Báo Công An Đà Nẵng

Một chuyến về nguồn...

Thứ hai, 21/09/2015 10:08

(Cadn.com.vn) - Một ngày giữa tháng 9, chúng tôi theo đoàn công tác Báo CAND, Trung tướng Lê Ngọc Nam, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị CAND và Đại tá Nguyễn Đình Chính, nguyên Phó Giám đốc CATP Đà Nẵng cùng đại diện lãnh đạo Báo CAND về Duy Nghĩa (Duy Xuyên, Quảng Nam)- mảnh đất anh hùng, nơi lưu dấu rất nhiều chiến công, hy sinh của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Được gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, nghe họ kể về một thời gian khổ nhưng hào hùng trên mảnh đất này, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên và thán phục trước sức sống kỳ diệu, sự chịu đựng gian khổ và cảm nhận được một chuyến về nguồn nhiều ý nghĩa…

Trung tướng Lê Ngọc Nam và Đại tá Nguyễn Đình Chính
thăm, tặng quà Mẹ VNAH Nguyễn Thị Chiến (thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa).

Huyền thoại về... súng bẹ dừa

Duy Nghĩa, một vùng cát nằm về phía Đông của H. Duy Xuyên. Cũng như bao vùng quê nghèo khó khác ở Quảng Nam, người dân Duy Nghĩa quanh năm quần quật, vất vả nhưng lúa gạo không đủ ăn, chủ yếu sống bằng khoai sắn. Cảnh sống nghèo khó "Tối ăn khoai đi ngủ, sáng ăn củ đi làm" càng trở nên khó khăn hơn khi bọn Mỹ -ngụy tăng cường đàn áp phong trào cách mạng sau 1954.

Nhớ về một thời gian khổ nhưng rất đỗi tự hào trên mảnh đất quê hương, ông Nguyễn Ngọc Thông (68 tuổi), Chủ tịch Hội CCB xã Duy Nghĩa bồi hồi: "Thật không gì có thể diễn tả hết nỗi đau thương mất mát, sự gian khổ hy sinh, chiến đấu và chiến thắng của quân và dân xã Duy Nghĩa lúc bấy giờ. Một xã mà có đến 5 sự kiện, địa danh được đề nghị công nhận di tích lịch sử, trong đó có một trận quyết chiến 23 ngày đêm, hai vụ thảm sát với hàng trăm người dân vô tội bị giết, một vụ tra tấn, giam cầm, thủ tiêu cán bộ đảng viên hết sức dã man và sự kiện đã đi vào huyền thoại là dùng súng bẹ dừa để giải phóng quê hương..., như thế cũng đủ để nói lên sự tàn khốc của chiến tranh và tinh thần mưu trí, sáng tạo của người dân Duy Nghĩa trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước".

Với sự kiện đồng khởi bằng súng bẹ dừa, Chủ tịch Hội CCB xã Duy Nghĩa nhớ lại: Sau khi ký Hiệp định Genève 1954, địch thiết lập chính quyền quản lý địa phương xã Duy Nghĩa, chúng đưa đại đội bảo an với trang thiết bị phương tiện chiến tranh hiện đại đến chiếm đóng, gom dân lập ấp chiến lược tại đây. Tình thế hết sức khó khăn, cấp bách, vì vậy Huyện ủy Duy Xuyên đã cử một số đồng chí cốt cán về Duy Nghĩa nằm vùng, xây dựng cơ sở chuẩn bị điều kiện để cướp chính quyền. Đầu năm 1960, lực lượng cách mạng phát triển mạnh, các cơ sở trong dân được xây dựng vững chắc, lực lượng du kích mật phát triển trên 70 đồng chí, tuy nhiên vũ khí chỉ vỏn vẹn có 3 khẩu súng là 1 khẩu tiểu liên, 1 khẩu Tom xông, 1 khẩu Ga-rân M1 và vài quả lựu đạn.

Đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo xã Duy Nghĩa.

"Thời gian này, phong trào đồng khởi phá ấp chiến lược, đập tan sự kìm cặp của địch lên cao. Lãnh đạo phong trào hạ quyết tâm cướp chính quyền nhưng tương quan lực lượng quá chênh lệch, đặc biệt là vũ khí. Lúc đó, đồng chí Nguyễn Thị Như Mai, Bí thư chi bộ xã Xuyên Thọ (Duy Nghĩa ngày nay) đã nảy ra sáng kiến dùng bẹ cây dừa nước, lấy nhọ nồi tẩm dầu lửa và đất sét bôi đen, biến nó thành những khẩu súng... như thật để trang bị cho du kích xã. Trước ngày đồng khởi, lực lượng du kích cơ sở và du kích mật đã tổ chức diệt những tên ác ôn khét tiếng, ban đêm thì mang súng bẹ dừa đi trong thôn xóm, vào làng nhằm biểu dương lực lượng. Nhân dân thì ra sức phao tin có bộ đội chủ lực chuẩn bị đánh lớn nên đã làm cho bọn ngụy tề hết sức hoang mang, lo sợ", CCB Nguyễn Ngọc Thông nhớ lại.

