Monorail - giải pháp chống ùn tắc giao thông đô thị trong tương lai
(Cadn.com.vn) - Đến Hà Nội và TPHCM đúng vào những ngày mưa lớn mới thấy không gì bằng nỗi khổ khi phố biến thành sông, còn trong những ngày nắng ráo cũng rất bức xúc vì thường xuyên xảy ra tắc đường, nhất là vào giờ cao điểm. Trong những năm qua, cùng với đà tăng trưởng kinh tế ngoạn mục, Đà Nẵng còn được cả nước và bè bạn quốc tế đánh giá là “đi trước một bước” trong phát triển hạ tầng đô thị, đặc biệt là về hạ tầng giao thông đô thị (GTĐT).
Tuy nhiên vẫn có thời điểm, TP xảy ra nạn ách tắc giao thông cục bộ tại một số khu vực, một số đầu mối giao thông. Vì vậy, nếu ngay từ bây giờ không tính đến giải pháp quy hoạch phát triển GTĐT tối ưu nói chung, loại hình phương tiện giao thông công cộng nói riêng thì dự báo trong 5-10 năm tới, Đà Nẵng cũng sẽ rơi vào thảm cảnh kẹt xe như ở Hà Nội hay TPHCM hiện nay.
Đây cũng chính là lý do để UBNDTP Đà Nẵng phối hợp với Tổng Cty CP XNK và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) tổ chức Hội thảo “Tàu điện một ray (monorail) – Giải pháp mới cho GTĐT Việt Nam” ngày 31-8 vừa qua. Theo Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, Kiến trúc sư Nguyễn Thế Bá, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quy hoạch và Thiết kế đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng): monorail không phải “thuốc thần” để chữa căn bệnh ách tắc GTĐT hiện nay nhưng nó là một hướng quan trọng.
Có nhiều lý do để có thể chấp nhận loại hình vận tải công cộng monorail này như: nó bổ sung cho các loại hình phương tiện vận tải thêm đa dạng; phù hợp với chủ trương xã hội hóa; phù hợp với túi tiền của người dân; phù hợp với tính khoa học, với công nghệ mới; đảm bảo tiện nghi, an toàn cho người sử dụng; góp phần bớt giao cắt trên đường bộ, bớt TNGT, giảm ách tắc giao thông; mang tính khả thi cao nên rất phù hợp với một đô thị đã và đang phát triển nhanh như Đà Nẵng.
Chuyên gia John Robert Mucha, Phó Chủ tịch Urbanaut INC (Hoa Kỳ) –người từng nắm giữ nhiều vị trí quan trọng trong các dự án xây dựng, cơ khí, chế tạo máy tại nhiều quốc gia ở Bắc Mỹ, Châu Á và đã có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển Urbanaut Monorail System, giới thiệu thêm: so với các loại hình khác như tàu điện ngầm, tàu đường sắt trên cao, suất đầu tư cho monorail chỉ bằng khoảng 1/5, tương đương khoảng 8 triệu USD/km.
Tàu điện một ray (monorail) đang hoạt động hiệu quả tại TP Trùng Khánh (Trung Quốc)
được giới thiệu ở Hội thảo “Tàu điện một ray – Giải pháp mới cho giao thông đô thị Việt Nam” tổ chức tại TP Đà Nẵng vào ngày 31-8. Ảnh: P.H
Bên cạnh đó, việc thi công xây dựng hệ thống monorail diễn ra nhanh gọn, tiết kiệm đất nên giải phóng mặt bằng khá đơn giản. Trên thực tế, monorail chạy trên cao, các toa tàu di chuyển trên hệ thống dầm bê-tông được đặt trên hàng cột đỡ rải dọc theo các con đường bộ đã có sẵn. Mặt khác, khi hoạt động, monorail có khả năng vận tải hành khách lớn hơn các loại hình vận tải khác trong TP.
Tàu di chuyển êm, không gây ồn, không gây ô nhiễm môi trường, an toàn khi vận hành và ít khi bị hỏng hóc; đồng thời thể hiện tính hiện đại, văn minh trong GTĐT và trong không gian đô thị. Ngoài những lợi ích kể trên, theo ông Trần Quang Việt Hà, Trợ lý Tổng Giám đốc Cty CP Bê-tông và Xây dựng Vinaconex Xuân Mai (Vinaconex) kiêm Trưởng Ban dự án tàu một ray Vinaconex Xuân Mai: monorail mang nhiều đặc tính phù hợp với GTĐT bởi bán kính đổi hướng nhỏ nên bố trí linh hoạt được trên các tuyến phố giúp cho tàu có thể chạy luồn lách quanh những tòa nhà, vượt lên trên cầu vượt hay hạ ngầm tùy theo từng khu vực với tốc độ lớn, dễ thay đổi độ cao, ít ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị...
Vì vậy, chuyên gia đến từ Vinaconex Xuân Mai tin tưởng nhiều người dân Việt Nam nói chung, Đà Nẵng nói riêng sẽ thích thú với phương tiện giao thông công cộng mới này không chỉ bởi hình thức đi lại lẫn phương thức thanh toán đơn giản, giá vé hợp lý mà nó còn giúp tránh được vấn nạn tắc đường và tiết kiệm được quỹ thời gian. Thêm một điểm monorail phù hợp với Đà Nẵng rất đáng quan tâm mà ông Nguyễn Tấn Vạn, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam đưa ra tại hội thảo: “TP Xanh đang là xu hướng phát triển của nhiều TP trên thế giới nên trong quy hoạch phát triển GTĐT ưu tiên sử dụng phương tiện giao thông công cộng thân thiện và bảo vệ môi trường. Đà Nẵng đang triển khai Đề án xây dựng TP môi trường. Vì vậy, cần thiết phải đầu tư phương tiện giao thông công cộng thân thiện môi trường, trong đó, có monorail”.
Kết luận hội thảo, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng đánh giá monorail thực sự là 1 giải pháp mới cho phát triển GTĐT của TP vừa góp phần chống ùn tắc giao thông cho TP trong tương lai vừa nhằm đáp ứng tiêu chí xây dựng Đà Nẵng thành TP môi trường. Quan trọng hơn là phát triển monorail phải phù hợp với quy hoạch chung phát triển đồng bộ với nhiều loại hình giao thông công cộng khác nhằm đảm bảo phát triển TP bền vững, văn minh và hiện đại.
Trên cơ sở đó, Chủ tịch Trần Văn Minh chỉ đạo Sở GTVT TP phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan và Vinaconex tiếp tục nghiên cứu xây dựng và phát triển quy hoạch mạng lưới GTĐT của TP nói chung, monorail nói riêng một cách tối ưu. Vấn đề còn lại là trong điều kiện hiện nay, ngân sách TP có hạn nên TP rất hoan nghênh nhà đầu tư có tiềm lực như Vinaconex mạnh dạn bỏ vốn đầu tư và khai thác dự án monorail tại Đà Nẵng.
Về phía TP sẽ nghiên cứu áp dụng nhiều chính sách ưu đãi, khuyến khích cho Vinaconex trong quá trình lập dự án đầu tư, xây dựng và đưa vào khai thác monorail trên địa bàn TP. Có như vậy thì ý tưởng xây dựng monorail cho Đà Nẵng mới sớm trở thành hiện thực chứ không chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu.
Phạm Hoàng