Báo Công An Đà Nẵng

Một chuyến ngược Thu Bồn

Thứ năm, 25/06/2015 11:29

(Cadn.com.vn) - Mới đây, một nhóm nhà báo, nhà nhiếp ảnh TP Đà Nẵng có chuyến đi thực tế về nguồn, điểm đến là Hòn Kẽm Đá Dừng thuộc H. Nông Sơn, Quảng Nam. Xuất phát từ Đà Nẵng từ sáng sớm, 12 giờ hơn chúng tôi mới đến Trung Phước. Trời tháng 6 nắng như đổ lửa. Các anh lãnh đạo H. Nông Sơn và xã Quế Trung rất nhiệt tình chuẩn bị giúp chúng tôi chiếc thuyền máy để ngược dòng Thu Bồn lên Hòn Kẽm. Chiếc thuyền do vợ chồng anh Thống lái rất chuyên nghiệp lách qua những đoạn sông cạn trơ đáy. Thuyền từ bến đò Trung Phước dần qua nhà máy nhiệt điện Nông Sơn, Mỏ than Nông Sơn. Khi thuyền chui qua cầu Nông Sơn, chúng tôi xúc động nghe anh lái đò kể lại sự việc đau lòng hơn 10 năm trước, 18 em học sinh cấp hai đã đuối nước ngay dưới chân cầu phía đông (bến đò Cà Tang)... Các phóng viên vừa nghe chuyện vừa chụp ảnh, ghi hình, không bỏ qua những khuôn hình đẹp dọc sông Thu Bồn.

 

Theo cảm nhận, con sông Thu Bồn nay không còn vẻ đẹp hoang sơ như trước. Nạn khai thác vàng, cát, sỏi đã phá nát lòng sông, tạo ra dòng chảy mới khiến con sông vốn thanh bình thơ mộng từng đi vào thơ ca văn học không còn nét đẹp nguyên trinh nữa. Nước sông không còn xanh trong, hai bên bờ không còn thấy những triền dâu xanh tít tắp và bóng những cô gái hái dâu mơ mộng nữa. Tuy hãy còn đó những tên làng Bình Yên, Phú Gia, Đông An, Nhụ Sơn,Thạch Bích, Bình Kiều, Trà Linh nằm dọc theo sông Thu Bồn,  nhưng người thì thưa vắng bởi phải tha phương cầu thực.

Hơn 4 giờ chiều thuyền chúng tôi mới “chui” vào Hòn Kẽm. Trời còn nắng nhưng dưới lòng sông bắt đầu lạnh vì gió lồng theo vách núi đá thổi dọc theo lòng sông. Con thuyền uốn lượn theo dòng chảy lọt qua các vách đá dựng đứng, hết lớp này đến lớp khác. “Qua ghềnh Nước Mắt lại đến ghềnh Tiên, qua khỏi khe Nghêng leo lên Cổ Ngựa”. Mỗi địa danh nơi Hòn Kẽm còn mang một truyền thuyết riêng về tình yêu lứa đôi mang đậm chất nhân văn mà có dịp chúng tôi sẽ đề cập.

Đến đây rồi chúng tôi mới thấm thía câu ca dao xưa: “Ngó lên Hòn Kẽm Đá Dừng, thương cha nhớ mẹ quá chừng bậu ơi! Thương cha nhớ mẹ thời về, nhược bằng thương kiểng nhớ quê thì đừng!”. Vì sao vậy? Vì một khi con đã “theo đò dọc” xuôi dòng về nhà chồng, khi nhớ cha, nhớ mẹ con chỉ biết ngước nhìn về quê xưa và chỉ thấy toàn núi đá dựng đứng, chắn ngang dòng sông. Và vì không có con đường nào khác có thể đi qua Kẽm ngoài đường thủy. Mà ngày xưa với phương tiện thuyền nan thô sơ nhỏ bé, mỏng manh, thả xuôi thì được nhưng bơi ngược thì thật gian nan, vất vả. Nó mỏng manh như những cuộc đời gắn mình trên dòng sông Thu Bồn vọng tiếng thơ ngân này.

Sau khi ghi lại những hình ảnh đẹp dọc dòng sông qua Hòn Kẽm, thuyền chúng tôi dừng chân nơi bến đò Trà Linh thuộc xã Hiệp Hòa, H. Hiệp Đức giáp giới với H. Nông Sơn. Đang lúc chúng tôi quay phim, chụp  hình, bất ngờ một người đàn ông xuất hiện,  quát: “Ai cho mấy ông đến đây quay phim chụp hình, các ông đã xin phép chưa, cho tôi xem giấy tờ”. Người nồng nặc mùi rượu, anh ta xưng là phó bí thư chi bộ thôn sở tại. Chúng tôi giải thích cho anh biết, chúng tôi là những nhà báo, quay phim đến đây mục đích là sáng tác, tìm hiểu và giới thiệu về tài nguyên, về phong cảnh Hòn Kẽm cùng tiềm năng phát triển du lịch của địa phương nhưng anh này một mực ngăn cản đòi xem giấy tờ bằng được. Chúng tôi đành đưa thẻ hành nghề cho anh ta xem. Xem xong anh này   điện cho hai anh công an xã đến giải quyết; Rốt cuộc  chúng tôi phải nhờ sự can thiệp của lãnh đạo H. Hiệp Đức mới “thoát” được sự cố này (!)...

Chúng tôi quay về bến Bình Yên lúc trời đã tối. Đón chúng tôi có anh Đoàn Quốc Dũng, Bí thư kiêm Chủ tịch cùng các anh lãnh đạo xã Phước Ninh. Một đống lửa đốt lên giữa bãi cát vàng bằng phẳng. Thịt heo quê ướp gia vị sẵn để nướng cùng những món ăn dân dã khác được bày ra. Tiếng hát, tiếng đàn vang lên. Hết chủ tới khách thay nhau thể hiện, “trình bày” những bài ruột của mình. Người hát hay và được yêu cầu hát nhiều nhất là nhà báo Vũ Công Điền. Giai điệu Bolero và chất giọng sâu lắng của anh được mọi người hoan hô. Một đêm lửa trại giao lưu trong không khí thật ấm cúng, vui tươi, không thể nào quên.

Được biết, trong chiến tranh, thôn Bình Yên là địa phương chịu nhiều hy sinh mất mát nhất của H. Nông Sơn. Hầu như nhà nào cũng có liệt sỹ, thương binh. Sau khi nắm tình hình địa phương, chúng tôi xin phép trao 10 suất quà cho các gia đình đơn chiếc,  khó khăn. Giã từ Bình Yên chúng tôi xuôi thuyền về Trung Phước, kết thúc một chuyến đi đầy kỷ niệm.Và chắc chắn trong mỗi chúng tôi ai cũng thu hoạch được rất nhiều điều và ai cũng xây dựng cho mình một kịch bản để truyền tải những hình ảnh, những ghi nhận, những hoài niệm của mình về chuyến đi này để người đọc, người xem hiểu thêm về vùng đất,con người dưới chân Hòn Kẽm Đá Dừng.

Trần Quang