"Mối tình" Nga - Hy Lạp
(Cadn.com.vn) - Thực tế cho thấy, mặc dù Hy Lạp đang cố thủ vững chắc trong Liên minh Châu Âu (EU) và NATO nhưng nhiều người cho rằng, dường như Athens cũng không thể cầm lòng trước sức hấp dẫn của Moscow.
Thủ tướng Hy Lạp Alex Tsipras và Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nở nụ cười rất tươi khi có cuộc gặp tại Điện Kremlin hôm 8-4 (giờ địa phương). Chuyến thăm của ông Tsipras đến Nga, diễn ra khi hai nước đang gặp khó khăn về kinh tế, mang ý nghĩa biểu tượng chính trị mà cả hai bên đang tìm kiếm. Những hành động ấm áp và thân thiện giữa hai nhà lãnh đạo khiến nhiều người nghĩ về mối quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, trong bối cảnh Athens toan tính sẽ rời khỏi EU.
Và không nằm ngoài dự đoán, tại cuộc gặp, vấn đề kinh tế cũng như các biện pháp trừng phạt của EU nhằm vào Moscow, được cả hai đặc biệt quan tâm. Moscow thậm chí cho biết có thể chiết khấu giá khí đốt và cấp nhiều khoản vay mới cho Athens. Mặc dù giới phân tích cho rằng, một thỏa thuận giữa Athens và Moscow chắc chắn chủ yếu quay quanh sân khấu chính trị và trước chuyến đi, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu Martin Schulz cảnh báo ông Tsipras rằng, Hy Lạp không được phá vỡ các lệnh cấm vận của EU đối với Nga về vai trò của Moscow trong cuộc khủng hoảng Ukraine, đã có những thỏa thuận kinh tế quan trọng trên bàn hội đàm.
Mặc dù các quan chức của Hy Lạp tuyên bố sẽ không yêu cầu Nga hỗ trợ tiền giúp đối phó với nợ và các vấn đề tài chính vì muốn giải quyết chúng trong EU, nhưng ông Putin đã đi nước cờ khôn khéo. Ông chủ Điện Kremlin đồng ý loại bỏ Hy Lạp khỏi lệnh cấm nhập khẩu thực phẩm phương Tây (được đưa ra nhằm trả đũa các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow), để kim ngạch xuất khẩu nông nghiệp Hy Lạp đến Nga có thể trở lại con số khoảng 200 triệu USD/năm. Và trên thực tế, Athens thật sự rất cần có Moscow “chống lưng”.
Trên thực tế, Nga có thể giúp biến Hy Lạp thành trung tâm năng lượng chính của miền nam Châu Âu, khi hệ thống “Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ” dẫn khí đốt trực tiếp từ biển Đen, và được cho là dự án thay thế “Dòng chảy phương Nam”, đi vào hoạt động. Theo giới quan sát, Hy Lạp chắc chắn sẽ hưởng lợi nếu Athens quyết định tham gia dự án. Bởi lẽ, tuyến đường mới sẽ cung cấp nhu cầu nhiên liệu cho Châu Âu và từng bước biến Athens trở thành một trong những trung tâm phân phối điện chính ở châu lục này. Tất cả có thể giúp thu hút đầu tư đáng kể vào nền kinh tế Hy Lạp.
Tuy nhiên, vấn đề khó đặt ra là Thủ tướng Hy Lạp vẫn còn nhiều hoài nghi về ý tưởng “Đường ống Thổ Nhĩ Kỳ”, và các chuyên gia nói rằng ngay cả khi tất cả các chi tiết đều được sắp xếp, việc Hy Lạp được hưởng lợi xem ra vẫn còn là con đường rất xa.
Thanh Văn