Một người Ý của Hội An
Khi dịch COVID-19 còn chưa hoành hành, Cù Lao Chàm - một điểm đến nổi tiếng về du lịch biển của Việt Nam. Nhiều khách ra hòn đảo nhỏ này đã vô cùng thích thú khi được trải nghiệm tour đi bộ dưới đáy biển, ngắm nhìn những rạn san hô và những đàn cá đủ sắc màu, thong dong bơi lội... Dù vậy, không nhiều người biết "chủ nhân" đầu tiên của tour du lịch độc đáo này là ai.
Lodovico Ruggeri... |
Tâm sự về giấc mơ "khuấy động" Cù Lao Chàm
Về Hội An để thực hiện một phóng sự về người đàn ông quốc tịch Ý có tên Lodovico Ruggeri thật may mắn chúng tôi đã gặp được ông bởi ông cũng vừa từ Cù Lao Chàm trở về. Ông thân thiết với nhiều người dân Hội An nói tiếng Việt rất sõi và được mọi người gọi bằng cái tên thân thiết: Lodo.
Câu chuyện xin được kể cách đây cũng đã hơn 20 năm. Trong số những du khách ít ỏi đến Hội An, có một người đàn ông Ý cùng nhóm bạn sau khi đã đi khám phá rất nhiều vùng biển đẹp trên thế giới. Trong chuyến đi đến Hội An thời điểm đó, trải nghiệm bước ngoặt của cuộc đời người đàn ông Ý là dong thuyền buồm ra đảo Cù Lao Chàm, để rồi cuộc sống của ông đã thật sự thay đổi từ đó... Lodovico Ruggeri đã bị mê hoặc bởi hòn đảo hoang sơ này.
Thế rồi ông về Ý gói ghém đồ đạc và trở lại hòn đảo nhỏ bé, cách đất nước ông tận nửa vòng trái đất này. Trong đầu ông mường tượng ý nghĩ sẽ là người đầu tiên khai phá du lịch, đón khách ra hòn đảo hoang sơ tuyệt đẹp này.
Cuối năm 2002, Lodovico Ruggeri tích cực làm hồ sơ gửi UBND TP Hội An xin được mở công ty về tàu biển, đưa khách ra Cù Lao Chàm tham quan, làm dịch vụ lặn biển. Hành trình làm thủ tục để được hoạt động hợp pháp của một doanh nghiệp nước ngoài như Lodo không hề đơn giản, bởi thời điểm đó quy định chưa cho phép người nước ngoài mở công ty ra Cù Lao Chàm... Song ngay khi được phép hoạt động, tour du lịch lặn biển đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của số đông du khách, đặc biệt là những du khách người nước ngoài.
Lodo đã khởi động hành trình chinh phục giấc mơ "khuấy động" Cù Lao Chàm với những bước đi cẩn trọng. Một mình khảo sát, lặn ngắm, Lodo bắt đầu xây dựng phương án tiếp cận đáy biển từ chính những quan sát của mình và sự hỗ trợ tích cực của Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm, thời điểm đó chỉ mới manh nha hoạt động. Phương án lưới giăng đối với những khu vực đặc biệt, khu vực bị tổn thương vì sự can thiệp vô ý từ con người đã được triển khai. Lodovico Ruggeri tâm sự: "Mọi nỗ lực của phương án chỉ quanh việc làm mọi cách để không chạm đến san hô và không ảnh hưởng đến sinh cảnh dưới đáy đại dương...Tôi đặc biệt quan tâm đến điều này vì biết rằng, những gì đang tồn tại ở Cù Lao Chàm gần như là duy nhất, và tôi phải có trách nhiệm bảo vệ điều này...".
