Báo Công An Đà Nẵng

KỶ NIỆM 60 NĂM THÀNH LẬP TRƯỜNG THPT SÀO NAM (1959-2019):

Một chặng đường lịch sử

Thứ năm, 18/07/2019 12:18

Con số 60 năm thường được ví von như hành trình của cả một đời người nhưng 60 năm của một ngôi trường thì còn lớn lao hơn thế. Sự học từ những ngôi trường đã hóa thân thành hình hài, vóc dáng quê hương góp phần mang những trang sách đơm hoa cho cuộc đời. Và với Trường THPT Sào Nam (huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam), ngôi trường ra đời và lớn lên cùng những thăng trầm của lịch sử thì dấu ấn 60 năm còn là dịp để nhìn lại, nhìn lại những thế hệ thầy và trò không chỉ nuôi con chữ lớn lên mỗi ngày với biết bao ân tình mà còn vượt gian khó đi lên cùng đất nước.

Sau biết bao thăng trầm của lịch sử, trường THPT Sào Nam vẫn giữ vững truyền thống hiếu học sau 60 năm xây dựng và trưởng thành.

Gánh tên trường mà đi

Với cựu học sinh và giáo viên trường Sào Nam, không thể nhắc hết về những kỷ niệm được chắt chiu dưới mái trường này. Từng góc sân, phòng học, phấn trắng bảng đen đều hóa thân thành ký ức đầy ắp trong lòng mỗi học trò, mỗi thầy cô giáo. Còn với thầy Dương Hữu Thu - Hiệu trưởng nhà trường thì điều đáng quí nhất trong những giờ khắc thiêng liêng này không phải là những con số thống kê, không chỉ là thành tích học tập của các em mà còn là những người thầy, người cô đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự học ở THPT Sào Nam. Từ những nền móng vững chắc ấy, bao thế hệ đã tiếp bước trưởng thành.

Thầy Dương Hữu Thu cho biết: "Sau biết bao nhiêu nỗ lực cho sự ra đời của ngôi trường, năm học đầu tiên (1959 - 1960) vỡ òa trong vui mừng của những người con Duy Xuyên. Những học sinh vừa tốt nghiệp tiểu học khi ấy lần đầu tiên được học trong ngôi trường Trung học trên chính quê hương của mình. Những người đi học Đệ thất, Đệ lục ở các huyện bạn phấn khởi, khăn gói trở về quê hương để được học tập chính ngôi trường Sào Nam giữa lòng đất mẹ Duy Xuyên.Trường Trung học Sào Nam lúc ấy có 6 lớp với sĩ số gần 300 học sinh và 14 giáo sư (Giáo viên Trung học ngày ấy gọi là Giáo sư) và 2 nhân viên. Thầy Hiệu trưởng đầu tiên khi ấy chính là Thầy Nguyễn Anh Anh", thầy Thu nhắc lại.

Đơn sơ là thế, nhưng hè năm 1961 lứa học trò đầu tiên của trường dự thi "Trung học Đệ Nhất cấp" tại Hội An đạt tỉ lệ 80% (80% ngày ấy là một tỷ lệ cao lúc bấy giờ). Với tỷ lệ 80%, trường Sào Nam đã gây ấn tượng mạnh trong lòng sĩ tử cả tỉnh và làm ấm lòng các bậc phụ huynh, những người đang chắt chiu cùng với thầy cô giáo xây dựng ngôi trường.

Không chỉ có trái ngọt, sau ngày thành lập trường với biết bao gian khó, nhưng thầy trò trường Sào Nam vẫn quyết chí trên hành trình tìm con chữ. Có một thời gian, chiến tranh ngày càng ác liệt, trường phải chuyển xuống Hội An. Thầy Hiệu trưởng lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Phúc Mai chạy đôn, chạy đáo để tìm nơi giảng dạy cho học trò, bất cứ chỗ nào, miễn có nơi che mưa che nắng thì nơi đó là trường học. Lúc đầu thầy trò học nhờ Trường Trần Quý Cáp, rồi chuyển sang một số cơ sở học tạm khác. Cuối cùng ngôi đình Cẩm Phô chính thức trở thành Trường Công lập Duy Xuyên cho đến năm 1974. Tuy phải khăn gói dẫn học trò đi lưu lạc khắp nơi nhưng thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phúc Mai vẫn đau đáu được trở về lại ngôi trường cũ, chí ít cũng phải đưa học trò về lại Duy Xuyên. Và sau bao nhiêu nỗ lực, năm 1972, 8 phòng học mới đã được xây dựng tại trạm Nam Phước (bây giờ là bệnh viện Bình An Duy Xuyên). Điều đáng nói nhất, gần 6 năm thầy trò Sào Nam "lưu lạc", "gánh" tên trường đi nhiều nơi và thay đổi hàng chục cơ sở nhưng với tinh thần hiếu học, trường Công lập Duy Xuyên vẫn giữ vững chất lượng và số lượng học sinh. Đến năm học 1973-1974, trường trở thành Trường Trung học Đệ Nhị cấp (hệ Trung học phổ thông ngày nay). Khi Trường đã ổn định thì Thầy Nguyễn Phúc Mai đi nhận công tác ở Cần Thơ. Thầy Trần Cao Hoàng tiếp tục phụ trách nhà trường đến tháng 3-1975. Sau giải phóng, các thế hệ thầy cô tiếp nối những tiền đề ấy để gầy dựng nên trường THPT Sào Nam khang trang như ngày hôm nay.

