Báo Công An Đà Nẵng

"Mót đất" đổi quà Tết

Thứ ba, 31/12/2013 08:16

(Cadn.com.vn) - Sau những vụ mùa, nông dân tận dụng thời gian rảnh rỗi ra đồng mót những gì còn sót lại sau thu hoạch như lúa, ngô, khoai, sắn... Nhưng, điều đặc biệt ở Quảng Trị lại có những người đi "mót đất".

"Tấc đất... tấc vàng"

Buồn bã, thất thu chuối, loại nông sản chủ lực bị bão tàn phá, nông dân Tân Thành (H. Hướng Hóa, Quảng Trị) đành bòn mót, moi móc những "hang cùng ngõ hẻm" tận dụng các rẻo đất để trồng thêm rau cải, hoa để kiếm thu nhập trang trải cho cái Tết sắp đến. Khu vườn gia đình bà Đoàn Thị Lưu (51 tuổi) có đến vài héc-ta chuyên trồng chuối, thế mà năm nay thương lái chưa hỏi thăm hay đặt cọc tiền trước để gần Tết là thu hoạch như mọi năm. Bà Lưu lo lắng lắm, bởi cả nhà từ việc ăn học của các con, đến việc hiếu hỉ cũng cậy vào cây chuối.

Không còn cách nào khác, bà tận dụng những khoảng trống dưới gốc chuối đến hơn 10 mặt con để trồng rau cải, hoa màu. Bà tâm sự: "Chuối lau không ra gì, phải trồng thêm cây ngắn ngày mà nuôi cái miệng thôi. Khu vườn này rộng lắm nhưng chỉ có nơi sát mép khe suối, độ ẩm cao mới trồng được. Còn những nơi khô cằn kia thì có cày bừa đằng trời cũng không có ăn. Hoa màu nó lạ, nơi nào nó đã không thích ứng thì phân tro đầy đủ vẫn không chịu xanh tốt, cả tháng trời mà như cái chủi cùn vậy".

Bà Lưu chăm sóc số hoa màu trên đất "mót" dọc khe suối.

Trên những khoảng đất "mót" được, bà Lưu tiện tay gieo trồng đủ loại: cải, ngò, xà lách, hành... Năm nay, đã ngoại ngũ tuần nên bà không đủ sức để gồng gánh cả thớ phân chuồng đến vài tạ, thế là nhờ con nhờ cháu, mỗi đứa mỗi tay làm cùng. Những đứa cháu cũng chung lưng chăm sóc cùng với người bà ốm yếu.

Tận dụng từng khoảng đất ở mép nhà, người con trai út của bà Lưu cũng không cho đất nghỉ. Không hoa hòe thì trồng rau. Anh đùa, rằng hoa thì đẹp đó, trang trí nhà cửa cho vui mắt chứ làm sao bằng rau màu được. Tận dụng một miếng nhỏ thế thôi mà cũng đủ để ăn trong những ngày cuối năm, có khi đưa ra chợ bán vài mớ nữa. Quả thực, khi con người đói khát thì họ sẽ nghĩ ngay đến cái ăn chứ cái đẹp thì chưa chắc đã nghĩ. Thế cho nên anh con út bà Lưu cứ nhắc đi nhắc lại câu nói của tiền nhân "có thực mới vực được đạo". Xem ra cái lý thuyết ấy vẫn đúng trong trường hợp những người chưa đủ ăn ở cái xứ này.

Bà Lưu bảo: "Mỗi luống này, phải tính toán làm sao cho đến giáp Tết là nhổ bán. Khi đó, nhiều nhà cúng bái, tất niên, cúng ông táo... giá được lắm, mà bán cũng nhanh nữa. Đây, luống ngò thơm này bằng chiếc chiếu nhưng cũng đổi được cân hạt dưa cho các cháu nó cắn vui miệng. Đúng là cha ông mình dạy chẳng sai "tấc đất tấc vàng", chú hè".

