Báo Công An Đà Nẵng

“Một đêm ngủ ở quê nhà” của Tiểu Nguyệt: Khát vọng an bình

Thứ hai, 23/11/2020 15:57

“Một đêm ngủ ở quê nhà” là tựa đề tập truyện ngắn thứ 5 - cũng là tác phẩm thứ 15 của nhà văn Tiểu Nguyệt, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành tháng 10-2020. Sách dày khiêm tốn (130 trang) nhưng có đến 3 bài cảm tác của các tác giả Mang Viên Long, Nguyễn An Đình, Nguyễn Cân.

Bìa sách tập truyện Một đêm ngủ ở quê nhà.

Theo nhà văn Mang Viên Long: “Qua những truyện ngắn của Tiểu Nguyệt đã được giới thiệu, người đọc nhận ra những nội dung được nhà văn chia sẻ ngày càng phong phú, các đề tài hiện thực sáng tạo mới lạ hơn, và tính giáo dục, tính nhân văn tiềm ẩn luôn bàng bạc trong những trang văn tâm huyết- nhất là sự ảnh hưởng sâu đậm, nhuần nhuyễn của tư tưởng đạo Phật ngày càng thể hiện rõ nét, vi tế, cho thấy nhà văn là một Phật tử thuần thành. Trong đó, đọc “Một đêm ngủ ở quê nhà” chúng ta như cũng đã trải qua một đêm dài tâm sự trước hiên nhà, bên ánh trăng trong, và gió nồm dịu mát, với hai chị em Hà My- cô Thỉ; gặp mặt lại anh Hải, chú Mẫn, cô Lữ, chàng Phước, ông Tính, bà Lụa, bà Ba Ân (…) quanh xóm Gò Tre thân thương một thuở quê nhà, qua bao dâu bể thăng trầm…”.

Trò chuyện về tác phẩm mới của mình, nhà văn nữ miền Trung, gốc quê Phú Yên bày tỏ: “Mơ ước lớn nhất của đời Tiểu Nguyệt được là một cô giáo, nhưng do hoàn cảnh khách quan, không làm được hồ sơ dự thi. Trong tác phẩm, tôi luôn đặt ra cho mình một con đường đi rõ ràng- xây dựng truyện làm sao phải có tính Nhân văn và Giáo dục; luôn lấy “Yêu thương, Cảm thông. Khoan dung” làm nền tảng cho truyện. Mọi nhân vật, cho dù trải qua bao khổ đau, bất hạnh, luôn mạnh mẽ đứng lên trong niềm tin yêu và hy vọng. Những người có tâm thiện lành, trong sáng, luôn được tùy duyên “đền đáp”. Tôi nghĩ, với nội dung thiết thực, gần gũi như thế, bạn đọc có thể chia sẻ được điều mình muốn tâm sự, gởi gắm đến họ, khi khép trang sách lại”.

Thực vậy, ngay ở truyện ngắn đầu tiên “Mùa xuân trên hòn Mỏ Quạ”, câu chuyện kể về  một vùng núi rừng heo hút, đường sá gập ghềnh đèo dốc, cách trở xa xôi,  chúng ta gặp gỡ nỗi thăng trầm của nhân vật chính đã  đón ba mùa xuân cùng năm, bảy gia đình tá túc trong những túp nhà tranh, vách lá – dân làm cây, làm củi gọi họ là dân “xóm Rẫy”. Nơi ấy,  “Mỗi người đến từ mỗi nơi, từ một cảnh đời neo đơn nghèo khó, nhưng đùm bọc, thương nhau như bà con quyến thuộc”. Và thế rồi, qua bao thử thách, gian khổ, đắng cay “Mùa xuân cũng đến với họ. Sáng bừng, chan hòa ấm áp yêu thương. Sắc xuân hồn nhiên, hiện hữu khắp nơi, từ núi rừng đến phố thị, không phân biệt”.