Thầy Thu vui mừng chia sẻ, dù nằm trên địa bàn còn nhiều khó khăn nhưng từ ngày tái lập tỉnh đến nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp và đỗ vào Đại học của trường Sào Nam đều nằm trong top những trường có kết quả cao. Năm 2010, trường được Cục Công nghệ Thông tin của Bộ GD&ĐT xếp thứ 100 trong top 200 trường có điểm thi đại học cao nhất, ngoài 45 giải học sinh giỏi Quốc gia, hơn 600 giải Học sinh giỏi cấp Tỉnh, trường cũng đã tham gia thi Olympic miền Trung Tây Nguyên lần thứ nhất với 9/9 học sinh dự thi đạt Huy chương (3 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng). Năm 2019, dự thi Olympic tháng 4 tại Thành phố Hồ Chí Minh, 12/15 học sinh dự thi đạt Huy chương ( 4 Huy chương Vàng,4 Huy chương Bạc, 4 Huy chương Đồng). 

Vững vàng phía trước

Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, có biết bao kẻ đến người đi, biết bao sự đổi thay của lịch sử nhưng có một điều chưa bao giờ thay đổi dưới mái trường này là lòng yêu con chữ và tinh thần say mê học tập. Minh chứng rõ ràng nhất cho điều này chính là kết quả cao được giữ vững qua nhiều năm. Nói về THPT Sào Nam, ông Hà Thanh Quốc, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam, chia sẻ: "Trường THPT Sào Nam nhiều năm qua vẫn luôn là ngọn cờ đầu trong phong trào dạy và học của tỉnh nhà. Từ nền móng vững chãi thời PTTH Duy Xuyên, đến bệ phóng tốc lực khi trường đổi tên thành THPT Sào Nam là cả một quá trình kế thừa và phát triển không mệt mỏi của thầy và trò nhà trường. Đối với tôi, các thầy cô giáo là những người hùng thầm lặng đã làm nên một mái trường anh hùng. Ở đây, có những người thầy mà lòng yêu nghề mến trẻ đã thành lẽ sống, đã thành nguồn vui cho một đời nhà giáo thanh bạch. Nơi này, có những học trò mà ba ngày không đọc sách, không luyện bài là cảm thấy có lỗi với thầy cô, cha mẹ và hổ thẹn với chính mình. Chính sự tận tụy của quý thầy cô đã cảm được trái tim học trò và ở chiều ngược lại, chính sự chuyên cần và sắc sảo thông minh của các em lại làm nên những người thầy đáng kính".

Mùa hè vẫn đang rực nắng trên sân trường, kỳ thi THPT Quốc gia 2019 cũng vừa kết thúc thành công, một lứa học sinh mới từ mái trường này lại sẵn sàng tiếp bước cha anh tỏa đi khắp mọi miền đất nước. Đây đó trong những ánh mắt, nụ cười rạng rỡ niềm hân hoan ấy còn là sự tự hào vì là học sinh Trường THPT Sào Nam, ngôi trường có 60 năm viết lên truyền thống hiếu học cho miền đất ven sông Thu Bồn.

HÀ DUNG

THÀNH TÍCH TẬP THỂ:

* Năm 1996: Huân chương Lao động hạng Ba.

* Năm 1999 : Huân chương Lao động hạng Nhì.

* Năm 2004: Huân chương Lao động hạng Nhất.

* Tháng 4-2007: Chủ tịch Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

* Cờ Đơn vị thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT năm học 1997-1998.

* Cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Chính phủ năm 1998 và 2005.

* Liên tục từ năm học 1996-1997 đến năm học 2015-2016 và 2017-2018 được nhận cờ Thi đua xuất sắc dẫn đầu khối THPT của UBND tỉnh Quảng Nam.