Mòn mỏi chờ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất
(Cadn.com.vn) - Năm 2002, 60 hộ dân ở tỉnh Hải Dương đã tự nguyện chuyển vào định cư, phát triển kinh tế mới tại xã Yang Nam, huyện vùng sâu Kông Chro (Gia Lai). Theo quy chế phối hợp giữa 2 tỉnh, những hộ dân này đã được bố trí đầy đủ đất ở, đất sản xuất và hỗ trợ tiền ăn 6 tháng đầu khi mới vào định cư. Tuy nhiên, đã gần 12 năm gắn bó với vùng đất này, những hộ dân nơi đây vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống.
Theo tiêu chuẩn mỗi hộ được cấp 400m2 đất ở và 5.000m2 đất sản xuất. Đến thời điểm này, trong khi tỉnh Hải Dương đã hoàn thành nghĩa vụ chi trả toàn bộ kinh phí giao đất thì tỉnh Gia Lai mà cụ thể là H. Kông Chro vẫn “dậm chân” tại chỗ, chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân. Ông Nhữ Văn Vĩnh, Trưởng thôn Hòa Bình, xã Yang Nam, H. Kông Chro chia sẻ: Chúng tôi vào đây theo diện phát triển kinh tế mới và được chính quyền địa phương cấp cho 5 sào đất để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, đã gần 12 năm, đất của chúng tôi vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng nên gây rất nhiều khó khăn. Để có vốn mở rộng phát triển kinh tế, chúng tôi phải nhờ bên địa chính xác nhận có đất, có nhà thì ngân hàng mới cho vay.
Do không có giấy tờ pháp lý về đất nên nhà cửa của người dân cũng chỉ xây dựng tạm bợ. Ảnh: B.G.L |
Lý giải về điều bất hợp lý này, đại diện chính quyền H. Kông Chro cho rằng, do diện tích đất của những hộ đi kinh tế mới nằm trong phần đất lâm nghiệp nên chưa thể cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ông Phạm Huy Vân, Phó trưởng Phòng TN&MT H. Kông Chro cho biết: Qua xác minh thì đất mà các hộ dân được cấp thuộc đất rừng nên không thể tiến hành cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng được.
Lý do này chưa thật sự thuyết phục bởi việc bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ dân đã được 2 tỉnh Gia Lai và Hải Dương thống nhất và quy định rõ từ đầu. Thậm chí, H. Kông Chro còn triển khai san ủi, giải phóng mặt bằng trước khi bàn giao đất cho dân. Nếu cho rằng đất của các hộ thuộc đất lâm nghiệp thì cần phải nghiêm túc xem lại trách nhiệm của ngành chủ quản khi giao đất cho dân.
Sau 12 năm di cư phát triển kinh tế mới, hàng chục hộ dân |
Ông Nhữ Văn Vĩnh cho rằng: Sự việc này quá bất hợp lý vì khi địa phương phân lô là không cận rừng. Tôi khẳng định trong 60 hộ vào đây thì chỉ có khoảng 6 đến 7 hộ có diện tích đất gần rừng, có thể họ xâm lấn thêm một, hai sào. Còn những khu vực không cận rừng đều đã được phân lô liền kề nhau.
Gần 12 năm định cư ổn định nhưng vẫn chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất ở hợp pháp, 90% hộ dân ở thôn Hòa Bình chán nản bán tháo nhà cửa, vườn tược tìm đến nơi thuận lợi hơn để an cư lạc nghiệp dù biết rằng việc sang nhượng này là không hợp pháp. Tỉnh Gia Lai cần nhanh chóng khắc phục ngay thực trạng này để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho những hộ dân đã tự nguyện đến xây dựng và phát triển kinh tế mới tại H. Kông Chro.
G.L