Một chuyện tình, chuyện đời xúc động
Bài I: Có một tình yêu như thế!
(Cadn.com.vn) - Trước hết, xin nói rõ, những nhân vật tôi sắp kể ra đây đã từng được một đồng nghiệp phản ánh trên Báo Quân Khu 5 dưới nhan đề “Người lính trở về sau gần 50 năm làm “liệt sĩ”. Tuy nhiên, phía sau cuộc trở về đoàn viên của người chiến sĩ gần 50 năm mất trí nhớ ấy còn nhiều câu chuyện đáng để ngợi ca về tình nghĩa vợ chồng, tình cha con, tình người. Vì lẽ đó, tôi đã tìm đến khu chung cư Nam cầu Cẩm Lệ (xã Hòa Châu, H.Hòa Vang, Đà Nẵng) để viết tiếp câu chuyện tình, chuyện đời đầy cảm động này!
Gia đình ông Võ Xuân Hồng (1948, tức Vũ Đức Roanh) ở nhà 101 chung cư B1 Nam Cầu Cẩm Lệ. Khi tôi tìm đến đúng lúc ông đang lên cơn đau, cứ luôn miệng la mắng vợ và em gái. Mặc anh la mắng, bà Vũ Thị Vê (1952)- em gái ông vừa từ Lục Bắc, xã Thái Xuyên, H. Thái Thụy (Thái Bình) vào thăm người anh trở về sau gần 50 năm là “liệt sĩ”- vẫn cặm cụi lau dọn vệ sinh phòng. Thấy tôi bước vào, bà Ngô Thị Minh Ngọc (1949)- vợ ông- ngồi may trên ghế nhẹ nhàng lết xuống nền nhà lấy ghế mời ngồi. Bà bị liệt 2 chân! Tôi lặng đi vì xúc động khi tìm hiểu về cuộc đời vất vả, đắng cay của người phụ nữ tật nguyền này!
Bà Ngô Thị Minh Ngọc bên chiếc máy khâu mới. |
Trước đây, gia đình cha mẹ bà Ngọc ở khu vực bến xe Vĩnh Trung (cũ). Lúc mới sinh ra, bà cũng lành lặn, khỏe mạnh. Lên hai, ba tuổi bà bị sốt cao dẫn đến bại liệt 2 chân. Để không trở thành gánh nặng cho người thân sau này, 15 tuổi, bà xin đi học nghề may. Nhìn tấm ảnh thời xuân sắc của bà, tôi cứ nghĩ nếu không bị khuyết tật đôi chân, đã có rất nhiều người muốn săn đón bà... Năm 1983, sau những lần đi củi ở Kim Liên (Liên Chiểu), anh trai bà đưa về nhà một người đàn ông cao dong dỏng, nói giọng Bắc, đôi mắt sáng hiền lành. Anh bà bảo người đó tên Võ Xuân Hồng (1948), bị mất trí nhớ, không có nơi ở ổn định nên thương tình dẫn về nhà... Qua sự gán ghép của người anh, bà cũng thấy ông Hồng dù mất trí nhớ nhưng hiền lành, đáng mến, nên đem lòng thương mến. Những lúc ông Hồng tỉnh táo, vui vẻ, bà tìm cách gợi chuyện thì được biết, trước giải phóng, ông tình nguyện đi bộ đội rồi bị thương dẫn đến mất trí nhớ...
Rồi họ nên nghĩa vợ chồng, ở chung nhà với ba mẹ bà. Năm 1984, khi bà Ngọc mang thai đứa con gái đầu ba tháng, một ngày, anh trai bà hớt hải chạy về nói với em gái: “Thằng Hồng ngó rứa mà có một đời vợ rồi!”. Bà bủn rủn tay chân, đau khổ, dằn vặt dữ lắm, sợ người ta tìm đến nhà thì thật khó xử! Nhưng không thể trách cứ, bởi ông lúc nhớ, lúc quên. Tìm cách gợi chuyện, bà được biết, năm 1972, sau khi mất trí nhớ, ông lang thang đến Đà Nẵng làm đủ thứ nghề, năm 1973 kết hôn và có được hai con với người vợ trước (một trai, một gái). Không biết do bệnh tình của ông hay vì không hợp nhau, vài năm sau ngày đất nước thống nhất, họ chia tay nhau. Ông lang thang 5, 6 năm thì gặp bà Ngọc... Khi con gái lớn được 7 tuổi, con trai út được 5 tuổi, lựa lúc chồng tỉnh táo, bà đề nghị ông đưa 2 người con vợ trước về chơi để anh em nhận nhau, lớn lên khỏi nhầm lẫn. Rồi khu vực nơi cha mẹ bà ở bị giải tỏa, vợ chồng bà cùng hai con nhỏ ở nhà tạm, nhà thuê suốt 15 năm trời.
