Báo Công An Đà Nẵng

Một ngày, 3 cuộc làm việc của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Thừa Thiên-Huế

Chủ nhật, 26/03/2023 09:12

Thế hệ trẻ cần phải "dám nghĩ, dám làm, dám khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo"

Mở đầu ngày làm việc đầu tiên, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự lễ Khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Thừa Thiên -Huế phối hợp tổ chức.

Phát biểu tại lễ khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ vui mừng khi chứng kiến những gương mặt trẻ, sáng ngời tràn đầy, khí thế, khát vọng của học sinh, sinh viên; tin tưởng khát vọng sẽ là động lực, là hoài bão thôi thúc học sinh, sinh viên tiến lên, chinh phục ước mơ, hướng tới những điều tốt đẹp cho bản thân và xã hội, là ngọn đèn soi sáng trên con đường khởi nghiệp, lập thân, lập nghiệp dù còn nhiều chông gai.

Theo Thủ tướng, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo là một động lực, nguồn lực quan trọng trong phát triển của mỗi quốc gia, đặc biệt trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Những năm qua, Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, đã ban hành và triển khai hiệu quả nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Phong trào khởi nghiệp đã lan tỏa rộng khắp từ thành phố đến nông thôn và đến tận các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tinh thần doanh nhân, khát vọng khởi nghiệp bắt đầu khởi sắc ở hầu hết các tầng lớp, thế hệ người dân, nhất là trong giới trẻ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương nhấn nút chính thức khai mạc Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên lần thứ V.

Thủ tướng đánh giá, bên cạnh những kết quả đã đạt được, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng, vẫn còn khoảng cách so với một số nước trong khu vực và thế giới. Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đối với thanh niên vẫn còn nhiều khó khăn, rào cản. Nhiều thanh niên có ý tưởng tốt nhưng chưa thể biến thành hiện thực; nhiều sản phẩm chưa được thương mại hóa.

Theo Thủ tướng, để đạt được các mục tiêu này, để hoạt động khởi nghiệp có sự đột phá, thực sự trở thành phong trào rộng khắp trên tất cả các lĩnh vực, ở tất cả các địa phương thì cần phải có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự đồng lòng, hỗ trợ của người dân, doanh nghiệp, nhưng quan trọng nhất chính là tinh thần quyết tâm, khát vọng của thanh niên Việt Nam.

"Để thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo phải có 5 yếu tố: Hành lang pháp lý thông thoáng; có sự hỗ trợ về cơ sở vật chất, tiền vốn; có môi trường thuận lợi; có định hướng rõ nét, các trọng tâm, trọng điểm, với các ngành, lĩnh vực có thế mạnh và giá trị cao; thương mại hóa để mang lại hiệu quả cao nhất các sản phẩm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo", Thủ tướng nhấn mạnh.

Biến niềm tự hào về di sản văn hóa thành nguồn lực phát triển

Trong chiều 25-3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác đã àm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và giải quyết các đề xuất, kiến nghị để tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Báo cáo với thủ tướng về tình hình kinh tế xã hội, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho biết, Năm 2022, tỉnh đạt và vượt 14/14 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu. GRDP tăng 8,56%; GRDP bình quân đầu người tăng 10% so với năm 2021. Thu ngân sách nhà nước đạt trên 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12%. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch tích cực; sản lượng thủy sản tăng 2,3%. Công nghiệp tăng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5%. Dịch vụ, du lịch phục hồi tốt; tổng mức bán lẻ hàng hóa tăng 20,4%; lượng khách du lịch tăng gần 3 lần cùng kỳ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên- Huế

Về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thừa Thiên- Huế đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 9 - 10% trong năm 2023 và 6 chương trình trọng điểm gồm Chương trình phát triển đô thị (bao gồm Chương trình di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế); Chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; Chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; Chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; Chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Phát biểu tại cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cơ bản nhất trí với các ý kiến; ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao nỗ lực và kết quả đạt được của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thừa Thiên- Huế, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế của Thừa Thiên- Huế như: kết quả phát triển kinh tế - xã hội chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chất lượng tăng trưởng chưa bền vững. Quy mô kinh tế còn nhỏ (xếp thứ 43/63); GRDP bình quân đầu người năm 2022 là 2.405 USD, thấp hơn nhiều bình quân chung cả nước là 4.110 USD...

