Báo Công An Đà Nẵng

Mong ước của một thương binh

Thứ sáu, 17/07/2015 10:00

(Cadn.com.vn) - Trú ở cùng thành phố mà mãi 42 năm, tôi mới gặp lại Thiếu úy Nguyễn Bá Tùng, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 11, Tiểu đoàn 6, Trung đoàn 95 (Sư đoàn 325), từng tham gia chiến dịch 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, trong dịp Kỷ niệm 2 năm Ngày Thành lập Hội chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (Hội CSBVTCQT) tại TP Đà Nẵng.  Quê anh ở Quỳnh Lưu, Nghệ An nay thường trú tại P.Hòa Thọ Tây, Q. Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng.

Sau lần gặp ấy chúng tôi đến thăm, mới biết được hoàn cảnh khó khăn của anh. Anh Tùng cho biết, thời gian từ 1968 đến 1971, đơn vị anh đóng quân và chiến đấu tại mặt trận Đường Chín, Khe Sanh (Quảng Trị), nơi đó quân đội Mỹ đã rải thảm bom Napal, bom hóa học cháy trụi cây lá.  Tham gia chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 anh đã 3 lần bị thương. Vết thương trên đầu tuy đã được phẫu thuật lấy mảnh pháo ra, nhưng những lúc trái gió, trở trời thường hành hạ anh với cơn đau buốt. Hai vết thương ở chân trái bị mảnh đạn xiết đứt gân cổ chân (điều trị gần 1 tháng tại Bệnh viện Mặt trận B5) và một mảnh nhỏ đang nằm trong đùi trái chưa phẫu thuật lấy ra khiến anh đi lại khó khăn bằng nạng gỗ.

Cuối tháng 7-1972, anh trở lại Thành cổ tiếp tục chiến đấu với cấp bậc thiếu úy, chức vụ đại đội trưởng. Sau ngày hòa bình, anh lập gia đình, sinh con, mới biết mình bị nhiễm chất độc ca cam/dioxin, di truyền qua đứa con trai nay đã 30 tuổi nhưng bị bệnh, hoàn toàn vô thức. Còn anh, về mùa hè, toàn thân đỏ sần, ngứa ngáy, nổi vảy cá nên không làm được công việc nặng. Chiến tranh ác nghiệt đã mang đến nỗi khổ đeo bám, dai dẳng gia đình anh. Vợ anh ốm yếu nhưng phải bươn chải với công việc ruộng đồng vừa cùng anh chăm sóc  đứa con nhiễm chất độc da cam/dioxin...  Căn nhà gia đình anh đang ở  thấp lè tè, mái lợp chắp vá tôn và ngói, đang xuống cấp nghiêm trọng...

Nguyễn Bá Tùng (phải) và người con trai bị nhiễm chất độc da cam. 

 

Trước hoàn cảnh khó khăn của anh Nguyễn Bá Tùng, Hội CSBVTCQT tại Đà Nẵng đã đến thăm hỏi, khảo sát thực tế và hỗ trợ 50 triệu đồng để sửa chữa, nâng cấp căn nhà "Nghĩa tình đồng đội" cho gia đình anh nhân đợt kỷ niệm Ngày TB-LS năm nay.  Được biết, nhiều năm qua anh Tùng đã cất công đi dò tìm các đồng đội cùng chiến đấu để xác nhận anh bị thương để được làm chế độ thương tật nhưng gặp khó khăn do quy định bắt buộc phải có "giấy điều trị, xuất viện".

Thực tế, các đơn vị chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị bộ đội hy sinh nhiều, hàng ngày đều bổ sung quân số cho các đơn vị may ra biết được tên, còn nhớ đến quê quán của nhau ở các tỉnh, thành phố trong cả nước để sau này cần tìm gặp "khác nào tìm kim đáy biển". Bộ đội chiến đấu tại nơi ác liệt này, đa số bị mất ba lô do bom đạn thiêu cháy hoặc ngập nước nên làm gì còn các loại giấy tờ... Dù biết rất khó khăn nhưng anh Tùng vẫn tha thiết đạt được nguyện vọng được giải quyết chế độ thương tật. Qua bài viết nhỏ này, chúng tôi mong muốn các cơ quan liên quan quan tâm tìm hiểu, tạo điều kiện để người thương binh này có được chế độ ưu đãi trong những năm cuối đời, giúp gia đình phần nào khó khăn.

Nguyễn Nhân Mùi

Ngày 23-7-2015, Hội Chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 (toàn quốc) phối hợp với Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Trị sẽ tổ chức Lễ Tưởng niệm - Tri ân anh hùng liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 19172, nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27-7).

Theo đó, Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tại TP Đà Nẵng tổ chức Đoàn đến dự Lễ Tưởng niệm - Tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Thành cổ, thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Đường 9; thăm hỏi, tặng 15 suất quà cho đối tượng chính sách tại các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, thị xã Quảng Trị, trị giá mỗi suất quà từ 500.000 đồng đến 700.000 đồng.

Hiện nay, Hội đang tổ chức thăm hỏi, tặng quà hội viên ốm đau nằm điều trị, các đồng đội là thương binh gặp khó khăn và đi xác minh thông tin do nhân dân báo tin về các phần mộ đồng đội cùng đơn vị chiến đấu tại Thành Cổ để quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ. Số tiền này được vận động quyên góp bằng tinh thần tự nguyện của các doanh nghiệp Cựu chiến binh và hội viên chiến sĩ Thành cổ, trong đó có đồng chí Phạm Văn Hải, Chủ tịch Hội chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị tại Đà Nẵng, hỗ trợ 30 triệu đồng.