Một cuộc họp, nhiều chính sách được “bật mí”
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phần nào hé lộ chính sách đối ngoại quốc gia tại cuộc họp báo thường niên cuối năm có sự tham gia của số nhà báo kỷ lục 1.895 người. Ông chủ Điện Kremlin đã trả lời hơn 70 câu hỏi liên quan đến các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường và quốc tế, nhiều câu hỏi phản ánh vị thế của Nga trong cộng đồng quốc tế.
Điểm đầu tiên gây chú ý trong cuộc họp báo là mối quan hệ Nga-Trung. Trước báo giới, ông Putin đã nói rằng, Nga -Trung đạt mức tin tưởng lẫn nhau chưa từng thấy và điều này quan trọng hơn “bất kỳ con số nào”. Nhà lãnh đạo này kể lại rằng, sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991, có một ảo tưởng rằng, một thế giới đơn cực sẽ tồn tại và tồn tại trong một thời gian dài. Tuy nhiên, một thế giới đơn cực không còn tồn tại, trong khi một thế giới đa cực đã được tạo ra. Trong vài năm qua, mức độ tin cậy chưa từng có đã được tạo ra giữa Nga và Trung Quốc khi hai nước hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau, bao gồm cả việc thăm dò ngoài vũ trụ, sản xuất và vận chuyển máy bay, ông Putin nói. Ông bày tỏ sự tin tưởng, kim ngạch thương mại Nga-Trung sẽ tăng lên 200 tỷ USD.
Và điểm thứ hai là mối quan hệ với Mỹ. Theo đó, ông Putin khẳng định sẽ tiếp tục theo đuổi việc ký kết Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới) với Washington. “Nếu không có START mới, trên thế giới sẽ không có gì để ngăn chặn cuộc chạy đua vũ trang”, ông nói thêm và khẳng định Nga sẵn sàng gia hạn hiệp ước với Mỹ, vốn Sẽ hết hạn vào năm 2021, nhưng Washington vẫn chưa có câu trả lời. Và ông Putin còn nhấn mạnh, Moscow muốn duy trì quan hệ với Washington cho dù đảng nào giành được quyền điều hành nước này.
Và mối quan tâm thứ ba trong chính sách đối ngoại của Nga là quan hệ với EU. Theo ông Putin, Nga muốn bình thường hóa quan hệ với Liên minh Châu Âu (EU), vì các lệnh trừng phạt kinh tế làm tổn thương cả hai bên. Về mặt nguyên tắc, chúng tôi mong muốn bình thường hóa toàn diện”, ông Putin nhấn mạnh tại cuộc họp báo. Nhà lãnh đạo Nga cũng lưu ý, hiện có những đánh giá cho rằng thiệt hại do các lệnh trừng phạt của Nga đối với EU đã lên tới 50 tỷ USD. Tổng thống Nga cũng thừa nhận, Moscow hiện gánh chịu những thiệt hại từ các lệnh trừng phạt nhưng những hành động này đang giúp phát triển một số lĩnh vực kinh tế trong nước, đặc biệt là nông nghiệp. Cũng theo ông Putin, nền kinh tế và đồng tiền quốc gia của Nga không bị ràng buộc với thị trường dầu mỏ toàn cầu, trong khi tình hình kinh tế trong nước ngày càng có khả năng đương đầu với những thách thức bên ngoài.
THANH VĂN