Báo Công An Đà Nẵng

Một cháu bé tử vong cũng ở cùng khách sạn với 3 du khách gặp nạn

Thứ năm, 20/09/2018 13:00

* Nạn nhân có vợ và con tử vong trong vụ ngộ độc đã hồi tỉnh

Chiều 19-9, Trung tâm Y tế (TTYT) Q. Sơn Trà (Đà Nẵng) cho biết, trước đó, đơn vị có tiếp nhận hai bà cháu đến khám với các triệu chứng  buồn nôn, tay chân bủn rủn,.. Tuy nhiên, do cháu bé có dấu hiệu trở nặng nên đã được chuyển đến BV Phụ sản - Nhi để điều trị tích cực nhưng vẫn không qua khỏi… Được biết, hai bà cháu này cũng lưu trú cùng khách sạn với 2 trường hợp tử vong và 1 trường hợp nguy kịch chưa rõ nguyên nhân khi đến TP Đà Nẵng du lịch vào ngày 16-9.

Ts.Bs Lê Đức Nhân (trái) thông tin về tình hình sức khỏe của anh V.

Theo đó, 19 giờ ngày 15-9, anh N.K.T (1990, trú Q. Liên Chiểu) đưa đứa con tên N.M.K (2015) và người mẹ tên N.T.X (trú TP Hà Nội) đến TTYT Q. Sơn Trà cấp cứu với triệu chứng buồn nôn, tay chân bủn rủn… Do cháu K. trở nặng nên các bác sĩ tập trung cấp cứu, hồi sức và chuyển ngay sang Bệnh viện Phụ Sản - Nhi Đà Nẵng. Dù được các bác sỹ tích cực cứu chữa nhưng cháu K. đã không qua khỏi. Riêng bà X. được các bác sỹ TTYT Q. Sơn Trà ghi nhận bị rối loạn tiêu hóa nhẹ, chuyển sang điều trị tại Khoa Nội nhưng đến sáng 16-9, bà X. bỏ viện để về nhà…

Theo bà N.T.X, bà cùng cháu K. và anh N.K.T lưu trú tại khách sạn H. đường Hồ Nghinh (Q. Sơn Trà). Khoảng 17 giờ ngày 15-9, hai bà cháu đi dạo ngoài đường rồi mua một chiếc bánh bao nhân trứng còn nóng hổi của người bán dạo. Về tới khách sạn, hai bà cháu chia nhau ăn, bà ăn phần ruột, cháu K. ăn vỏ bánh bao. Khoảng 30 phút sau, cháu K. bất ngờ bị nôn mửa. Tiếp đến, bà X. cũng xuất hiện tình trạng buồn nôn, chân tay bủn rủn. Anh T. đã đưa cả hai bà cháu đi cấp cứu tại TTYT Q. Sơn Trà. Sau đó, cháu K. được chuyển lên BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để điều trị tích cực… Bà X. khẳng định, trong buổi chiều hai bà cháu chỉ ăn chiếc một bánh bao mua của người bán dạo, còn buổi trưa ăn cơm do ba cháu K. mua về và uống nước đóng chai có trong khách sạn… Được biết, khách sạn những người này lưu trú cũng chính là nơi gia đình du khách quê Nghệ An thuê ở. Và trong ngày 16-9, gia đình 3 người này phải nhập viện cấp cứu. Sau đó, mẹ và con nhỏ tử vong trong khi người chồng nguy kịch được chuyển qua BV Đà Nẵng điều trị tích cực - chống độc.