Võ Xuân Huy miệt mài lao động tại xưởng cơ khí. |
Khó có thể kể hết những nỗi vất vả, bỉ cực, cả đắng cay, tủi hờn trong suốt 15 năm ở nhà tạm, nhà thuê của gia đình bà. Do ông bị bệnh nên trái tính, trái nết, những lúc lên cơn là cầm đồ đạc ném, đánh vợ con. Hai con thì bỏ chạy tránh đòn được, còn bà bị tật nguyền biết chạy đâu nên lãnh đủ những cơn thịnh nộ của chồng. Vì chồng bị bệnh không thể làm việc nặng nhọc, bà vay mượn tiền mua chiếc xe bò cho ông đi chở đồ thuê nhưng cũng được “bữa đực, bữa cái”. Trong thời gian ở nhà thuê, thấy ông Hồng lớn tuổi, bệnh tình ngày một nặng, bà Ngọc và các con không cho ông đi kéo xe bò nữa. Kinh tế gia đình hoàn toàn phụ thuộc vào tiền trợ cấp hàng tháng cho người khuyết tật của bà. Bà phải làm đủ nghề, có lúc nhận chăm sóc đến 8 đứa trẻ, tối tranh thủ nhận đồ về may vá, nướng từng cái bánh tráng bán kiếm thêm tiền... Thương mẹ cực nhọc, học hết lớp 9, con gái đầu nghỉ học, đi bóc hạt sen thuê rồi học nghề in thiệp cưới để kiếm tiền phụ giúp mẹ. Rồi con trai út mới học hết lớp 7 cũng nghỉ học, đi phụ hồ, học nghề cơ khí để phụ thêm cho mẹ... Dù không muốn các con sớm bỏ học nhưng vì hoàn cảnh gia đình lúc ấy quá khó khăn, bà đành ngậm ngùi... Có lẽ, niềm hạnh phúc, đáng tự hào nhất của bà Ngọc là hai con đều hiếu thảo. Con gái lớn đã lập gia đình, có hai con. Con trai được người bà con nhận vào làm ở xưởng cơ khí Nam Định trên đường Đỗ Quang..
Sau nhiều lần làm đơn xin nhà chung cư, năm 2014, gia đình bà Ngọc được bố trí ở chung cư Nam cầu Cẩm Lệ. Sau 15 năm sống cảnh nhà tạm, nhà thuê, cuối cùng gia đình bà cũng có được căn hộ chung cư. Từ ngày các con đi làm, rồi bà được các cấp hội quan tâm tặng máy khâu và máy vắt sổ, cuộc sống gia đình bà mới thoát khỏi cơ cực... Nói về mẹ, con trai bà là Võ Xuân Huy nghẹn ngào: “Chị thử nghĩ, một người lành lặn nuôi con đã khó, vậy mà mẹ em bị tật hai chân, vừa chăm chúng em, vừa phải lo kinh tế gia đình, khổ cực biết chừng nào. Em thương mẹ vô cùng!”. Tôi tế nhị hỏi Huy: “Những lúc lên cơn đau, ba đánh mẹ, đánh các em, em có... ghét ba không?”. “Dạ không! Ba em bị đau mà chị, có biết chi đâu! Hồi còn nhỏ chưa biết gì thì em hay buồn về chuyện nhà, nhưng khi lớn rồi thì không buồn nữa. Càng thấy thương ba mẹ nhiều hơn”.
(còn nữa)
Ghi chép: Phan Thủy