Một góc nhìn về thơ Đà Nẵng sau 1975
Vườn thơ nở rộ
(Cadn.com.vn) - Sau năm 1975, nhất là từ thời kỳ đổi mới đến nay, thơ ca cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng đều "trăm hoa đua nở", " trăm nhà khởi sắc", phát triển rầm rộ về số lượng tác phẩm, tác giả. Ở Hội Nhà văn Đà Nẵng, các câu lạc bộ văn học thì hội viên thơ chiếm hơn hai phần ba. Cứ nhìn vào số lượng xuất bản, chỉ tính ở Đà Nẵng, ngoài Nhà xuất bản Đà Nẵng, các cơ quan đại diện, chi nhánh nhà xuất bản trung ương thì số lượng tác phẩm của nhà thơ chuyên nghiệp, nhất là không chuyên in thơ lên đến con số hơn một trăm đầu sách trong một năm. Ngoài những nhà thơ là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà Văn thành phố được xem xét hỗ trợ chút kinh phí, còn lại các tác giả nghiệp dư phải tự bỏ tiền túi in thơ.
Có người làm thơ tự do là tướng lĩnh quân đội như Thiếu tướng Trần Minh Hùng, có người là chức sắc tôn giáo, như các đại đức Thích Thông Bác, Thích Đức Trí, Thích Đức Vân (Miên Long), có người là giáo viên như thầy, cô Trần Hoan Trinh (Trần Đại Tăng), Trần Nguyệt Phượng, Trương Như Thanh... Đặc biệt có người bị bệnh tâm thần phân liệt, viết thơ rõ chất thiền như Phạm Phú Hải, có bệnh nhân ung thư như Bùi Mỹ Hồng viết tập thơ Thủy tinh mu được giải thưởng thơ hay Tạp chí Non Nước. Nhiều vị hưu trí trong và ngoài quân đội, công an sốt sắng in thơ như Trương Quang Sinh, Trần Xuân Thành, Phạm Hồng Sương, Võ Cảnh, Nguyễn Cứ. Nhiều tác giả sáng tác thơ đều đặn được công chúng đánh giá có giọng điệu, sắc thái riêng nhưng chưa có điều kiện xuất bản như Ngô Thục Trang, Nguyễn Đức Nam, Lê Nguyên Vỹ, Phạm Ngọc Lư, Nguyễn Đốc, Trần Thiên Thị, Huỳnh Lê Nhật Tấn, Đoàn Minh Châu...
Hội Nhà văn Đà Nẵng trong những năm gần đây cũng cố gắng độc lập, hoặc phối hợp với Sở VH-TT&DL Đà Nẵng tổ chức các cuộc thi thơ, tuyển thơ cũng đã thu hút nhiều tác giả thơ trong và ngoài TP tham gia. Các văn phòng, chi nhánh, đại diện các nhà xuất bản trung ương, TP cũng nỗ lực tổ chức bản thảo, biên tập, làm thủ tục cấp giấy phép xuất bản, giới thiệu quảng bá tác phẩm, đã góp phần cho bộ mặt thơ ca Đà Nẵng ngày càng hùng hậu, đông đảo.
Ngày Thơ tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng. |
Để mùa sau bơi ra sông lớn
Việc thơ ra ào ạt khiến ta vừa mừng vừa lo? Mừng là có nhiều người làm thơ, in thơ khiến cuộc đời vui vẻ, bởi thơ đánh thức tâm hồn thánh thiện yêu đời, yêu người, yêu thiên nhiên. Còn lo, thơ bị cái gọi là "xã hội hóa", "công nghiệp hóa" dễ dàng hóa, bình thường hóa. Có người sau khi in xong một tập thơ, tổ chức phát hành rộng rãi, bỗng chốc hàng xóm, bạn bè tôn xưng lên "nhà" thơ, nghe cũng oai, cũng oách. Có người in xong tập thơ thì vợ dở cười dở khóc bởi tiền chiêu đãi bia, cà-phê thuốc lá của nhà-thơ-chồng tốn gấp đôi, gấp ba tiền in thơ. Sau khi in thơ, có người thấy sống vui, sống khỏe, sống có ích với vợ con, bạn bè; cũng có người bị bệnh ảo tưởng, nói năng, đi đứng đều bị thơ "ám" ảnh, bị thơ hóa suốt ngày, người cứ lơ mơ, bay bổng như đi trên mây...
Cùng với cả nước, bộ mặt thơ ca Đà Nẵng bừng bừng khởi sắc, các nhà thơ đàn anh đi trước như Đông Trình, Lưu Trùng Dương, Thanh Quế, Ngân Vịnh, Đỗ Văn Đông... vẫn không ngừng sáng tạo. Các nhà thơ lớp sau tiếp bước như Nguyễn Minh Hùng, Nguyễn Nhã Tiên, Bùi Xuân, Nguyễn Kim Huy, Lê Anh Dũng, Nguyễn Nho Khiêm, H.Man, Mai Hữu Phước, Võ Thị Kim Ngân, Phan Hoàng Phương, Trần Tuấn... Các nhà thơ cao niên nhưng hồn thơ và sức sáng tác vẫn nồng nàn, tràn trề như Trương Đình Đăng, Phan Minh Mẫn, Phạm Phát, Phụng Lam, Nguyễn Quân, Trần Gia Thái, Nguyễn Hoàng Sa... vẫn thường xuất hiện thơ trên các báo, tạp chí. Lớp sau tí nữa có giọng điệu như Nguyễn Hữu Hồng Minh, Nguyễn Thị Anh Đào, Đỗ Thị Quỳnh Như... vẫn dồn hết tâm lực say sưa sáng tác. Ở Đà Nẵng, trại sáng tác thơ cho lứa tuổi thiếu nhi học đường được Hội Nhà văn và Sở GD-ĐT TP quan tâm, nhưng phần sáng tác thơ trẻ, ít được chú trọng. Nhiều tác giả trẻ, có thơ nhưng không có người phát hiện, động viên tổ chức bản thảo, biên tập, hỗ trợ tiền in ấn nên chưa xuất bản được. Theo điều lệ hội thì tác giả chí ít có một tập thơ được xuất bản được dư luận và báo chí đánh giá cao là có thể được xét kết nạp hội viên Hội Nhà Văn TP, nhưng nhiều tác giả trẻ chưa có tiền in sách, Hội Nhà Văn không thể hỗ trợ kinh phí thì khó có tác phẩm, tác giả trẻ như mong ước.
