Báo Công An Đà Nẵng

Một chuyến đi săn "thần dược"

Thứ hai, 01/09/2014 09:00

(Cadn.com.vn) - Dẫn tôi ra vùng ven Đà thành, chỉ vào đồng lúa chim sẻ đồng bay thành từng đàn. Hải bảo: "Thần dược ở trung tâm thành phố đó mấy bác nông dân à". Lão nông nghe vậy chống cuốc cười: Chu choa thần dược của các anh nằm trên cột điện kìa.

H ải là một tay săn chim sẻ đồng ở Q. Liên Chiểu (TP Đà Nẵng). Sau chầu cà- phê sáng là vác lưới đi bắt "thần dược". Không hiểu cái con chim sẻ đồng nhỏ bằng hai đầu ngón tay, nếu vặt lông, rán hoặc nướng lên bỏ vào mồm thì vừa một miếng ấy có tội tình gì mà dân lại đi bắt ráo riết đến thế?

Hóa ra, giới mày râu thường kháo với nhau rằng tiết chim sẻ đồng có tác dụng cường dương bổ thận. Tóm lại nó là "Viagra" cho những tay không mấy vui vẻ trong chuyện ấy. Thấy mấy tay thanh niên đuổi bắt những con chim sẻ đồng, mấy bà  làm cỏ trên các đám ruộng chửi đổng: "Người ta nhung hươu, cao hổ cốt, mãng xà, cá ngựa, bào ngư còn chưa ăn ai. Con chim nhỏ thế kia chúng mày cắt tiết cả đàn chắc cũng chưa được nửa ly cối uống bia đâu nhỉ?".

Loài chim nhỏ bé vô tội này không biết đã làm "mất lòng" ai để họ tin máu của chúng hòa với rượu là... thần dược để rồi phải mang một cái họa tiệt chủng. May thay, họ hàng nhà sẻ đồng có mức độ sinh sản không theo "kế hoạch hóa" nên mới tránh được. Mặc ai chê trách, Hải đánh xe máy ra những bãi đất hoang, bảo: "Bọn nó giờ ranh ma lắm rồi, ngày nào cũng đi đánh chúng cả. Đến nỗi thấy đứa nào mà vác cái sào tre là chúng bay không kịp ngáp, khoảng rộng đừng hòng bắt được nó. Chắc lũ chim sẻ đồng ở đây quen mặt tao rồi, lừa chúng mãi cả ngày mới bắt được đó".

Chờ đợi " Viagra" bay vào cột điện để giăng lưới.

Chỉ tay lên cột điện, Hải bảo rằng tổ của chúng nó nằm trên đó, chỉ có một cách hữu hiệu để bắt chúng là chờ sẻ đồng bay vào những hộp điện, đồng hồ điện, rồi bủa lưới phía ngoài chực sẵn, con nào manh động, lao ra là dính ngay. Phát đầu tiên, hai chú sẻ đồng dính lưới, tôi đoán chắc chắn đây là một cặp vợ chồng nhà sẻ vừa kết đôi, vì sau khi nhốt vào cái lồng "to tướng" bằng trái dừa khô kia, hai chú ta vẫn còn mơn trớn, trêu đùa nhau như tình nhân vậy. Rồi sau đó mới hoảng hồn vì bên cạnh là những chiếc lồng khác mà hàng xóm của mình đang bay loạn xạ, đâm vào vách đến nỗi tóe cả máu mũi.

Là người hành nghề bắt chim sẻ chuyên nghiệp nhưng chưa bao giờ Hải tự tay mình cắt tiết chúng cả, vì theo anh uống vài ba giọt máu của chúng thì bổ béo gì chứ, có khi đi viện vì các bệnh liên quan đến chim chóc, gia cầm cũng nên. Mỗi con chim sẻ đồng được nhập với giá 10 nghìn đồng, có bao nhiêu chủ hàng lấy bấy nhiêu, khỏi kì kèo, làm giá. Ngày trước, Hải là một phụ hồ, nhưng thấy sức khỏe không đủ để theo cái nghề "dầm mưa dãi nắng" này nên quyết định đổi nghề "lướt theo cánh chim trời". Vì theo Hải "chim trời cá bể" ai muốn bắt thì bắt, mà mình làm nghề này cũng được hơn một năm rồi chả thấy ai nói năng, ngó ngàng gì cả.

Những con chim sẻ đồng nhỏ bằng ngón tay cái có giá 10 nghìn đồng/ con.

Nhiều người đã dùng qua tiết chim sẻ lẫn dúm thịt bằng ngón tay cái kia thì quả quyết rằng về tác dụng cường dương bổ thận đâu thì chưa thấy nhưng thịt của chúng rất săn chắc và thơm ngon, hơn hẳn các loại khác. Mỗi chú chim sẻ đồng vừa một lần nhắm nên rất vừa miệng khi sử dụng bia rượu. Trung bình mỗi ngày Hải bắt được khoảng hai mươi chú chim sẻ đồng nhỏ bé, nhưng đổi lại được chừng 200 nghìn đồng, với tay săn chim này thì thế đã mãn nguyện lắm rồi.

Cũng theo Hải, công việc này không mấy nặng nhọc và nguồn cung thì rất dồi dào, nên thu hút rất nhiều người săn bắt. Ngoài giới săn bắt chuyên nghiệp như anh, các em học sinh, những anh phụ hồ và cả dân nhậu cũng tham gia, lúc đông đảo có khoảng trên dưới năm chục nhóm. Các thức săn bắt cũng đa dạng: bẫy lưới, bẫy keo, ống thổi, súng thể thao hay đơn giản chỉ là giàn thun. "Nên vậy, chim sẻ bây giờ rất "khôn", khó bắt hơn trước nhiều", Hải xác nhận.

Phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đăng tải những hình ảnh man rợ về xả thịt thú rừng hay thói quen ăn các loại côn trùng, chuột đồng... khiến người ta rùng mình. Nay đến cả loài chim sẻ hiền lành chẳng hại ai, cũng bị trảm không thương tiếc. Có phải, vì ở phố hiếm động vật quý hiếm thì đành lấy chim sẻ làm... thần dược hay vì đặc điểm sinh sản vô lượng của nó khiến người ta nể phục và săn lùng ráo riết?

Bùi Đức Tú