Báo Công An Đà Nẵng

Một người đau, cả làng khiêng chạy!

Thứ tư, 19/10/2016 10:02

(Cadn.com.vn) - Lượng sức không thể một mình tiếp cận được với những ngôi làng nằm ở chốn thâm sơn, tôi phải tạt vào một ngôi nhà nằm lẻ loi bên con đường độc đạo để liên hệ dịch vụ "xe ôm đường rừng". Anh tài xế xe ôm cười hiền: "Xe đó, nhà báo có đi được thì đi. Bây giờ tiền triệu cũng không chở được. Phải ở đây chờ tiếp sức anh em trên đó cùng khiêng người bệnh về xuôi chữa trị". Hỏi ra mới biết, ở chốn này, vì quá cách trở, trai làng tự cam kết với nhau, nhà ai có người bệnh nặng là những người còn sức phải cùng nhau khiêng xuống núi, dù là nửa đêm hay bão lũ.

Có người đau ốm nguy kịch, thanh niên thôn 4, thôn 5 phải huy động lực lượng khiêng bệnh nhân "xé rừng" đi chữa trị. Ảnh: C.K

Đói ăn rau, đau khiêng chạy!

Thôn 4 và thôn 5 của xã Trà Giáp, H. Bắc Trà My, Quảng Nam là địa danh mà nhắc đến thì cán bộ cơ sở nào cũng tặc lưỡi. Không phải là quá xa nhưng vô tình nó trở nên biệt lập bởi muốn tiếp cận chỉ có con đường độc đạo, vừa nhỏ hẹp lại lên cao xuống thấp thất thường. Biết là còn lâu mới tới nơi nhưng chốc chốc gặp người đi rừng cũng vẫn phải hỏi thăm cho có cảm giác đỡ cô độc.

Đúng như lời anh tài xế xe ôm, khoảng gần trưa, từ dưới con dốc Thở, một nhóm thanh niên gần chục người gấp gáp chạy đua thời gian khiêng một người bệnh về xuôi. "Giường bệnh" là một chiếc mền cột chéo vào cây lồ ô, người bệnh nằm vào trong rồi được phủ lên bằng một chiếc mền khác. Ngược lên núi hay về xã, có gấp mấy thì cũng phải dừng lại trên đỉnh con dốc này để thở. Nên nó được đặt tên là dốc Thở, không biết tự bao giờ. Vừa được luân phiên nghỉ, anh Đoàn Duy Giáo - Trưởng thôn, thành viên của đội "cấp cứu tự quản" thôn 4 cho biết, người nằm trong cáng là anh Nguyễn Văn Điều, công an viên của thôn. Anh Điều bị khớp, lại sốt li bì, cầm cự được mấy ngày rồi nhưng có triệu chứng trở nặng nên thôn phải huy động đàn ông dừng việc làm rẫy để khiêng xuống bệnh xá. "Trời nắng thì một buổi tới nơi. Trời mưa thì lâu hơn. Gặp bão lũ thì chưa biết. Sợ nhất là người bệnh đau ruột thừa hay tai biến, xuống tới nơi có khi nguy kịch quá phải chờ xe cấp cứu dưới xuôi lên chở về huyện, không xử lý được nữa lại phải chở về tỉnh. Rứa thì còn gì là người", anh Giáo tâm sự.

Phải mất hơn nửa ngày, chị Hồ Thị Hồng và anh Nguyễn Văn Điều mới được thanh niên trong thôn khiêng xuống tới xã. Ảnh: C.K

 Nắng lên mưa xuống đột ngột thì không chỉ người già, trẻ con mà cả trung niên cũng đổ bệnh. Mới hôm qua, trai tráng trong thôn phải luân phiên khiêng 2 người tới Phòng khám đa khoa khu vực Trà Giáp. Một là anh Nguyễn Văn Tuấn bị viêm đường tiết niệu, sốt li bì. Người còn lại là chị Hồ Thị Hồng, đau đầu, cổ, vai gáy, người như khúc gỗ, không đi lại được, cử động là như gãy xương. Chồng của chị, anh Nguyễn Hải Đăng là y tế thôn bản nhưng cũng bó tay vì bệnh phức tạp quá. "Chỉ được tập huấn có 3 tháng, giờ y tế thôn bản không được tự cấp phát thuốc cho người bệnh như ngày xưa nữa nên công việc chính của tui là thống kê người bệnh hoặc tử vong do bệnh tật định kỳ để báo cho xã. Muốn chữa trị những bệnh đơn giản không có thuốc cũng chịu", anh Nguyễn Hải Đăng cho biết.

 Thôn 5 của xã Trà Giáp mới là điển hình của sự khổ sở trong việc khiêng người bệnh hạ sơn. Vì đường đi quá hiểm trở nên thời gian khiêng người đau nặng về tới Phòng khám đa khoa khu vực Trà Giáp thường gấp đôi so với thôn 4! Theo trưởng thôn Nguyễn Văn Phóng,  khi "phát lệnh", thanh niên trong thôn đang ăn phải bỏ bát chạy đi, người đi rẫy về trễ có nhiệm vụ chạy theo để gặp nơi nào thì tiếp sức nơi đó. "Nhiều lúc tới nơi thì người bệnh đã qua mất giờ vàng để chữa trị. Người khiêng gặp mưa, trúng gió lại lăn ra ốm. Khổ rứa nhưng chẳng biết làm sao. Nên dân làng cứ phải thuộc lòng câu đói ăn rau, đau khiêng chạy", anh Phóng trầm tư.