Thủ tướng và các đại biểu cũng dành nhiều thời gian phân tích về các tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh. "Thừa Thiên Huế nói chung và cố đô Huế nói riêng là mảnh đất địa linh nhân kiệt, có vị trí đặc biệt, rất đặc sắc về con người và truyền thống văn hóa, lịch sử. Chúng ta tự hào về Huế và phải biến niềm tự hào này thành nguồn lực, kế thừa và phát huy thành quả, di sản mà cha ông để lại để Thừa Thiên -Huế phát triển nhanh và bền vững hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về kinh tế biển, du lịch văn hóa lịch sử - sinh thái, tỉnh phải chú trọng phát triển hài hòa kinh tế - văn hóa - xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần.

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm đi đôi với phân bổ nguồn lực phù hợp, nâng cao năng lực thực thi của cấp dưới và tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực; có biện pháp kiểm tra, giám sát hiệu quả việc triển khai của từng cấp.

Chú trọng công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, thống nhất, liêm chính, dân chủ, hành động, hiệu quả, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, trong sạch, tận tụy, vì nhân dân phục vụ.

Kiểm tra tiến độ cầu vượt của biển Thuận An; thăm khu tái định cư Hương Sơ và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế

Cũng trong chiều ngày 25-3, trong chương trình làm việc tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu vượt cửa biển Thuận An; thăm khu tái định cư Hương Sơ và Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế.

Đến thăm khu tái định cư Hương Sơ (thuộc dự án di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I Kinh thành Huế). Dự án được triển khai giai đoạn 1 từ năm 2019 đến 2022 với tổng kinh phí giải phóng mặt bằng 2.005 tỷ đồng, bố trí tái định cư 5.080 hộ. Tuy nhiên, đến nay việc di dời dân cư giải phóng mặt bằng khu vực I di tích kinh thành Huế đang chậm do nhiều người dân chưa đồng thuận), Thủ tướng biểu dương người dân đã thực hiện tốt việc di dời, phục vụ giữ gìn và phát huy Di sản thế giới cố đô Huế; đề nghị bà con vận động những hộ dân còn chưa di dời ủng hộ chủ trương của Nhà nước, di dời, vì lợi ích chung của quốc gia, dân tộc.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng các khu, điểm tái định cư có hạ tầng đồng bộ, gồm điện, đường, cấp thoát nước, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hoá… để đón người dân tái định cư đến ở. Cùng với đó, tạo sinh kế để đảm bảo người dân có cuộc sống và nơi ở mới bằng hoặc hơn nơi ở cũ; tiếp tục nghiên cứu, giải quyết các vướng mắc, kiến nghị chính đáng của người dân trên tinh thần lợi ích hài hòa.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra một dự án trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên -Huế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đi kiểm tra tiến độ xây dựng cầu qua cửa biển Thuận An và dự án tuyến đường bộ ven biển qua tỉnh. Thăm, động viên đội ngũ cán bộ, công nhân trên công trường, Thủ tướng yêu cầu việc thi công phải bảo đảm chất lượng, tiến độ, tính kỹ thuật, mỹ thuật và môi trường, không đội vốn phi lý, bảo đảm an toàn lao động cho công nhân và an toàn cho người dân, phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí.

Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác cũng thăm Bảo tàng Cổ vật cung đình Huế tại điện Long An trong quần thể di tích Cố đô Huế.

Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ, hiện nay Bảo tàng đang tận dụng không gian di tích của điện Long An, cũng là một di sản quý giá, để trưng bày, chứ chưa có không gian riêng phù hợp. Do đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thừa Thiên Huế phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập Dự án xây dựng bảo tàng ở vị trí khác, trả lại nguyên trạng không gian di tích. Việc xây dựng bảo tàng cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, việc trưng bày, giới thiệu phải khoa học, hiện đại, nhưng kiến trúc phải có sự kế thừa truyền thống, hài hoà, phù hợp với tổng thể di tích cố đô Huế.

Hầu Tỷ