Ở truyện “Một đêm ngủ ở quê nhà”, câu chuyện của người phụ nữ có tên Hà My, sau 15 năm về thăm quê, kể từ khi chồng nàng bỏ chạy theo người phụ nữ khác, gặp lại người chị gái thân thiết, cùng nhau tâm sự dưới ánh trăng cao tỏa sáng khắp sân vườn, mênh mông, là cái cảm xúc: “Đi đâu thì đi, về quê, là vui nhất, là nhận được sự chân tình, thiệt thà; là thấy lòng nhẹ nhàng, thoải mái, tâm hồn bình an”.

Truyện ngắn “Ông Ba Phát và con ngựa Hổng cắn”, câu chuyên đầy xúc cảm nêu bật tình yêu thương giữa người chủ ngựa khi phải lìa xa con vật thân yêu có tên “Hồng cắn”, dù không ít lần nó cắn bậy, phải phiền lụy. Đây là một truyện ngắn buồn và đẹp. Có những đoạn tác giả diễn đạt lung linh như một bức tranh: “Ánh trăng sáng vằng vặc một màu vàng trải xuống từ trên cao, soi rõ ba chiếc xe ngựa lọc cọc chạy trên con đường vắng hoe. Âm thanh “lóc cóc” đều đều vang dội trong đêm nghe đơn điệu và buồn bã…”; “Ông Ba Phát cảm thấy tất cả như lùi lại phía sau, xa dần- vùng đất đỏ, nương rẫy, lẫn nỗi vất vả, nhọc nhằn, mồ hôi và cơm áo. Ông chỉ thấy ánh trăng soi rọi, mát dịu, thấm đẫm trên con đường, trên nương rẫy, ruộng lúa, trong tâm hồn…”. 

Các truyện ngắn còn lại như: “Cơn gió ngược”, “Lụa đào trước gió”, “Tình cờ nghe một câu chuyện”…:  là những nhát cắt ấn tượng mà chúng ta thường gặp trong những khoảnh khắc số phận đời thường. Có khi đó là chuyện một người quẩn quanh trong kiếp người “ăn nhờ, ở đậu”, nhưng sẵn sàng từ chối bằng hai tiếng “cảm ơn”, với sự giúp đỡ của ai đó nhằm tạo nên “cơn gió ngược” của đời mình.  Có khi là niềm hạnh phúc của đôi vợ chồng trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày cưới, trải qua bao nhiêu sóng gió, trắc trở của cuộc đời, họ hiểu rằng tài sản lớn nhất của gia đình họ, đó là tình thương yêu, sự quan tâm lẫn nhau. Có khi, mọi xung đột trong câu chuyện để khẳng định rằng: trên thế gian này, tất cả đều có thể, không gì là không thể, chỉ có điều mình chưa hiểu hết mọi lẽ huyền vi, mầu nhiệm chung quanh đời sống mình.

Được biết, trước khi ra mắt tập truyện “Một đêm ngủ ở quê nhà”, nhà văn Tiểu Nguyệt cũng đang hoàn tất và ấn hành tiểu thuyết “Một Ngày Dài Một Đời Người” (tháng 5-2020), mà theo tác giả tựa đề này: “có thể hiểu rằng- một ngày với bao biến cố, đổi thay, mà những vết thương hằn sâu về sự mất mát, chia ly, còn kéo dài suốt một đời người, có khi cả một thế hệ, không dễ “hàn gắn” như các cơ sở vật chất.  Sự mất mát luôn là nỗi bất hạnh, niềm ray rứt khôn nguôi, mà con người sống trong cuộc chiến phải gánh chịu – cho dù đã hòa bình (ngưng tiếng súng), không còn bom nổ, đạn rơi, nhưng nỗi đau của mỗi thân phận con người vẫn dai dẳng, kéo dài, suốt một đời người, khó mà hàn gắn, lành lặn nhanh chóng được. Tôi ao ước mọi người được sống trong hòa bình, không có chiến tranh, không hận thù, phân biệt, không chết chóc; để con người cùng nhau sống khoan hòa, hạnh phúc”.

TRẦN TRUNG SÁNG