Đi bộ từ tinh mơ nhưng đến trưa người dân thôn 4, thôn 5 xã Trà Giáp mới đưa con tới được Trạm y tế để khám bệnh. Ảnh: C.K

Dựa nhau mà sống

Ở đồng bằng, xếp hàng cả buổi để khám bệnh đã khổ, trên núi có khi khám mấy phút nhưng cũng mất hết cả ngày băng rừng. Khổ nhất là trên đỉnh non nhìn thấy trạm xá nhưng chẳng thể giờ một giờ hai mà tới nơi được, nhiều lúc tới nơi thì đã muộn. Đội "cấp cứu tự quản" của thôn 4 và thôn 5 cho biết, từng có người khi được khiêng xuống tới xã đã không qua khỏi. Trong cái khó đến tận cùng, liên quan đến sinh mạng của bà con, trai tráng ở thôn 4 và thôn 5 "xây dựng" luật bất thành văn: Đủ sức khoẻ phải tham gia ứng cứu người bệnh khi cần thiết, vì kiểu gì mình cũng đến ngày đau yếu. Người nào không tham gia sẽ bị nêu tên, kiểm điểm tại các cuộc họp thôn. Chế tài đưa ra vậy, nhưng chưa một người nào bị kiểm điểm. "Trông chờ con đường để khi đau ốm, nguy kịch được nhanh chóng về xuôi chữa trị. Nhưng mãi không được, nên phải dựa nhau mà sống đã", anh Nguyễn Hoài Chung - thành viên đội "cấp cứu tự quản" thôn 4 tâm sự.

Bà Bùi Thu Huệ - Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Trà Giáp tâm sự, cơ sở y tế này phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh ban đầu cho người dân 3 xã Trà Giáp, Trà Giác và Trà Ca. Ngày cao điểm có tới gần cả trăm người bệnh. Cán bộ y tế ít ỏi nên nhiều người kiêm nhiệm khám chữa rất nhiều loại bệnh khác nhau. "Thiếu thốn đủ thứ nên chúng tôi phải cố gắng hết sức. Nhưng đúng là thương cho bà con quá. Nhiều loại bệnh nếu biết xử trí ban đầu thì có thể chữa trị tại chỗ, nhưng do không hiểu biết nên họ lại khiêng đi. Đường xa, lại vận chuyển bằng võng, tư thế nằm của bệnh nhân rất khó khăn nên lắm lúc bệnh thêm nghiêm trọng. Giá như đường sá thuận lợi để bà con chở người bệnh bằng xe máy thì đỡ nhiều lắm", bà Huệ nói.

 Chuyện đưa người đi chữa bệnh bằng võng, ông Nguyễn Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã Trà Giáp cũng hết sức trăn trở. Nhưng ở cấp xã, kêu khó rứa thôi chứ ngoài tầm với, dân chờ con đường để rút ngắn khoảng cách về xuôi mà mỏi mòn từ lâu lắm, dù chủ trương thì hình như có rồi. "Anh coi, đi dọc đường thấy trụ điện nằm chỏng chơ một đoạn. Người ta hứa kéo điện lên cho dân, nhưng rồi bỏ dở, đổi mấy nhà thầu. Giờ điện không có, tiền công đào hố, chuyển trụ còn nợ của dân thì mơ chi có đường đi cho đàng hoàng", chủ tịch xã Trà Giáp buồn thườn thượt.

Xã chờ huyện, nhưng huyện cũng phải chờ tỉnh, vì biết dân khổ nhưng tiềm lực của huyện không đủ cho con đường này nên hình nên hài. Có kéo được điện lên thì mới có bàn đạp mà làm đường, xây trường, làm trạm. Nhưng theo ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND H. Bắc Trà My, dự án kéo điện lên cho dân thôn 4, thôn 5 của xã Trà Giáp do Ban Quản lý dự án công nghiệp của tỉnh làm chủ đầu tư vẫn còn bỏ dở do đơn vị trúng thầu đã "bỏ chạy", nợ cả tiền công của người dân địa phương.

 Nghe đâu hầu hết các thôn xa thuộc các xã của H. Bắc Trà My đều đã có điện, mỗi thôn 1, thôn 4 và thôn 5 của xã Trà Giáp là chưa có. Chậm có điện thì nó sinh ra nhiều cái chậm trễ khác. Trong đó có chuyện chậm trễ so với đồng bằng, là câu chuyện lạ "đau là khiêng chạy" trên những chiếc mền cột vào cây lồ ô. Họ chưa dám mong khi nguy nan được vận chuyển bằng xe cấp cứu, chỉ mong ngồi trên chiếc xe máy, về trạm xá bằng thời gian sớm nhất. Nhưng đó vẫn còn là mơ ước xa xôi!

Công Khanh