Báo Công An Đà Nẵng

Mòn mắt đợi... Ô-sin

Thứ bảy, 28/02/2015 12:07

(Cadn.com.vn) - Khi đời sống người dân ngày được nâng cao, việc trong nhà có người giúp việc (Ô-sin) đã trở thành một nhu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng chọn được cho mình một Ô-sin vừa ý, đặc biệt là sau Tết...

Ô kìa Ô-sin

Ngày Mồng 5 Tết, phần lớn công chức đã trở lại công việc của mình, vì vậy nhu cầu có người giúp việc trong nhà càng trở nên bức thiết. Cũng chính vì chuyện này mà không ít gia đình đã phải dở khóc dở cười, đặc biệt là những gia đình có con nhỏ chưa đủ tuổi đến trường thì thiếu Ô-sin càng bức thiết.

Chị Nguyễn Thị Hương (Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cho biết, vì vợ chồng chị đều là công chức Nhà nước, chị vừa mới đi làm lại sau khi nghỉ sinh nên việc có một người trông trẻ là không thể thiếu. Để con quen hơi, chị đã phải thuê người chăm từ khi vừa sinh. "Sau 3 lần đổi người, lần này tôi quyết định giữ Tâm (25 tuổi, quê Quảng Trị). Mỗi tháng chúng tôi trả cho Tâm hơn 3 triệu đồng, lo ăn uống. Nói thật, tôi rất quý con bé vì nó chăm lo con tôi và quán xuyến công việc nhà rất tốt. Trước Tết hứa ngày 4 Tết quay lại, vậy mà hôm nay chúng tôi đi làm rồi chẳng thấy đâu. Con nhỏ, nội ngoại đều ở xa vậy là đành vợ chồng thay nhau ở nhà trông con. Đầu năm mà tôi đã phải hôm đi làm hôm nghỉ như thế này thì gay thật. Hôm qua gọi điện cho nó, nó còn xin ít ngày vì có bạn đi làm ở Sài Gòn về lâu ngày không gặp...".

Cũng câu chuyện về người giúp việc trong nhà, cô Thuyết góp chuyện: "Úi dào, nói đến Ô-sin là tôi "ớn" rồi. Đời thuở nhà ai đi làm việc nhận lương mà suốt ngày chát với chít, hẹn hò. Cứ nghĩ rằng có Ô-sin thì sáng dậy sẽ được thảnh thơi, vậy mà mình sáng nào cũng phải đánh thức Ô-sin dậy. Vậy là tôi cho nghỉ việc. Người thứ 2 rồi 3, 4 cũng chẳng ra gì, người thì lười làm, người thì chờ chủ hở ra là "thó" nên rút cuộc chẳng dám để ai giúp. Cuối cùng tôi nguyện làm Ô-sin...". Chị Phương (P.An Khê, Q. Thanh Khê, Đà Nẵng) lại nỗi niềm: Hai vợ chồng đi làm suốt ngày, nhà rộng thênh thang nên phải trông chờ vào người giúp việc. Thuê được một thời gian rồi cũng vì nhiều lý do tế nhị đành phải cho nghỉ. Sau thời gian có bà ngoại phụ giúp, sau khi bà ngoại phải chăm con dâu sinh nở thì gia đình chị lại như "bãi chiến trường". "Con đang tuổi học mầm non, đi làm về mệt mỏi, nhìn nhà cửa bộn bề nhiều lúc "đuối đơ" chẳng muốn động tay chân. Tháng trước Tết có chị bạn giới thiệu cho một cô giúp việc nhà. Cũng mừng vì thấy chị ta tháo vát, sạch sẽ, hôm đó tôi đưa tiền cho chị đi chợ, nghĩ chắc cũng chẳng đến nỗi nào nên tôi đưa luôn tiền chợ cả tuần. Vậy là chị ấy đi chợ rồi đi luôn chẳng thấy về. Tiền bạc là một nhẽ nhưng nghĩ đến lòng người thì...", chị Phương lắc đầu.

Vợ chồng anh Huy, chị Hà lại ngao ngán khi nhắc đến Ô-sin nhà mình. "Vợ chồng đi làm về đến nhà đã trưa, cơm canh chưa nấu bởi Ô-sin đang bận trang điểm để đi sinh nhật bạn. Nhìn vào chị Hà tức không chịu nổi vì cái váy vừa mới mua giặt để đi đám cưới đã bị Ô-sin "mượn tạm". Khi hỏi đến cơm nước thì Ô-sin trả lời gọn lỏn: "em nhắn tin cho anh chị trưa cơm bụi rồi mà". Tức nhưng cũng nén để xem tin nhắn ở đâu, gửi bao giờ thì chị ta liến thoắng... "ôi trời em mải trang điểm nói gửi mà quên mất...", chị Hà bức xúc kể.