Với những hạn chế như trên, thơ Đà Nẵng, cũng như nhiều vùng đất khác trong cả nước vẫn không thoát khỏi tình trạng ở trong ao làng, suối, sông, chưa ra biển lớn. Ngoài các tập trường ca của Thanh Quế, Ngân Vịnh, Lê Anh Dũng, Đỗ Xuân Đồng... theo sát, rõ đề tài chiến tranh cách mạng, lực lượng vũ trang, còn phần nhiều các nhà thơ, người làm thơ Đà Nẵng ít đi sâu một đề tài, chủ đề rõ rệt. Thơ muốn phát triển phải mang hơi thở thời đại. Muốn giao lưu thơ với khu vực và thế giới mà không rành ngoại ngữ, không có tác phẩm xuất bản bằng hai thứ tiếng, thì rất hạn chế và khó thực hiện. Ở Đà Nẵng, ngoài một vài nhà thơ hội viên trung ương được Hà Nội ưu ái tuyển in vài thứ tiếng xuất bản ra các nước, ngoài một số nhà thơ thuộc Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng được đi tham quan, giao lưu với các Hội Nhà văn Mỹ, Lào, hội thảo nhà văn Đông Dương mở rộng mới đây tại Đà Nẵng, hiện có rất ít tác phẩm mở rộng người đọc, diện đọc ra nước ngoài, viết bằng song ngữ Việt- Anh như Sắc màu của gió của Hoàng Sơn Trà, Phiên khúc sang mùa của Mai Hữu Phước. Rất ít tác giả, tác phẩm đổi mới cách viết, có cách viết lạ mở rộng các khuynh hướng, các tìm tòi, các thể nghiệm cũng như mở rộng các khuynh hướng tiếp nhận và đánh giá của người đọc như nhà thơ Trần Tuấn với Ma thuật ngón, "thi sĩ thiền sư" Phạm Phú Hải với Một hôm núi khóc, cả hai đều đoạt giải thơ Bách Việt năm 2008, 2009.
Nhìn chung những nhà thơ Đà Nẵng sáng tác thơ chưa ngang tầm với thành phố loại 1, trực thuộc trung ương, chưa đáp ứng yêu cầu của đời sống. Có nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố quan trọng như: nhà thơ chưa được cơ quan chủ quản đầu tư là Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật, Hội Nhà văn quan tâm đúng mức (kể cả bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ, hỗ trợ in ấn), vì kinh phí có hạn, nên chưa tổ chức, hoặc hạn chế việc nhà thơ đi dự trại sáng tác, chưa được đi thực tế ở cơ sở, giao lưu, học tập lẫn nhau với các địa phương. Một yếu tố không kém phần quan trọng là nhà thơ, người làm thơ chưa vượt được chính mình. Bản thân nhà thơ, phần nhiều mặt bằng văn hóa nền còn thấp, chưa đọc, chưa học, chưa đi lại, giao lưu, tiếp xúc trao đổi học hỏi ở nhà thơ các nước, những nhà văn hóa lớn, nhà văn lớn trong nước. Mặt khác "cơm áo không đùa với khách thơ", nhà thơ phần lớn nghèo, đầu tư ấp ủ, thai nghén, đi thực tế sáng tác, đẻ ra đứa con tinh thần nhưng chủ yếu đem tặng, chưa có điều kiện giới thiệu, quảng bá rao bán tác phẩm để lấy lại vốn, hoặc "tái sản xuất". Do cơ chế thị trường, việc cấp giấy phép xuất bản thơ có nơi quá dễ dãi qua con đường liên kết. Thơ ngày càng bị lạm phát. Thơ hay rất hiếm, thơ khá rất ít, thơ trung bình, làng nhàng thì nhiều. Qua thực tế của các nhà xuất bản ở Đà Nẵng hẳn thấy, rất ít tác phẩm hay đọng lại trong lòng công chúng.
Với quy mô Hội thảo "Thơ Đà Nẵng sau năm 1975-diện mạo và xu hướng phát triển" sẽ tổ chức ngày 25-8 không lớn, thành phần, số lượng tham dự không đông, chủ yếu là Đà Nẵng, Quảng Nam, một vài đại biểu ở Huế, nhưng đây là hội thảo mang tính chất khơi mào, tiền trạm, diễn tập để những mùa sau, thơ Đà Nẵng sẽ bơi ra sông lớn, biển rộng, tìm ra diện mạo và xu hướng đích thực cho sự phát triển.
Lê Anh Dũng