2 năm trước, Boko Haram ở Nigeria bắt cóc hơn 200 thiếu nữ từ thị trấn Chinook.

Nhiều người cho rằng, có lẽ bọn khủng bố nhắm mục tiêu trẻ em chủ yếu nhằm gieo rắc sự sợ hãi lớn nhất. Trong một số trường hợp, một cuộc tấn công vào một trường học với giáo dục kiểu phương Tây là "tuyên bố rõ ràng nhất" chống lại các giá trị nhất định, chẳng hạn như sự bình đẳng cho trẻ em gái và việc nắm quyền thế tục. Sau khi thiếu nữ Pakistan, Malala Yousafzai, bắt đầu đứng lên đòi quyền được đi học cho trẻ em gái Hồi giáo, Taliban ngay lập tức sát hại cô  vào năm 2012. Tuy nhiên, cô may mắn sống sót và tiếp tục con đường đã chọn. Và 2  năm sau, cô được trao giải Nobel Hòa bình, trở thành người trẻ nhất được trao giải thưởng danh giá này.

Giải thưởng này là dấu hiệu cho thấy, giới trẻ cần tự mình nỗ lực gia nhập vào cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố, cần được hỗ trợ và hướng theo con đường chống các nhóm khủng bố. Vậy tại sao rất nhiều người trẻ tuổi, đặc biệt là thanh niên Hồi giáo, vẫn là mục tiêu tuyển mộ tiềm năng của các nhóm khủng bố và thường tỏ ra rất cực đoan? Điều này đặt ra bài toán lớn cho giới chức các nước về vấn đề tạo việc làm cho thanh niên và những người trẻ.

Hãy nhớ lại Mùa xuân Arab bùng phát năm 2011. Đây ban đầu là phong trào biểu tình của thanh niên, bắt nguồn tự sự thất vọng đối với chính quyền độc tài, bất công và thiếu việc làm. Nỗi thất vọng giờ đây vẫn còn rất nhiều, tạo lỗ hổng lớn để các nhóm khủng bố len lỏi. Tỷ lệ thanh niên thất nghiệp trong giới trẻ vẫn là ở mức cao nhất thế giới (hơn 30%). Tại Tunisia, nhiều thanh niên đã đến Syria để tham gia IS - nhóm cực đoan mới nổi nhưng rất mạnh mẽ. Và với sự bùng nổ của mạng xã hội, IS càng dễ dàng tuyển dụng hàng ngàn người trẻ.

Một tài liệu đề năm 2004 của Al-Qaeda ở Iraq, tổ chức tiền thân của IS, đưa ra một chiến lược sử dụng các cuộc tấn công man rợ vào đám đông để thu hút mọi người tìm hiểu động cơ gây án. Và tất nhiên, thanh thiếu niên thường rất tò mò và quan tâm đến những vụ tấn công như thế này, nhất là trong bối cảnh mạng truyền thông phát triển như hiện nay.

Thanh Văn