Báo Công An Đà Nẵng

Một đêm nhạc rất thơ...

Thứ tư, 30/08/2017 09:00

Đêm nhạc Khúc hát sông quê của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội vào tối 8-9 tới đây sẽ là những câu chuyện đời, chuyện nghề lần đầu tiên được tiết lộ, sẽ là một đêm nhạc với nhiều cảm xúc dành cho bạn bè, người thân và khán giả hâm mộ ông từ mấy chục năm nay. Cách đây vài hôm, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo về Đà Nẵng chơi và cho biết như vậy. Còn nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, người bạn thân của ông thì cho rằng, việc công bố những ca khúc của Nguyễn Trọng Tạo trong đêm nhạc này không chỉ để thêm một lần nữa khẳng định tác phẩm của mình mà còn là dịp để công chúng có cơ hội hiểu rõ hơn về một Nguyễn Trọng Tạo trong đời sống âm nhạc.

 

Tôi là người có chút duyên vì được quen thân ông từ sớm, thật lòng mà nói đến bây giờ, tôi cứ luôn nghĩ ông trước hết vẫn là một nhà thơ nổi tiếng, ít khi tôi nghĩ ông là nhạc sĩ lừng danh. Mà chính Nguyễn Trọng Tạo cũng chưa một lần xưng danh với ai mình là nhà gì! Chỉ vui là trước hết. Mỗi lần gặp gỡ nhau, ông cứ ngồi nghe bạn bè, các ca sĩ hát những ca khúc của mình. Cách đây vài hôm, khi ngồi uống rượu với bạn bè Đà Nẵng, ông nói vui: "Có người từng hỏi Nguyễn Trọng Tạo là nhà báo, nhà thơ, nhạc sĩ hay họa sĩ. Tôi trả lời, tôi là "Nhà quê". Và, tôi có ý định đặt tên đêm nhạc là "Quê", một chữ thôi. Nhưng nhà tổ chức họ lại thích tên đêm nhạc là "Khúc hát sông quê", bởi bài hát cùng tên đã được nhiều người biết đến". Có phải chính vì nhiều người thuộc ca khúc này, cho nên mỗi lần gặp nhau, anh em không chỉ hát đơn ca mà hứng lên là tất cả hát đồng ca. Những bài hát ấy dường như đã nằm lòng không riêng gì bạn bè ông ở Đà Nẵng mà hầu như trong cùng khắp mọi miền đất nước. Một lần tôi đến thành phố Dallas, Texas, Hoa Kỳ, trong buổi tiệc của bà con Việt kiều, một vài bạn trẻ hát Khúc hát sông quê, Làng quan họ quê tôi đã làm cho cả thính phòng lắng đọng, những giọt nước mắt chơm chớm trên khuôn mặt của người già. Và tôi hiểu, những đứa con đi xa, ai chẳng muốn một lần trở về "úp mặt vào sông quê, nơi có con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn...". Đối với những người xa quê, âm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo như sợi dây se kết, rút ngắn khoảng cách không gian, thời gian như gần hơn với cố hương, mà bất cứ ai cũng có thể nhớ đôi ba câu hát trong những ca khúc của mình về đất nước.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho biết, đêm nhạc này công chúng sẽ được thưởng thức 19 ca khúc viết về quê hương, về tình yêu, được chia làm hai phần: Phần Một, là những sáng tác mang đậm âm hưởng dân gian như: Đôi mắt đò ngang, Làng quan họ quê tôi (thơ Nguyễn Phan Hách), Khúc hát sông quê (thơ Lê Huy Mậu), Trống hội Cổng làng, Tình ca bên một dòng sông, Non nước Cao Bằng, Mẹ tôi... Phần Hai, là những tác phẩm nhạc nhẹ theo phong cách sơ-mi classic, thậm chí có cả rock, trong đó có cả những bài mới như: Vầng mây bất hạnh, Tình khúc bốn mùa, Tình Thu (phỏng thơ Bế Kiến Quốc), Tình Đông và Tình Xuân, Nghe biển ru đêm, Tình Hạ (thơ Nguyễn Thụy Kha)... Bên cạnh những bài hát đằm thắm tươi đẹp, còn có những bài hát mang tâm trạng buồn như Con dế buồn... Và, ông cho biết thêm, trong đêm nhạc duy nhất này, nhà thơ sẽ đọc một số bài thơ được yêu thích trên nền nhạc, như Thiên thầnQuy Nhơn không đề... Tất cả những bài hát thể hiện trong liveshow đều được hòa âm, phối khí mới để đi vào lòng khán giả dễ dàng, ấn tượng hơn.  Đặc biệt, có 2 bài hát của 2 nhạc sĩ nổi tiếng được chắp cánh từ 2 bài thơ của Nguyễn Trọng Tạo, đó là ca khúc Một dại khờ một tôi (nhạc sĩ Phú Quang) và ca khúc Cỏ và mưa (nhạc sĩ Giáng Son). Hai nhạc sĩ này cũng đồng thời là những người bạn thân thiết của ông ngoài đời. Họ sẽ đến với đêm nhạc của Nguyễn Trọng Tạo trong vai trò khách mời. Và, ca sĩ Anh Thơ, một giọng ca nổi tiếng, là gương mặt không thể thiếu với những ca khúc mang âm hưởng dân gian. Bởi Khúc hát sông quê là một trong những bài hát đóng đinh vào tên tuổi của cô trong đời sống âm nhạc. Bên cạnh còn có các ca sĩ nổi tiếng như Trọng Tấn, Phạm Phương Thảo, Lê Anh Dũng, Phương Anh (Sao Mai), Ban nhạc Cỏ lạ, nhóm 5 Dòng Kẻ... cũng có mặt trong đêm nhạc đặc biệt duy nhất này của ông.

