Báo Công An Đà Nẵng

Một năm cầm quyền “giông bão” của Tổng thống Trump

Thứ bảy, 20/01/2018 10:12

Hôm nay (20-1) chính thức đánh dấu 1 năm lên nắm quyền của ông Donald Trump – vị tổng thống thứ 45 của nước Mỹ. Còn nhớ, trong diễn văn nhậm chức, Tổng thống Trump tuyên bố: “Từ hôm nay, sẽ chỉ có ưu tiên cao nhất là nước Mỹ, nước Mỹ là trên hết”. Và chính sách đó thật sự đã theo ông trong suốt 1 năm cầm quyền, một năm được đánh giá không chỉ làm thay đổi nước Mỹ mà cả thế giới bằng nhiều quyết sách bất ngờ và gây tranh cãi.

Tổng thống Trump tuyên thệ nhậm chức hôm 20-1-2017.     Ảnh: AP

Tin không vui cho Tổng thống Donald Trump trong ngày đặc biệt này. Một năm sau khi tuyên thệ nhậm chức, tỷ lệ ủng hộ ông vẫn tiếp tục ở mức thấp nhất trong lịch sử, mặc dù vị tỷ phú này đã có công thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế nước nhà. Ông Trump rõ ràng ít nhất cũng có một chút tín nhiệm đối với nền kinh tế, nhưng hầu hết người Mỹ không cảm thấy được hưởng lợi từ các chính sách của nhà lãnh đạo này - chỉ 22% nghĩ rằng, cuộc sống họ tốt hơn dưới thời chính quyền Tổng thống Trump.

Vị tổng thống luôn đảo lộn

Tổng thống Trump đã cơ cấu lại các mối quan hệ của Mỹ, tăng cường sợi dây kết nối với các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh, xa lánh các đồng minh Châu Âu và tránh một số cuộc thảo luận gay gắt về Trung Quốc và Nga.

Hồi tháng 5, chiếc Air Force One chở Tổng thống Trump bay qua Saudi Arabia và Jordan trước khi vào không phận của Israel, thực hiện cuộc hành trình ngắn nhưng mang đậm tính lịch sử từ Riyadh đến Tel Aviv. Chuyến đi này gây chú ý không phải nó đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Trump mà bởi vì đó còn là chuyến bay trực tiếp đầu tiên giữa Saudi Arabia và Israel. Chính nó là biểu tượng mạnh mẽ cho thế giới rằng, ông Trump đã có những ý tưởng riêng của mình về những người bạn và kẻ thù của Mỹ.

Thông thường, các tổng thống Mỹ công du đến Mexico và Canada đầu tiên sau khi lên nhậm chức. Và gần như tất cả người tiền nhiệm của ông Trump đều đã lựa chọn làm như vậy. Ngược lại, ông Trump đã gây xích mích với hai quốc gia này, liên tục đe dọa rút khỏi Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) – vốn là thỏa thuận thương mại quan trọng giữa Mỹ-Canada và Mexico. Thậm chí, hồi tuần trước, ông Trump đã nói với tờ WSJ rằng sẽ sử dụng các cuộc đàm phán về NAFTA để có tiền chi trả cho bức tường gây tranh cãi trên biên giới Mỹ - Mexico.

Trong nỗ lực để sửa lại những gì ông coi là lỗi của chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump tái tổ chức lại các mối quan hệ Mỹ, tăng cường sợi dây kết nối với các nhà lãnh đạo Vùng Vịnh, xa lánh các đồng minh Châu Âu và tránh một số thảo luận gay gắt về Trung Quốc và Nga. Trong một năm qua, mối quan hệ giữa Tổng thống Trump với Trung Quốc đã phản ánh chính sách đảo ngược, điều đã khái quát hóa năm đầu tiên cầm quyền và gây xói mòn các mục tiêu chính của chính quyền đương nhiệm.

Ông Trump trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên đến Saudi Arabia.   Ảnh: THX

... và đầy mâu thuẫn

Ông Trump khiến cho các nhà ngoại giao khắp thế giới loay hoay tìm hiểu chính xác tầm nhìn “Nước Mỹ trên hết” khi ra ngoài thế giới. Tuần trước, các nhà ngoại giao Mỹ đã phải bảo vệ ông chủ Nhà Trắng sau khi ông bị chỉ trích vì đề cập đến Haiti và các nước Châu Phi là “các quốc gia nghèo nàn khốn khổ”.

Ông Trump còn mạnh miệng cho rằng, những gì ông nói là những sai lầm của ông Obama trong hầu hết các chính sách đối ngoại lớn - từ việc rút khỏi Hiệp ước khí hậu Paris, thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và gần đây, đe dọa sẽ rời khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran trừ khi các nước Châu Âu đồng ý giải quyết các mối quan ngại không được đề cập trong thỏa thuận ban đầu.

