Báo Công An Đà Nẵng

Một chủ trương đậm “chất” Đà Nẵng

Thứ tư, 31/08/2016 07:37

(Cadn.com.vn) - Thông tin Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ vừa ký văn bản ban hành Đề án thí điểm trao giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế, hộ khẩu tại gia đình trẻ em với những trường hợp đăng ký thường trú trên địa bàn đã khiến cho người dân thành phố hết sức hào hứng và thích thú.

Theo đề án này, sắp tới, mỗi công dân mới chào đời khi làm thủ tục đăng ký khai sinh tại UBND xã, phường hay quận, huyện, bao gồm các trường hợp có yếu tố nước ngoài, sẽ được nhận giấy tờ tại nhà. Trong tháng 9, lãnh đạo thành phố sẽ trao giấy khai sinh, hộ khẩu và thẻ bảo hiểm y tế cho 5 trường hợp thuộc diện hộ nghèo, gia đình dân tộc thiểu số, hộ chính sách... Từ tháng 10, chủ trương này được thực hiện trên toàn thành phố. Trong buổi tiếp xúc cử tri mới đây, đích thân Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho hay, mỗi em bé mới sinh sẽ được cán bộ đến tận nhà trao giấy khai sinh, hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế và có một bó hoa chúc mừng gia đình và hi vọng “Khi lớn lên, xem lại những hình ảnh này sẽ có trách nhiệm với với quê hương, gia đình và xã hội”.

Trước đề án này, Đà Nẵng cũng đã từng có nhiều chủ trương để hướng tới việc rút ngắn khoảng cách, tạo sự thân thiện, gần gũi giữa cơ quan công quyền, đội ngũ công chức với người dân. Câu chuyện lãnh đạo thành phố xuống cơ sở hỏi thăm, chia sẻ những khó khăn của tiểu thương, ngư dân trong sự cố môi trường biển, người chiến sĩ công an xuống tận nhà dân để làm chứng minh thư cho người già, người dân tham gia chấm điểm về thái độ phục vụ của công chức, được hẹn giờ giải quyết công việc qua cuộc gọi và tin nhắn, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính... thực ra là bình thường và buộc phải có nếu đặt cán bộ nhà nước ở vai trò là “công bộc”. Nhưng trong bối cảnh mà câu chuyện “hành chính” vẫn còn nhiều điều cản trở, thậm chí là khiến một bộ phận nhân dân không gần được với công chức, bị động với bộ máy công quyền thì những phá cách, xé rào của Đà Nẵng lại được chú ý và nhận được sự hưởng ứng của dư luận. Còn gì hơn khi những gương mặt lạnh lùng ngồi trong tấm kính chắn của UBND phường đủng đỉnh giải quyết công việc theo thứ tự được thay thế bằng hình ảnh những công chức thân thiện, gần gũi tìm về với dân. Tất nhiên, không phải cái gì cũng buộc cán bộ nhà nước tới tận nhà giải quyết, mà thông qua những câu chuyện khác biệt, Đà Nẵng hướng tới việc cải thiện mối quan hệ giữa công chức với nhân dân.

Nói đến chuyện chủ trương thì phải nói tiếp về hiệu quả thực hiện. Với những chủ trương mới mẻ, bộ máy chính quyền thành phố ở tất cả các cấp đều “tăng điểm” trong lòng người dân. Nhưng rồi thỉnh thoảng vẫn thấy có người này người khác than phiền, đưa bức xúc lên mạng xã hội và lập tức gây sốt. Người ta tìm hiểu thì thấy chủ trương vẫn không có gì thay đổi, chỉ là người thực hiện không đủ làm hài lòng như người dân kỳ vọng. Kiểu như quán triệt giữ rừng nhưng rừng vẫn bị phá, chỉ đạo chuyên nghiệp hóa du lịch đường sông nhưng cơ quan quản lý vẫn buông lỏng để xảy ra thảm nạn... Câu chuyện nóng nhất là đảm bảo thực phẩm an toàn trên bàn ăn của nhân dân thì qua tới 4 cuộc họp vẫn chưa góp ý xong một văn bản. Mới hôm kia, ngày 29-8, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng đã phải “nóng ruột” và thẳng thắn phê bình thái độ, trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm trong lĩnh vực này. Câu chuyện được nhiều người chú ý là ông Dũng đã mời một chuyên viên của Sở NN&PTNT ra khỏi cuộc họp vì người này đi thay cho... lãnh đạo Sở! Mà vị tư lệnh của Sở NN&PTNT thì vẫn còn nổi tiếng với câu nói “khuya rồi, ngủ đi thôi” khi báo chí gọi điện  hỏi về thảm họa môi trường như vết dầu loang từ Bắc Trung Bộ có nguy cơ ảnh hưởng đến ngành thủy sản Đà Nẵng.

Cả nước đều khen ngợi những phá cách, những câu chuyện xé rào hướng tới người dân của chính quyền TP Đà Nẵng. Còn người dân thành phố, họ luôn muốn những chủ trương đó được thực hiện thông suốt từ trên xuống dưới. Trong nhiệm vụ xây dựng thành phố 4 an, đây là yếu tố rất quan trọng.

Đông A