Ngày 20-9-1964 (nhằm ngày rằm tháng 8 âm lịch),  lực lượng du kích mật được chia ra nhiều tổ, mỗi tổ từ 6 đến 7 người và một tiểu đội huyện tăng cường đã chuẩn bị sẵn. Đúng 5 giờ chiều, khi tiếng pháo lệnh được phát ra, các mũi quân đồng loạt tấn công vào trụ sở Hội đồng xã Xuyên Thọ. Trước khí thế tiến công của cách mạng, bọn lính bảo an và dân vệ làm nhiệm vụ bảo vệ trụ sở Hội đồng xã hoang mang, hoảng loạn bỏ chạy. Lực lượng đồng khởi đã tiêu diệt tại chỗ 3 tên ác ôn, trong đó có tên bí thư Quốc dân đảng, bắt gọn hội đồng xã, thu 6 khẩu súng... "Nhờ súng bẹ dừa mà quân địch không dám chống cự, lực lượng vũ trang và nhân dân đã lập nên kỳ tích giải phóng hoàn toàn xã Xuyên Thọ trong đêm 20-9-1964. Chiến tích từ súng bẹ dừa đã lan tỏa phong trào giải phóng các xã lân cận vùng đông Duy Xuyên và Thị xã Hội An sau đó", ông Thông kể.

Ông Phạm Mai Thương, Bí thư Đảng ủy xã Duy Nghĩa tặng hoa cảm ơn Đoàn.

Về để tri ân...

 Trở lại Duy Nghĩa lần này, Trung tướng Lê Ngọc Nam và Đoàn công tác của Báo CAND mang theo tình cảm và 150 triệu đồng trích ra từ đêm nghệ thuật "Đất Mẹ là mãi mãi" do Báo CAND phối hợp với Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 tổ chức tại Đà Nẵng để ủng hộ cho các gia đình chính sách khó khăn, người nghèo, khuyến học cũng như một số hoạt động từ thiện khác tại địa phương. Theo Trung tướng Lê Ngọc Nam, đây là mảnh đất mà những năm từ 1966 đến 1968, ông đã cùng với các cán bộ ở Thị ủy Hội An nằm vùng hoạt động. Được chứng kiến sự hy sinh, mất mát và sự khốc liệt vì mưa bom bão đạn của kẻ thù nhưng nhân dân Duy Nghĩa vẫn bám trụ, chiến đấu kiên cường, đặc biệt là bị địch dùng xe tăng chà đi xát lại nhiều lần nhằm phá hủy, biến nơi đây thành "vùng trắng" nhưng người dân vẫn "nhường cơm sẻ áo" đùm bọc, nuôi dưỡng cán bộ. "Hồi đó lớp chúng tôi có 40 người cùng học tập, hoạt động tại các xã vùng Đông Duy Xuyên, nhưng sau ngày đất nước thống nhất, chỉ có 3 người sống sót trở về. Khốc liệt, mất mát lớn quá", Trung tướng Lê Ngọc Nam nghẹn ngào nói.

Để tri ân vùng đất đã một thời nuôi giấu, che chở, đùm bọc cách mạng, đau thương nhưng cũng rất kiên cường này, Ban Tổ chức chương trình đêm nhạc và Báo CAND quyết định trích một khoản tiền do các tập thể, cá nhân quyên góp được để ủng hộ cho xã. "Số tiền tuy không nhiều nhưng cũng thể hiện được tình cảm của CBCS Báo CAND nói riêng, lực lượng CAND nói chung và đặc biệt là các tập thể, cá nhân đã ủng hộ cả về tinh thần lẫn vật chất cho những vùng đất là căn cứ cách mạng, có nhiều đóng góp, giúp đỡ, che chở cán bộ,... Trung tướng Lê Ngọc Nam nhấn mạnh.

Ghi chép: Doãn Hùng

Nhân chuyến trao tiền ủng hộ của Báo CAND cho xã Duy Nghĩa, bà Hồ Thị Thắng, Giám đốc Cty TNHH Xuất nhập khẩu Phước Đức Thắng - một cựu chiến binh hiện đang sinh sống tại Đà Nẵng đã ủng hộ thêm 10 triệu đồng cho xã Duy Nghĩa. Đồng thời bà quyết định nhận phụng dưỡng suốt đời cho 8 Mẹ VNAH, trong đó có 1 Mẹ ở Hội An (với số tiền 1 triệu đồng/người/tháng), 2 Mẹ ở Duy Nghĩa và 5 Mẹ ở xã Duy Hải (với 500 ngàn đồng/người/tháng).