Báo Công An Đà Nẵng

Một kiểu lập luận ngụy biện về Hội đồng Hiến pháp

Thứ sáu, 11/10/2013 13:28

(Cadn.com.vn) - Trong chương trình Quốc hội (QH) với cử tri, phát sóng lúc 20 giờ ngày 7-10-2013 của Đài Truyền hình Việt Nam, ông Đặng Minh Tuấn - giảng viên khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã phát biểu: "Một số người cho rằng việc thành lập Hội đồng Hiến pháp chỉ tồn tại, phù hợp với thể chế đa đảng và thể chế phân quyền, trong khi đó ở Việt Nam chúng ta là thể chế một đảng, không công nhận phân quyền thì sao? Thì phải khẳng định là thực chất sự tồn tại của thể chế bảo hiến không liên quan đến đảng phái mà nó liên quan đến việc thực thi nguyên tắc Nhà nước pháp quyền, nguyên tắc phân công, nguyên tắc kiểm soát quyền lực, nguyên tắc bảo đảm các quyền công dân, quyền con người!".

Chúng tôi không đồng tình với quan điểm trên của ông Đặng Minh Tuấn, bởi lẽ, mỗi hình thái KT-XH tương ứng với chế độ kinh tế của nó, có một kiểu nhà nước, hiến pháp, pháp luật nhất định. Theo đó, Nhà nước pháp quyền XHCN có Hiến pháp, pháp luật XHCN và đương nhiên thể chế bảo hiến cũng phải mang tính chất XHCN chứ không thể nói như ông Đặng Minh Tuấn "không liên quan đến đảng phái"!. Ở nước CHXHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản lãnh đạo Nhà nước và xã hội, cho nên việc xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN nói chung, xây dựng và hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp nói riêng, cũng phải đảm bảo được thực hiện theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng.

Trong thực tiễn, những quy định của Hiến pháp, pháp luật hiện hành đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ cho cơ chế bảo vệ Hiến pháp ở nước ta. Các quy định này đã giao nhiệm vụ, quyền hạn cho QH, UBTVQH, các ủy ban, Hội đồng dân tộc của QH, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp, MTTQVN và các đoàn thể, nhân dân trong việc bảo vệ Hiến pháp từ việc soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đến việc tổ chức thi hành theo trình tự, thủ tục hết sức chặt chẽ. Trong quá trình kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thi hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan chức năng đã kịp thời phát hiện, loại bỏ nhiều quy định có dấu hiệu hoặc vi phạm pháp luật.

Nếu còn tồn tại quy định trong văn bản quy phạm pháp luật có dấu hiệu hoặc vi phạm pháp luật mà chưa được loại bỏ, thì đây thuộc về trách nhiệm của các cơ quan có trách nhiệm thi hành các quy định của Hiến pháp và pháp luật về bảo vệ Hiến pháp và giải pháp là các cơ quan này phải tổ chức thực hiện có trách nhiệm hơn, hiệu quả hơn, chứ không phải là thành lập Hội đồng Hiến pháp. Vì vậy, chúng tôi không đồng tình với quan điểm của ông Đặng Minh Tuấn "sự ra đời của Hội đồng Hiến pháp là sự khắc phục những hạn chế rất lớn của cơ chế bảo hiến hiện hành"(!?).

Mặt khác, chúng tôi cũng không đồng tình với quan điểm của ông Đặng Minh Tuấn "Hiện nay, trong kỳ họp QH vừa rồi có luồng quan điểm của đại biểu QH về vấn đề này. Một luồng quan điểm ủng hộ và một quan điểm là không ủng hộ thành lập Hội đồng Hiến pháp. Thì cần phải làm rõ, việc các đại biểu không ủng hộ thành lập Hội đồng Hiến pháp bởi vì Hội đồng Hiến pháp trong Dự thảo có vị trí, vai trò rất hạn chế. Điều đó, muốn nói rằng các đại biểu không ủng hộ ở đây không phải không ủng hộ chủ trương không thành lập Hội đồng Hiến pháp mà bởi vì vị trí, vai trò của Hội đồng Hiến pháp nó quá hạn chế"(!?).

Về việc này, xin trao đổi với ông Đặng Minh Tuấn là ông đã nhầm lẫn, phần lớn các đại biểu QH và ý kiến nhân dân đều không đồng tình với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp, bởi lẽ nó hoàn toàn không phù hợp và không cần thiết với thể chế chính trị ở Việt Nam. Việc hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp hiện hành không đồng nghĩa với việc thành lập Hội đồng Hiến pháp theo suy nghĩ của ông, vì về cơ bản, việc bảo vệ Hiến pháp ở nước ta trong thời gian qua đã được thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc.

Phan Ngôn