Mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống "giặc lửa"
(Cadn.com.vn) - Từ chỗ xem công tác PCCC là nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát PCCC, người dân đã thấy được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình đối với công tác PCCC. Đó chính là nét chuyển biến tích cực nhất trong phong trào "Toàn dân PCCC" ở Đà Nẵng, qua đó ý thức chấp hành pháp luật về công tác PCCC của mỗi người dân từng bước được nâng lên. Nhân kỷ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát PCCC (4-10-1961-4-10-2016) và 15 năm Ngày Toàn dân PCCC, phóng viên đã có cuộc phỏng vấn Đại tá Lê Ngọc Hai, Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC thành phố về việc thực hiện phong trào toàn dân PCCC trên địa bàn thành phố.
Đại tá Lê Ngọc Hai. |
P.V: Xin Đại tá cho biết tình hình cháy nổ trên địa bàn thành phố thời gian qua. Những tồn tại, hạn chế nào được xem vẫn còn đang tiềm ẩn những nguy cơ hỏa hoạn xảy ra hiện nay?
Đại tá Lê Ngọc Hai: Những năm qua, công tác PCCC trên địa bàn thành phố đã có chuyển biến và đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp, nhiều vụ cháy đã gây thiệt hại không nhỏ về người và tài sản của nhân dân. Trong 9 tháng đầu năm 2016, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ cháy, làm chết 1 người, gây thiệt hại về tài sản trị giá hơn 3,5 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cháy nổ là do những năm gần đây, nhiều ngành kinh tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ với các loại hình hoạt động đa dạng được thành lập và đi vào hoạt động. Theo quy luật thì đô thị càng phát triển, nhu cầu kinh tế xã hội cao thì quá trình sử dụng điện, xăng dầu, khí gas, hóa chất và nguyên vật liệu, chất dễ cháy khác với mức độ ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, nhận thức và ý thức của một bộ phận cán bộ và nhân dân về công tác bảo đảm an toàn PCCC còn hạn chế dẫn đến công tác PCCC ở cơ sở chưa được quan tâm, đầu tư đúng mức; việc chấp hành các quy định của pháp luật PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ... và người dân chưa đầy đủ và triệt để. Mặt khác, nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh còn chủ quan trong PCCC, có đầu tư trang thiết bị PCCC nhưng sơ sài, chủ yếu để đối phó khi cơ quan chức năng kiểm tra. Bên cạnh các khu đô thị mở rộng, các khu dân cư mới, còn nhiều khu dân cư kiệt, hẻm, các khu phố nhỏ hẹp, kiến trúc nhà cửa từ xưa để lại mà chưa được cải tạo xây dựng để tạo lối thoát hiểm theo quy định của Luật PCCC; nhiều khu chung cư xuống cấp, nhiều nhà liền kề mặt phố kết hợp vừa làm nhà ở vừa kinh doanh tiềm ẩn những nguy cơ cháy nổ cao. Lực lượng PCCC ở cơ sở tuy được thành lập nhưng còn yếu. Đây chính là những nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ còn diễn biến rất phức tạp.
P.V: Đại tá đánh giá thế nào về sự phát triển của phong trào toàn dân PCCC ở TP Đà Nẵng trong những năm qua?
Đại tá Lê Ngọc Hai: Chúng tôi luôn xác định công tác PCCC muốn thực hiện có hiệu quả thì phải có sự tham gia tích cực của nhân dân, người lao động, người đứng đầu cơ sở của cả hệ thống chính trị. Vì vậy, chúng tôi luôn đặt vấn đề phải tập trung xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC & CNCH phát triển sâu rộng trên địa bàn thành phố. Đến nay, phong trào toàn dân PCCC ở TP Đà Nẵng đã có chuyển biến rõ rệt, đã xây dựng được 823/823 cụm dân cư ANTT về PCCC; khu chung cư an toàn về PCCC, thôn an toàn về PCCC. Nhiều người và hộ dân cũng như các chủ cơ sở đã tự trang bị các thiết bị PCCC hoặc tự cải tạo các cơ sở, hộ gia đình mình. Nhiều mô hình chợ kiểu mẫu an toàn về PCCC; trường học an toàn về PCCC được triển khai làm điểm theo diện rộng. Đến cuối năm 2015, đã xây dựng được 56 đội dân phòng PCCC với 1.300 đội viên, 254 tổ dân phòng PCCC được bố trí theo cụm dân cư, thôn với gần 1.800 tổ viên. Ngoài ra đã củng cố xây dựng 2.360 đội PCCC cơ sở. Đây chính là lực lượng phát hiện, tiếp cận hiện trường đầu tiên khi có cháy, tổ chức cứu chữa giai đoạn đầu và giảm thiểu những thiệt hại do cháy gây ra trong khả năng cho phép. Qua thống kê có gần 50% vụ cháy được lực lượng tại chỗ dập tắt. Đây là bước tiến rất lớn về phong trào toàn dân PCCC ở TP Đà Nẵng, không thể không ghi nhận và phát huy.
Người dân tham gia Hội thao PCCC. |
P.V: Thời gian tới các cấp, các ngành và nhân dân phải thực hiện như thế nào để đẩy mạnh hơn nữa phong trào toàn dân PCCC ở thành phố theo tinh thần đúng nghĩa là ngày toàn dân PCCC?
Đại tá Lê Ngọc Hai: Để công tác PCCC ở địa phương từng bước đi vào nề nếp và hiệu quả, nếu chỉ có lực lượng Cảnh sát PCCC chắc chắn sẽ rất khó thực hiện nên đòi hỏi các cấp, các ngành và mọi tầng lớp nhân dân phải vào cuộc. Lực lượng Cảnh sát PC&CC cần phát huy và làm tốt chức năng tham mưu phục vụ cấp ủy, chính quyền nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trên địa bàn cùng thực hiện nhiệm vụ PCCC. Bám sát địa bàn, tích cực tham mưu, hướng dẫn giúp chính quyền cơ sở, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm tốt công tác kiểm tra, tự kiểm tra an toàn về PCCC. Tiếp tục xây dựng, củng cố phong trào toàn dân PCCC, chú trọng cả bề rộng và chiều sâu với các nội dung, biện pháp đa dạng, phong phú, phù hợp từng đối tượng, địa bàn, lứa tuổi... tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về PCCC đến từng người dân và cán bộ. Đặc biệt tập trung phổ biến hướng dẫn kiến thức về PCCC & CNCH, kỹ năng xử lý các tình huống ban đầu khi có sự cố cháy nổ xảy ra, các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm và CNCH trong đám cháy... Và cuối cùng tôi xin nhấn mạnh rằng, tất cả chúng ta, mỗi người dân hãy là một chiến sĩ trên mặt trận phòng chống "giặc lửa", luôn chủ động tự phòng, nhanh chóng và kịp thời. Chính sự tự giác tham gia hăng hái, nhiệt tình và đầy ý thức trách nhiệm của các đoàn thể quần chúng nhân dân sẽ góp phần rất lớn trong công tác PCCC.
Xin cảm ơn Đại tá về cuộc phỏng vấn này!
Kim Thái
(thực hiện)