Những người con của bà vào Nam làm xí nghiệp, sinh con sinh cháu rồi gửi bà nuôi dưỡng. Bà bảo: "Mẹ nào muốn xa con chứ, Tết nhứt gần đến rồi mà chưa thấy tăm hơi chúng đâu cả. Chắc là đến sát Tết mới về được".

Mưa phùn vẫn phang xuống mái tóc pha sương của bà. Rét. Nhưng bà vẫn gắng gượng xách từng xoa nước tưới cho hoa màu, với hy vọng chúng sẽ đổi được một vài món quà cho những đứa cháu trong cái Tết này. "Mình không có nhiều, chí ít cũng có cái khăn len cho cháu nó quàng cổ đỡ rét. Già rồi thế nào cũng được, chứ cháu nó nhỏ tuổi nhìn thế xót ruột gan lắm".

Ngay nách nhà cũng được tận dụng để trồng cải.

Gầm cầu thành "vườn"

Đi tiếp một chặng, chúng tôi bất ngờ chứng kiến cảnh người dân trồng hoa màu ngay dưới gầm cầu của tuyến QL9. Đang phân vân vì không biết chủ nhân của việc "mót" những khoảng đất đó là ai. Ghé vào một nhà sát đó, chủ nhân hốt hoảng khi có người "hỏi thăm" việc canh tác dưới gầm cầu mà trên đó là hàng loạt phương tiện lớn nhỏ đang lưu thông. Nhầm tưởng là người quản lý về cầu cống trên địa bàn, chị Phạm Thị Hạnh hốt hoảng: "Có sao không hả các anh, em chỉ trồng vài ba miếng để Tết này kiếm đôi đồng. Không tin các anh cứ hỏi bà con quanh đây xem, em chỉ trồng rau thôi chứ không dám xâm phạm công trình đâu. Đừng bắt em nhổ hết chúng mà tội".

Bất chấp nguy hiểm, người dân đánh liều canh tác dưới gầm cầu.

Trường hợp của chị khá đặc biệt, vì không có đủ tiền và đất để dựng nhà cho mình nên vợ chồng chị cùng hai đứa con trai nhỏ phải mượn nhờ cây xăng đã chuyển đi nơi khác để làm nhà. Chị ngậm ngùi: "Cha mẹ hai bên gia đình đều khó, mình lại sinh sau đẻ muộn thế là không có nổi miếng đất cắm dùi. Có tiền cất được cái nhà tạm nhưng lại không có tiền để mua đất. Thế là năm nay cả nhà đành phải đón cái Tết trong cái cây xăng cũ".

Nói đoạn, chị bảo rằng: "Lâu nay có ai hỏi han gì về việc trồng vài luống rau dưới chân cầu kia đâu. Nghe các anh hỏi thăm thú thật tôi cũng thấy lo, của thì ít mà công thì nhiều, người ta bắt nhổ mình cũng phải nhổ chứ biết làm sao. Một luống hoa lay ơn bắt đầu xanh tốt, chắc Tết này nở trúng rồi. Cả nhà tôi tập trung công sức vào đó, nếu mà bắt nhổ chắc con nhỏ của tôi nó đến khóc mất".

Dưới chân cái cầu Mỹ Yên, từng đợt xe tải hạng nặng lưu thông đều đặn. Người đứng ở dưới chân cầu cảm nhận rõ ràng sự rung chuyển, nhưng họ vẫn bất chấp nguy hiểm có thể ập đến bất cứ lúc nào để mưu sinh. "Mót" được khoảng đất bằng hai cái chiếu trải giữa làng, chị Hạnh nhồi nhét vào đó đủ thứ, không ăn được cái này thì cũng kiếm được cái kia. Trong thâm tâm của chị, đến cái nhà còn phải xin người ta để cư ngụ thì lấy đâu ra đất đai mà làm vườn tược. Vì vậy chỉ một miếng đất "mót" được với chị là cả một gia tài. Biết đâu, cái miếng "chó ăn đá, gà ăn sỏi" dưới chân cầu mà ai nhìn vào cũng ngao ngán ấy lại là dưa hành, câu đối đỏ đặt trong nhà chị khi Tết đến, xuân về.

Bùi Đức Tú