Báo Công An Đà Nẵng

Mong một lần xuống đồng bằng

Thứ tư, 08/04/2015 09:00

Thầy cô như cha mẹ

(Cadn.com.vn) - Em Ríh Thị Vàng và PơLong Thị Phương bị đau thận, hai tháng trước, lên cơn đau nặng, thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó Hiệu trưởng của Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, H. Tây Giang, Quảng Nam) nằm sát biên giới Việt- Lào lấy xe máy, vượt hơn 200 km, chở hai em đến Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam điều trị.

Những ngày hai em ở Tam Kỳ, ông nội của em PơLong Thị Phương chống gậy đón xe đò xuống thăm, tới nơi cụ phát ốm rồi nhập viện luôn. "Trong nhà hai em, tài sản lớn nhất là cái bếp củi, tiền đâu lo chữa bệnh." -thầy Tuấn nói. Và thế, tiền viện phí, ăn ở, thuốc thang 10 ngày nằm viện anh Tuấn đứng ra kêu gọi bạn bè, rồi tự tay mình chăm học sinh và cả ông nội các em đến ngày khỏe mạnh trở về.

Sự học miền biên giới khác hẳn sự học dưới xuôi. Các em học sinh Cơ Tu trên này thiếu thốn đủ thứ. Thầy Tuấn hồi tưởng: "Năm mới lên dạy, nhìn em nào em nấy áo quần tả tơi, mặt mũi lấm lem, chân đất không giày không tất, lúc về nhà, tôi chạy quanh xóm xin quần áo cũ, kêu gọi sự đóng góp của bà con. Mấy ngày sau, tôi chở lên cả một thùng áo quần cũ".

Trường PTDTBT Lý Tự Trọng. 

Từ cái áo cái quần, gói dầu gội cho đến máy phát điện, điện năng lượng mặt trời, nồi cơm điện và cả hệ thống Bioga của trường, các thầy cô phải đứng ra vận động từ những nhà hảo tâm dưới xuôi. Và niềm hạnh phúc của thầy cô chính là sự thương yêu của học trò. Thầy Tuấn khoe tấm hình vừa chụp trong điện thoại, ảnh một trái tim xếp bằng kẹo ngọt với dòng chữ ngoằn ngoèo: "Chúng em yêu thầy cô lắm!". Đây là dòng chữ của một học sinh khuyết tật, thiếu khả năng viết nhưng với sự kèm cặp của các thầy cô, em đã tự viết được dòng chữ vào tờ giấy rồi xếp kẹo lên trên để ở bàn thầy. Thầy Tuấn nhìn dòng chữ mà rưng rưng.

Em Pơ Long Thị Phương chia sẻ: "Thầy cô như cha mẹ, em phải gắng học giỏi để thầy cô vui".

Còn gì yêu thương hơn khi sau bữa cơm, có món ăn ngon nào, thầy sớt lại, đem qua phòng các em. Mỗi lần các em về nhà, có nải chuối nào chín, cũng gói ghém lại, đem tới tặng thầy.

Một bữa ăn của các em học sinh Cơ Tu miền biên giới.

Mong một lần xuống đồng bằng

Em PơLong Thị Phương thổ lộ: "Lần đi chữa bệnh hai tháng trước cũng là lần đầu tiên em được thấy đồng bằng, được thấy phố xá xe cộ, em rất vui".

Thầy Nguyễn Quang Tuấn cũng tâm sự rằng, sau chuyến chở các em đi khám bệnh, thấy các em tuy đang bệnh nhưng ánh mắt sáng ngời vì được nhìn thấy phố xá, anh nảy ra ý tưởng tổ chức một chuyến giao lưu giữa các em học sinh của trường với học sinh đồng bằng. Nói là làm, thầy lập ngay kế hoạch, chuyến đi đưa học sinh về đồng bằng giao lưu học hỏi, dự tính sẽ được thực hiện trong 3 ngày 11, 12 và 13-5-2015.

Theo đó, thầy sẽ chọn chừng 20 em học sinh của trường, là những em có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi để dẫn đi tham quan công viên 29-3, thăm Viện bảo tàng Quân khu 5, tham quan khu du lịch Non Nước (Đà Nẵng), thăm Trường THCS Phan Châu Trinh (Điện An, Điện Bàn, Quảng Nam), Trường THCS Nguyễn Duy Hiệu (Hội An), tham quan Phố cổ Hội An.

Trong chuyến về đồng bằng gần đây, thầy tuấn đã chạy đến hai trường, nơi dự tính học sinh sẽ ghé vào và đề cập với lãnh đạo của hai trường này cho học sinh giao lưu, các trường đều đồng ý. Mọi công tác tổ chức đã được chuẩn bị. Tuy nhiên, điều thầy Tuấn lo nhất là kinh phí. Dự tính chuyến đi phải có 18 triệu đồng nhưng kinh phí của trường, rồi các thầy cô tự bỏ ra, góp lại cũng chỉ được 6 triệu đồng.

Những cá nhân, nhà hảo tâm quan tâm đóng góp xin liên hệ số điện thoại: 01673 827 579, gặp thầy Nguyễn Quang Tuấn - Phó hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Lý Tự Trọng.

Thế là, thầy Tuấn một lần nữa làm "vác tù và". Thầy lên Facebook cá nhân, đăng thông tin kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ cho chuyến đi. Gặp bạn bè nào thầy cũng vận động. Thầy khoe vừa rồi nhận được một cuộc gọi từ số máy lạ nhắn về nhà nhận số tiền 5 triệu đồng. Hỏi ra mới biết các chị đang làm công nhân tại TPHCM vô tình đọc được thông tin trên mạng, nên trích tiền gởi về ủng hộ. "Cảm động trước nghĩa cử đẹp ấy, mình càng quyết tâm tổ chức cho các em về đồng bằng, để các em có cơ hội mở rộng tầm mắt, được vui chơi trong công viên, được ngồi lên những vòng quay xe ngựa, để các em thấy cái vòng quay nó lắc lư như thế nào", thầy Tuấn quả quyết.

Thú vui của học sinh dưới xuôi khác xa với thú vui của các em Cơ Tu miền biên giới. Với các em, chỉ được nhìn thấy phố xá thôi, là vui. Hoặc xa xỉ hơn, nói như anh Tuấn, được ngồi lên những vòng quay xe ngựa, để thấy cái vòng quay nó lắc lư thế nào. Tuy nhiên, để biến những mơ ước tưởng chừng quá giản đơn ấy thành sự thật, rất mong sự ủng hộ của các nhà hảo tâm cho thầy và trò của trường.

Mai Thành Dũng