Kể từ khi nhậm chức, ông Trump đã kết nối chặt chẽ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah Al-Sisi và Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Đây là những nhân vật đều có những mối quan hệ đặc biệt lạnh giá với ông Obama.  Ông cũng rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – một thỏa thuận thương mại mà ông Obama cày công chắt chiu và ngăn cản việc cựu tổng thống mở cửa cho Cuba. Nhà Trắng cho biết, ông Trump rất thích chính sách “cây gậy và củ cà rốt” trong các mối quan hệ với các nước nhưng ông đặc biệt kiềm chế không chỉ trích Tổng thống Nga Vladimir Putin và “chào hàng” mối quan hệ với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Trong bài phỏng vấn với tờ WSJ, ông chủ Nhà Trắng thậm chí còn nói “có mối quan hệ tốt đẹp” với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un dù trước đó liên tục chỉ trích nhà lãnh đạo này.

Tổng thống Trump hồi tuần trước đã phải hủy chuyến thăm theo kế hoạch đến Anh, đồng minh thân cận nhất trong lịch sử Mỹ, do lo ngại về những phản ứng biểu tình. Hồi tháng 1-2017, Thủ tướng Anh Theresa May mời ông Trump đến thăm nước này khi bà trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới đến thăm ông chủ Nhà Trắng. Tuy nhiên, các nghị sĩ Anh đã nhiều lần kêu gọi bà May rút lại đề nghị ông Trump có chuyến thăm cấp nhà nước tới Anh sau khi ông chủ Nhà Trắng ký sắc lệnh hạn chế nhập cảnh Mỹ đối với công dân 7 quốc gia Hồi giáo.

Ông Trump chủ yếu tập trung nhắm vào những người ca tụng ông, động thái tâm lý khiến một số nhà lãnh đạo ở Trung Đông bạo dạn hơn. Một số nhà ngoại giao cho rằng, Hoàng thái tử Mohammed Bin Salman có thể nắm bắt được sở thích của ông Trump đối với Saudi Arabia để thúc đẩy lợi ích của Riyadah. “Ông Trump đã tìm thấy bạn bè, nhưng ông ấy rõ ràng chỉ xem đó là một hợp đồng cùng có lợi chứ không phải là một liên minh”, một chuyên gia nhận định.

Nhưng giữ đúng lời hứa

Tổng thống Trump khép lại năm cầm quyền đầu tiên bằng chiến thắng vang dội: dự luật cắt giảm thuế trị giá 1.500 tỷ USD của ông đã được Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, chiến thắng này không phải là lời hứa đầu tiên được trở thành hiện thực của ông Trump.

Tổng thống Trump thường khẳng định, ông đã làm được rất nhiều trong năm đầu tiên nắm quyền hơn bất kỳ vị tổng thống nào khác. Nhiều người cười khẩy! Nhưng, đó thật sự cũng không phải chỉ là lời nói suông. Trong 1 năm qua, ông Trump đã theo đuổi hàng chục lời hứa mà ông đã đưa ra trong suốt chiến dịch tranh cử, xem lại hệ thống thuế của nước này, thay đổi vị thế của Mỹ ở nước ngoài (dù được cho là đi theo hướng tiêu cực) và xem xét lại cuộc sống của hàng trăm ngàn người nhập cư. Đó là lý do chỉ chưa đến một tuần sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump ký sắc lệnh hành pháp để từng bước trục xuất hơn 2 triệu người nhập cư bất hợp pháp.

“Quyết định Jerusalem” của ông Trump, dù trên thực tế gây tranh cãi nhưng nó nằm trong những lời hứa mạnh mẽ nhất của ông chủ Nhà Trắng khi lên nhậm chức. Việc đàm phán lại NAFTA, rút khỏi TPP hay cả việc rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris, dù tất cả đều khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích, nhưng cũng là cách giúp ông Trump thực hiện đúng cam kết với cử tri. Trên thực tế, có những điều ông Trump không cam kết nhưng vẫn làm và làm rất tốt như việc đánh bại nhóm khủng bố IS ở Trung Đông. Nhưng ông đang gặp rắc rối về lập pháp - từ những người Cộng hòa - đó là lý do tại sao luật đạo luật sức khỏe Obamacare vẫn tồn tại bất chấp nỗ lực bãi bỏ nó của ông Trump.

Điều gì chờ đợi?

Một câu hỏi lớn đặt ra khi ông Trump nhậm chức là liệu chiếc ghế tổng thống sẽ thay đổi con người ông hay chính ông sẽ làm thay đổi chiếc ghế tổng thống.

Giờ đây, rõ ràng, trách nhiệm và quyền lực của chiếc ghế này đã không thể thay đổi ông Trump. Cách tiếp cận tự do, bốc đồng theo kiểu không giống ai của ông như một chất xúc tác khiến những người yêu quý nhà lãnh đạo này càng ủng hộ ông mạnh mẽ hơn sau 1 năm cầm quyền. Nhưng đó cũng là lý do tại sao phần lớn các quốc gia lo ngại và tại sao những người tiền nhiệm trong câu lạc bộ Tổng thống Mỹ vẫn luôn bác bỏ vị tỷ phú làm chính trị này. Tất nhiên, ông Trump vẫn không dè dặt, không kiềm chế và không bao giờ thay đổi dù giờ đây đã dần ít ồn ào hơn. Đó là lý do tại sao năm cầm quyền thứ hai của Tổng thống Trump có vẻ sẽ vẫn đầy “giông bão”.

KHẢ ANH