...và dịch vụ lặn biển ở Cù Lao Chàm do ông khởi xướng. |
Lặn biển gắn với bảo tồn sinh thái ở Cù Lao Chàm
Thực tế những nỗ lực bảo vệ biển Cù Lao Chàm của Lodovico Ruggeri đã thu hút nhiều hơn du khách lựa chọn tour du lịch của ông để được khám phá. Tuy nhiên khi tham gia, mỗi du khách đều phải thực hiện các quy định nghiêm ngặt và phải mất nhiều thời gian để nghe hướng dẫn, hiểu về những quy định của người tổ chức… Và trong số những cộng sự của Lodo, ông có hẳn một đội ngũ huấn luyện viên của tour có thời điểm lên đến hàng chục người, do một cộng sự người Pháp phụ trách… Nêu cao tôn chỉ bảo vệ, từ phương tiện, đường đi, nơi neo đậu tàu để bắt đầu hành trình lặn biển cách xa, cho đến những quy định nghiêm ngặt đối với những khu vực đặc biệt…, nên không ít lần, giữa ông và những cộng sự đã có tranh cãi, nhưng rồi, họ hiểu được mục đích tối thượng của Lodo là bảo vệ san hô và hệ sinh thái dưới đại dương khá đặc biệt gần như chỉ có ở Cù Lao Chàm, mọi thứ ngay lập tức được giải quyết…
Ông Gildas Fourny, một huấn luyện viên tour Lặn biển Cù Lao Chàm giải thích "Chúng tôi từng tranh cãi về cách thức, tôi là người rất thực tế, còn Lodo là người có tầm nhìn. Ông ấy luôn nghĩ rằng, chúng tôi không chỉ bảo vệ những gì đang có, mà phải mở rộng khu vực cần được bảo vệ ra bên ngoài... Chỉ riêng điều đó đã khiến chúng tôi có những lần tranh cãi gay gắt... Nhưng rồi tôi hiểu, điều đó tốt với san hô và hệ sinh thái ở đây, tôi đã nhượng bộ".
Cho đến năm 2009, hồ sơ danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới với Cù Lao Chàm được đệ trình và được UNESCO chính thức xướng tên... Khách ùn ùn tới Hội An và bến Cửa Đại trở nên chật chội... Du lịch Cù Lao Chàm giờ đã là một thương hiệu lớn khi nơi đây chính thức trở thành Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Sản phẩm du lịch kết hợp lặn biển đã chính thức "khai sinh" một cách bài bản và thu hút được phần lớn lượng khách du lịch. Do đó, việc phục hồi và phát triển rạn san hô vùng biển Cù Lao Chàm không những góp phần cải thiện môi trường sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản, đa dạng sinh thái trong lòng biển mà còn mở ra triển vọng mới về sản phẩm du lịch biển đảo đầy tiềm năng. Bà Trần Thị Hồng Thúy - Giám đốc Ban Quản lý Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho hay, từ một pháp nhân liên danh với một doanh nghiệp địa phương để thực hiện ý tưởng chia sẻ vẻ đẹp Cù Lao chàm với cả thế giới, Lodo hiện đã là giám đốc Công ty lặn biển Hải Bàn- Hội An, và cũng là một trong những người nước ngoài đã chọn Hội An làm quê hương thứ hai. Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn cũng đã đánh giá cao và dành những tình cảm tốt đẹp dành cho người đàn ông quốc tịch Ý về những đóng góp cho Cù Lao Chàm cho Hội An.
Quyết tâm ở tới cuối đời với Hội An, người đàn ông gốc Ý đã dựng cho mình một ngôi nhà trước bờ biển tại phường Cửa Đại. Bây giờ thì ngoài lặn biển, Lodovico Ruggeri còn mở trường dạy lặn, đào tạo thợ lặn biển từ trình độ sơ cấp đến lành nghề để đi làm việc tại các khu du lịch biển nổi tiếng. Ở giai đoạn thành thục và trở thành thợ, việc đào tạo sẽ được Lodovico miễn chi phí...
Dịch COVID-19, du lịch gần như tạm dừng, lặn biển càng không, nhưng những người dân Hội An lại thấy ông già người Ý quen thuộc, ngày ngày ra phía biển, nhìn về Cù Lao Chàm. Có lẽ là nhớ biển, cũng có thể chỉ để nghĩ về những ngày biển lặn, lại được trở về với công việc thường ngày - một công việc mà ông được coi là người lĩnh ấn tiên phong.
Phóng sự của VÕ VĂN TRƯỜNG