Báo Công An Đà Nẵng

Một mũi tên trúng nhiều đích

Thứ bảy, 01/03/2014 10:22

(Cadn.com.vn) - Hàn Quốc đang dự định sẽ đề xuất với Triều Tiên tổ chức thường xuyên các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán. Động thái này được đưa ra sau khi chương trình đoàn tụ gia đình bị ly tán lần thứ 19 kết thúc thành công hôm 26-2, tạo hứng khởi cho một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai miền.

Rõ ràng, sau nhiều thập kỷ chia cắt do chiến tranh, vấn đề đoàn tụ gia đình là cực kỳ quan trọng đối với những con người không may bị ly tán. 20-2 vừa qua trở thành ngày đáng nhớ đối với hai miền Triều Tiên.

Đó là khởi đầu của một sự kiện kéo dài 5 ngày, ở đó các thành viên của gia đình bị chiến tranh chia cắt ở cả Bắc và Nam Triều Tiên tập trung tại khu Geumgang để được gặp nhau sau nhiều thập kỷ khao khát. Đây cũng là lần đầu tiên sau nhiều năm gián đoạn, chương trình đoàn tụ mới được tổ chức trở lại, để từ đó tạo đà cho những cuộc gặp mặt thường xuyên và nhiều hơn nữa trong tương lai.

Sự kiện lịch sử này là sản phẩm của những nỗ lực chính trị không mệt mỏi giữa hai bên. Mọi việc được bắt đầu khi lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un nói về tầm quan trọng của việc cải thiện quan hệ liên Triều trong Thông điệp Năm mới của mình, báo hiệu một mối quan hệ tốt đẹp hơn giữa hai nước.

Bình Nhưỡng đã thực hiện “tuyên ngôn” của mình vào ngày 24-1, khi đề xuất cuộc hội ngộ các gia đình bị chia xa do chiến tranh. Mọi việc diễn ra suôn sẻ sau đó mặc dù đường đến Geumgang cũng có chút gập ghềnh.

Những tác động chiến lược đằng sau động thái tích cực của Triều Tiên là gì? Bình Nhưỡng có truyền thống sử dụng các cuộc đoàn tụ như một  chiến lược “kim bài miễn tử” của mình. Gần đây nhất là tháng 9-2013, khi chính quyền ông Kim Jong-Un đột ngột hủy bỏ kế hoạch hội ngộ, trong nỗ lực để chiếm thế thượng phong trong đàm phán để mở lại các chương trình du lịch đến núi Geumgang. Nhưng nỗ lực này cuối cùng thất bại.

Vì thế, có thể thấy, cuộc đoàn tụ vừa qua trùng hợp với những nỗ lực của ông Kim Jong-Un trong việc khắc phục tình trạng kinh tế xuống dốc của đất nước. Bởi lẽ, trong 2 năm cầm quyền đầu tiên, ông Kim Jong-Un đã thúc đẩy củng cố cơ cấu quyền lực chính trị, việc giải quyết tình hình kinh tế sẽ trở thành vấn đề ưu tiên trong năm thứ ba này.

Như vậy, việc thu hút đầu tư nước ngoài là quan trọng. Ngoài trọng điểm về kinh tế, Triều Tiên cũng có thể tìm kiếm mối gần gũi hơn với Mỹ với hy vọng tham gia vào cuộc đối thoại trực tiếp với nền kinh tế số 1 thế giới này.

Động thái bất ngờ của Bình Nhưỡng vẫn còn đẩy người ta đến nhiều câu hỏi khác, nhưng trước mắt sự tái hợp mới nhất giữa hai quốc gia trên bán đảo Triều Tiên sẽ giúp khu vực ổn định hơn mặc dù không có gì đảm bảo rằng, Bình Nhưỡng sẽ không “làm gì” sau này. Cảnh báo mới nhất là việc Triều Tiên bắn thử 4 quả tên lửa tầm ngắn hôm 27-2, khiến Hàn Quốc cáo buộc, đây là “hành động khiêu khích có chủ đích”.

Thanh Văn