Theo lãnh đạo BV Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, tiếp nhận cháu K., qua thăm khám ban đầu, bác sĩ trực xác định cháu K. bị viêm dạ dày ruột cấp. Khi nhập viện, cháu K. chưa có dấu hiệu bệnh nặng hay mất nước. Bác sỹ cũng làm xét nghiệm máu, kết quả cho thấy trong giới hạn cho phép. Khoảng từ 22-23 giờ cùng ngày, điều dưỡng kiểm tra thấy cháu K. có uống được ít sữa. Đến 1 giờ ngày 16-9, cháu K. bất ngờ yếu đi, thở yếu nên được cho hồi sức. Lúc này bác sỹ phát hiện sữa đã trào vào nội khí quản. Sau chừng một giờ được hồi sức, cháu K. đã tử vong… Các bác sỹ cho rằng, niêm mạc dạ dày trẻ tổn thương có thể do các nguyên nhân như vi rút, vi trùng. Các yếu tố này đều qua đường tiêu hóa, đường thức ăn qua tay, miệng. "Bệnh viêm dạ dày ruột cấp rất phổ biến ở trẻ dưới 5 tuổi, mỗi ngày có hơn chục ca nhập viện tại đây. Tuy nhiên diễn biến bệnh nhanh và gây tử vong như trường hợp cháu K. là hiếm gặp", một bác sỹ cho biết.

Liên quan đến vụ việc 2 người tử vong và 1 người nguy kịch chưa rõ nguyên nhân khi đến TP Đà Nẵng du lịch vào ngày 16-9, chiều 19-9, Ts.Bs Lê Đức Nhân - Giám đốc BV Đà Nẵng cho biết, hiện bệnh nhân Đ.N.V đã tỉnh, huyết động ổn định, tiếp xúc được và bắt đầu có những hợp tác với y bác sỹ, nhiều thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân đã được bệnh viện cắt.  Kết quả các xét nghiệm mới nhất cho thấy bệnh nhân đã tiến triển rất tốt. Đặc biệt, bệnh nhân được rút ống thở và có thể tự thở được. Ngoài ra, bệnh nhân cũng đã trả lời được tên của mình và có những trả lời đúng theo các thang điểm mà bác sỹ đưa ra. Qua đó cho thấy sức khỏe bệnh nhân đang tiến triển thuận lợi. Tuy nhiên, giai đoạn này bệnh nhân rất cần vấn đề điều trị tâm lý… "Bệnh nhân có dấu hiệu hồi phục nhưng đây vẫn là còn sớm để nói đã thoát được sự  nguy hiểm hay chưa. Bởi cơ thể sau khi biến loạn rất nhiều về chức năng tạng phải xem xét theo thời gian, mà thời gian đó tính bằng tuần chứ không phải từng ngày. Mọi thứ vẫn còn đang ở phía trước, các bác sỹ vẫn đang cố gắng theo dõi, điều trị cho bệnh nhân. Hiện tại bệnh viện cũng hạn chế cho người ngoài tiếp xúc do bệnh nhân stress rất nặng, cơ thể rất mong manh, vừa biến loạn tâm lí vừa biến loạn cơ quan tạng. Nếu không khéo sẽ gây ảnh hưởng xấu với người bệnh. Chính vì vậy, chúng tôi rất cẩn thận trong vấn đề để bệnh nhân tiếp xúc, giao tiếp với người khác. Bệnh viện cũng đang mời các chuyên gia phối hợp để điều trị tốt nhất cho trường hợp này. Bởi bệnh nhân đã biết tin mất vợ, con nên tâm lý sang chấn mạnh", Ts.Bs Lê Đức Nhân cho biết thêm.

Nhắc đến nguyên nhân khiến gia đình anh V. gặp nạn, Ts.Bs Lê Đức Nhân cho rằng hiện chưa có đủ cơ sở để kết luận bất cứ điều gì về nguyên nhân vụ việc. Muốn xác định nguyên nhân chính xác nhất phải có các xét nghiệm, trên cơ sở đó mới biết bệnh lí do nguyên nhân từ đâu. Trả lời câu hỏi sau hồi tỉnh, cơ quan điều tra đã tiếp xúc với bệnh nhân chưa? Ts.Bs Lê Đức Nhân cho hay dù hồi tỉnh, nhưng trong cả quá trình, bệnh nhân được điều trị bằng thuốc an thần và thở máy nên dù cơ quan công an có tiếp xúc, đặt câu hỏi thì lời nói của bệnh nhân cũng không có giá trị bởi vừa điều trị thuốc an thần xong. Chỉ khi nào bác sĩ khẳng định bệnh nhân hoàn toàn tỉnh táo, minh mẫn, cơ quan điều tra mới tiến hành được…

TRÍ DŨNG