Mong ước một cây cầu
Đất sản xuất nằm bên gò Đình bị chia cắt bởi sông Thu Bồn nên người dân các xã Điện Phong, Điện An, Điện Phước, Điện Minh (TX Điện Bàn, Quảng Nam) phải làm cầu tre hoặc đi ghe sang canh tác. Cứ đến mùa mưa lũ thì cầu bị nước cuốn trôi, chi phí làm lại cầu mới mất hàng chục triệu đồng. Do vậy, người dân ở đây ao ước có một cây cầu để việc sản xuất được thuận lợi hơn.
Cây cầu tre người dân đi qua gò Đình canh tác đã bị nước lũ cuốn trôi nhưng vẫn chưa có kinh phí để làm lại. |
Đưa chúng tôi đi sở thị 2 cây cầu tre bắc qua một nhánh của sông Thu Bồn bị nước cuốn trôi đầu tháng 10 vừa qua, ông Dương Huấn - Trưởng thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong) than thở: Từ khi cầu tre bị nước cuốn trôi, người dân phải dùng ghe vận chuyển công cụ, phân bón qua gò Đình từng đợt khiến việc canh tác gặp rất nhiều khó khăn. Gò Đình có 140ha đất nông nghiệp được người dân các xã Điện Phong, Điện An, Điện Phước, Điện Minh sản xuất, trong đó thôn Cẩm Đồng (xã Điện Phong) canh tác 2/3 diện tích. Để qua gò trồng trọt, người dân các xã phải làm cầu tre hoặc đi ghe sang. Đặc biệt, diện tích của thôn Cẩm Đồng kéo dài theo sông 1,6km và đoạn sông rộng 120m nên xưa nay người dân đã làm 2 cầu tre bắc qua gò. Cầu tre được đóng cọc xuống sông, gông chéo buộc thép cố định rồi cắt đoạn tre dài 1,2m làm mặt đường. Cầu yếu nên người dân dùng xe rùa chở phân bón qua từng đợt rất bất tiện.
“Cầu được làm bằng tre không được kiên cố nên thường bị sập. Cũng may, người dân đi làm đồng vào ban ngày ngã xuống sông được phát hiện vớt kịp nên không ảnh hưởng đến tính mạng. Đáng lo nhất, tối đến “cát tặc” lái tàu vào nhánh sông này tránh sự truy bắt của lực lượng chức năng thường tông sập cầu. Khi đó, thôn lại vận động người dân đóng góp tiền sửa chữa lại, khó khăn rất nhiều. Ở thôn có gần 300 hộ sản xuất, nhưng chỉ có vài hộ có ghe nên người dân qua gò sản xuất gặp nhiều khó khăn. Chuyện ghe chở đông người lật úp dưới sông như cơm bữa. Cuộc sống người nông dân gắn liền với mảnh đất nông nghiệp nên đành chấp nhận rủi ro. Vụ này, đa phần người dân trồng các loại rau bán Tết vì mang lại thu nhập cao. Những năm trước, vào thời điểm này thôn đã vận động kinh phí làm cầu mới sản xuất vụ rau bán dịp Tết. Nhưng năm nay tiền công cao, tính toán kinh phí làm 2 cây cầu tre mất gần 80 triệu đồng nên tôi phải huy động mỗi hộ đóng 300 ngàn đồng. Với số tiền này, tôi đang lo nhiều hộ không có khả năng nộp”-ông Huấn tâm sự.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ba (56 tuổi, trú thôn Cẩm Đồng) cho hay: “Đất ở gò Đình là đất cát pha nên rất thích hợp trồng bắp, đậu phộng và các loại rau. Vụ này gia đình tôi tập trung trồng 2 sào rau để bán dịp Tết, do cầu chưa làm nên phải đi nhờ ghe sang rất bất tiện. Việc đi lại sản xuất gặp nhiều trở ngại khiến nhiều người đã bỏ đất hoang. Mới đây, chính quyền thôn vận động người dân đóng 300 ngàn đồng làm cầu tre, cao hơn năm trước 150 ngàn đồng. Số tiền này tương đối lớn nên tôi chưa đóng, chưa kể đến chuyện cầu hư phải đóng thêm để sửa chữa. Nếu cấp trên xem xét, đầu tư xây dựng tại đây một cây cầu cho người dân đi lại sản xuất thì thuận lợi quá”.
Ông Huấn bộc bạch: “Không riêng gì người dân thôn Cẩm Đồng, những địa phương khác cũng kể khổ khi qua gò Đình để sản xuất. Họ mong muốn có một cây cầu để việc sản xuất được thuận lợi, an toàn hơn nên có kiến nghị tại các cuộc họp. Tuy nhiên, chính quyền các cấp nhận thấy việc xây cầu tốn nhiều kinh phí nhưng chỉ để phục vụ sản xuất thì không khả thi. Nếu được, mong các cấp xem xét làm một cây cầu treo, chứ đi lại qua cầu tre và ghe như vậy nguy hiểm quá”.
Thiết nghĩ, mong muốn của người dân là chính đáng, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cần xem xét, có hướng giúp đỡ để việc sản xuất được thuận lợi, an toàn hơn.
LÊ VƯƠNG