Tiếc là tôi chưa có dịp nghe trực tiếp các ca sĩ chuyên nghiệp hát nhạc của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, chỉ thường xuyên nghe nhạc sĩ Đình Thậm ôm đàn say sưa Khúc hát sông quê bên sông Hàn, và ca sĩ Thu Hương hát Làng quan họ quê tôi ngọt ngào bên sông Hoài, Hội An trong đêm trăng phố cổ. Và, có lẽ rất khó quên một lần duy nhất tôi đã nghe nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo hát những ca khúc của mình trong căn nhà sàn ở bãi giữa sông Hồng cùng các văn nghệ sĩ đến đây đàm đạo văn chương... Có thể nói, bên cạnh sáng tác thơ, văn thì những sáng tác trong lĩnh vực âm nhạc, bằng tất cả tình yêu nghệ thuật, Nguyễn Trọng Tạo đã đóng góp cho nền âm nhạc những nét rất riêng của mình. Ông là một nghệ sĩ đích thực, luôn hết lòng dâng hiến cho nghệ thuật, luôn làm mới mình. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo dường như không một phút giây ngừng nghỉ, thơ ông luôn cách tân, hiện đại, mở rộng tầm nhìn từ thi pháp đến thi ảnh, xa rộng hơn là những vấn đề thuộc về nhân sinh, xã hội đều ký thác trong tác phẩm của mình. Cả trong âm nhạc cũng vậy, nhất là phổ thơ. Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cho rằng, khi phổ thơ, cần chú trọng đến khúc thức bản nhạc, vì âm nhạc là một tác phẩm độc lập, không phụ thuộc vào lời thơ. Nhiều nhạc sĩ "chạy" theo thơ, đánh mất tính độc lập, cuối cùng chỉ làm ra một tác phẩm "hát thơ" mà thôi.

Trong những ngày chuẩn bị cho liveshow này, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nói nhiều về âm nhạc, ông đang chăm chút cho Khúc hát sông quê. So với thơ, gia tài âm nhạc của ông không đồ sộ bằng, nhưng độ phủ sóng trong công chúng thì chẳng kém cạnh gì. Đêm thơ nhạc này là cuộc chơi của riêng ông, nhưng đó là sự tri ân, hỗ trợ của những người bạn chí cốt của ông, những người yêu quý Nguyễn Trọng Tạo không chỉ ở con người lãng tử, đa tài, ham vui, đầy tình nghĩa với bạn bè, mà còn ở tài năng và tinh thần lao động nghệ thuật không mệt mỏi của ông.

Nguyễn Ngọc Hạnh

  Tác giả và nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo (trái).