Vì nhu cầu cần người giúp việc nên nhiều gia đình phải đăng thông tin tuyển dụng
trên các trang mạng.

Nỗi niềm... Ô-sin!

Bà Hồng ở Q. Hải Châu rất tự hào khi nói về người giúp việc nhà mình, "4 năm nay bác ấy sống với gia đình chúng tôi như người trong nhà. Công việc bác ấy làm tốt lắm. Thỉnh thoảng khi không có việc gì cần, chúng tôi lại tạo điều kiện cùng bác ấy về quê thăm con cháu rồi đón bác lại nhà. Quà cáp thì tất nhiên rồi, mình phải chăm lo cho họ thì họ tận tình với mình chứ, được cái bác ấy chẳng bao giờ đòi hỏi thứ gì. Nhiều lúc con cháu bác đau ốm mình muốn giúp nhưng bác ấy từ chối vì sợ làm phiền nữa cơ. Ngoài tiền lương 3 triệu đồng/tháng ra, thỉnh thoảng tôi cũng biếu bác một ít để động viên. Sau Tết nhiều nhà bị Ô-sin "một đi không trở lại", riêng chúng tôi thì khỏi lo vì bác ấy tự đến rất sớm". Không may mắn có được người thực sự ưng ý nhưng vợ chồng anh Tuấn cũng làm mừng khi Ô-sin trở lại đúng hẹn vào ngày Mồng 5 Tết. Để được như vậy, trước Tết anh chị đã phải "tâm tình nhỏ to", thậm chí về đến nhà để làm "công tác tư tưởng" với người thân của họ, rồi hứa hẹn ra Tết tăng lương.  Nhưng theo anh chị, một phần giúp việc nhà anh chị tương đối nhẹ nhàng vì con anh chị đã lớn, công việc chủ yếu là dọn dẹp nhà cửa, cơm nước... nên Ô-sin cũng không muốn thay đổi.

Trước tình trạng Ô-sin nghỉ việc hoặc chậm quay lại công việc của mình, nhiều người cho rằng Ô-sin "chảnh", muốn mượn cơ hội này để đòi tăng lương... Tuy nhiên, đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Bởi cho dù ở bất kỳ đâu và với nghề gì, đặc biệt là nghề giúp việc họ vẫn trọng chữ tình. "Mặc dù về nghỉ Tết nhiều người giới thiệu nơi làm mới lương cao hơn nhưng tôi đã từ chối. Mình phải nghĩ đến lúc mình thất nghiệp họ đã cho mình một nơi để làm, có thu nhập. Rồi còn khi mình ốm đau họ cũng chăm sóc như người trong nhà, làm sao mà sống bạc được chứ... Tôi đã hẹn là đúng ngày 5 có mặt liền. Nói thật mỗi khi nghe có người nói Ô-sin thế này thế khác tôi cũng buồn. Đâu phải Ô-sin nào cũng xấu, cũng có tật. Một con sâu làm rầu nồi canh...", chị Linh (Quảng Bình) nói. Một số khác khi được hỏi vì sao chưa đi làm lại sau khi nghỉ Tết, họ đều tâm sự: Sau một năm làm lụng cũng muốn nghỉ thêm vài hôm để gặp gỡ bạn bè, chơi với người thân sau khi... "trả phép". Có người lại muốn chơi đến hết "mồng" rồi mới đi làm, với suy nghĩ "làm cả năm, tết đến tự thưởng cho bản thân". Đó cũng chính là một trong những lý do nhiều người giúp việc chưa trở lại công việc của mình ngay sau khi hết Tết.

Có thể nói nghề Ô-sin nay là một trong những nghề "hot" với mức lương từ 2 triệu đến 3,5 triệu đồng/tháng nên nhiều người đã chọn theo nghề. Hiện nay đã có nhiều trung tâm đã mở các lớp đào tạo Ô-sin rất bài bản để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Tại đây, học viên không những được đào tạo bài bản về kỹ năng chuyên môn mà còn được đào tạo về đạo đức, nhân phẩm con người. Chính vì vậy, Ô-sin ngày nay càng làm việc có uy tín, làm hài lòng nhiều gia đình và đó cũng chính là lý do nhiều gia chủ không muốn thay đổi Ô-sin mỗi năm. Điều đáng nói ở đây, Ô-sin cũng là một nghề đáng trân trọng vì vậy cả người làm lẫn gia chủ đều cần có những cư xử đúng mực để xã hội bớt đi những câu chuyện đáng buồn từ Ô-sin...

Trang Trần