Báo Công An Đà Nẵng

Mong một vụ rau Tết bội thu

Thứ năm, 11/01/2018 10:45

Sau nhiều nỗ lực của người dân trong việc tái sản xuất, khắc phục khó khăn do lũ lụt gây ra, đầu năm 2018, các cánh đồng rau ở Bàu Tròn (xã Đại An, H. Đại Lộc, Quảng Nam) ven dòng Vu Gia đang xanh tốt trở lại, sẵn sàng cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán. Trên các vườn rau, từ sáng sớm cho đến chiều tối đều tấp nập người. Bàu Tròn được biết đến là “vựa” rau lớn của huyện, nơi cung cấp các loại rau sạch cho địa phương và các vùng lân cận. Rau, quả tại đây trồng quanh năm nhưng Tết là vụ lớn nhất, nhu cầu tiêu thụ cao nên lượng rau trồng phải gấp 2-3 lần so với những ngày thường. Không ít người còn tận dụng các mảnh đất nhỏ ở vườn nhà mình để trồng thêm các loại rau màu ngắn ngày.

Người trồng rau thôn Bàu Tròn tất bật với vụ sản xuất cuối năm.

Còn nhớ, đợt lũ lớn đầu tháng 11-2017 đã khiến gần 30ha rau màu của hơn 150 hộ dân thôn Bàu Tròn đang thời kỳ thu hoạch bị thối rữa, hư hỏng nặng, đẩy người trồng rau lâm vào cảnh khốn khó… “Lũ lụt khiến nhiều diện tích rau màu bị hư hỏng, chậm thời gian vào vụ Tết. Thế nhưng, lũ đi qua cũng làm đất nông nghiệp trở nên màu mỡ hơn, thuận lợi cho sự phát triển của các loại rau, quả hơn”. Nói xong, bà Bảy Xê tự tin chỉ các giàn rau ăn quả, những luống rau ăn lá đang xanh tươi; còn bùn, rác và cả xác rau úa vàng sau lũ không còn nữa… Ông Hai Xuân cho biết thêm, trận lũ vừa qua đã cuốn trôi của gia đình ông không ít giàn lưới dây leo, cả vườn đu đủ tròn trịa dành bán Tết cũng ngã chơ chỏng, thiệt hại hơn chục triệu đồng. Mặc dù khó khăn, cả gia đình ông vẫn cố gắng gượng dậy, dọn dẹp, cày ải, phơi đất khôi phục lại ruộng rau. Bây giờ, bà con chỉ mong thời tiết nắng đẹp để ruộng rau xanh tốt hơn, có thêm thu nhập mua sắm cho gia đình dịp Tết.

Tết năm nay làng rau Bàu Tròn gieo trồng 47ha, đợt vừa rồi người dân xuống giống sớm để tránh tình trạng “được mùa, rớt giá” nhưng không may gặp đợt lũ muộn nên ảnh hưởng nguồn sinh kế. Có thể nói, làng rau Bàu Tròn là nguồn sinh kế chủ yếu của người dân trong thôn. “Việc trồng rau ở đây đã có từ lâu, địa phương cũng đã có quy hoạch vùng rau sạch, nhưng hiện nay cái khó của người trồng rau vẫn là nỗi lo đầu ra, cứ loại rau nào được mùa là giá lại bị kéo xuống thấp. Tuy nhiên vào dịp Tết, rau xanh giá khá cao nên người người, nhà nhà đều có mặt trên những cánh đồng. Song, cũng không loại trừ những thay đổi bất thường của thời tiết tháng còn lại, sâu bệnh cùng với tình hình giá cả khó lường có thể xảy ra. Vì thế, ngoài việc túc trực trên các vườn rau, người nông dân còn luôn dõi theo diễn biến thị trường với kỳ vọng có được vụ sản xuất cuối năm bội thu”, ông Ba Quý mong muốn.

Chúng tôi thiết nghĩ, để có thể gắn bó với cây rau, người nông dân luôn phải đối mặt với nhiều thử thách. Hiện nay toàn bộ diện tích vùng chuyên canh rau sạch Bàu Tròn đã phủ xanh các loại cây rau, quả. Tuy nhiên, để vùng rau này đi vào sản xuất ổn định và tạo thương hiệu, uy tín cho người tiêu dùng thì không chỉ người trồng rau nơi đây, mà nông dân ở các vùng rau sạch khác trên địa bàn H. Đại Lộc cũng cần sự quan tâm nhiều hơn nữa của ban ngành chức năng, như đầu tư thêm kênh mương thủy lợi, hệ thống tưới nhỏ giọt để canh tác rau ăn lá cũng như các quy trình đóng gói, sơ chế sản phẩm... Không dừng lại ở quy mô sản xuất và tiêu thụ nhỏ lẻ, người nông dân Bàu Tròn đang ấp ủ nhiều hoài bão cho tương lai, nỗ lực xây dựng thương hiệu rau sạch Đại An đến với người tiêu dùng trong và ngoài địa phương.

VY HẬU