Báo Công An Đà Nẵng

Một phần của bài ca không quên

Thứ tư, 27/07/2022 19:15
Cựu chiến binh Thành cổ Quảng Trị vui mừng gặp lại nhau.

Trong những hình ảnh và thanh âm đó, đất và người Quảng Trị rưng rưng niềm tâm cảm thiết tha với những người con trai, con gái ở tuổi đôi mươi thổi sáo, thêu khăn trở thành người lính viết thư gửi Mẹ, người lính mơ giấc mơ về với Mẹ,... Đó là lúc Quảng trường Giải phóng ở thị xã Quảng Trị hội tụ rất nhiều tấm lòng tri ân các anh hùng liệt sĩ trong những giờ phút trang nghiêm, xúc động.

Ca khúc Đất nước của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn vẫn thường vang lên trên Thành cổ Quảng Trị- nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu oanh liệt trong năm mươi năm trước mà chiến thắng đã thuộc về những con người Việt Nam quả cảm, kiên cường trong tám mươi mốt ngày đêm huyền thoại. Bài ca ấy mang dáng hình người Mẹ tiễn con ra trận, khắc họa những con người bình dị có tấm lòng yêu nước nồng nàn, ngợi ca Tổ quốc trường tồn sau lửa đạn chiến tranh. Và, Quảng Trị là nơi đã làm nên đỉnh cao thắng lợi của cuộc kháng chiến chống quân xâm lược và viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc trong thế kỷ XX. Có lẽ vì vậy mà khi hát về những con người đã hy sinh vì hòa bình, về sự hy sinh của người Mẹ đã dâng hiến con mình cho Tổ quốc ngay trên Thành cổ Quảng Trị, giọng hát của ca sĩ nồng nàn và sâu sắc hơn. Và cũng có lẽ vì vậy mà khi thắp nén hương tưởng nhớ đồng đội ở Đài Tưởng niệm Thành cổ, những cựu chiến binh luôn nghĩ tới hình ảnh những người Mẹ đưa tiễn và đón con về trong bóng cờ Tổ quốc.

Kỷ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ hàng năm, Quảng Trị lại đón các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các Anh hùng lực lượng vũ trang, các bậc lão thành cách mạng, cựu chiến binh, tướng lĩnh, sĩ quan, thương binh, bệnh binh, đồng bào, đồng chí về với những người con, đồng chí, đồng đội đã hóa thân vào khí thiêng đất đai Thành cổ và sóng nước Thạch Hãn. Ở đây, người đang sống đọc lại lá thư gửi người vợ trẻ Phan Thị Biển Khơi của liệt sĩ Lê Binh Chủng, nhìn ngắm các tấm ảnh Xung phong và Nụ cười chiến thắng dưới chân Thành cổ của phóng viên chiến trường- nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính trong cảm thức thấm nhuần chân lý Không có gì quý hơn độc lập, tự do mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao truyền đến các thế hệ người Việt Nam yêu nước. Cũng với Chủ tịch Hồ Chí Minh, những con người đã hy sinh hoặc chịu nhiều mất mát vì đất nước, vì nhân dân là những người làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi nên họ sống mãi trong trái tim của đồng bào và Tổ quốc. Bởi vậy mà hôm nay nhiều người về Quảng Trị để vào Thành cổ thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ (Cỏ non Thành cổ- nhạc sĩ Tân Huyền). Ngày hai người lính- hai nhân vật chính trong tấm ảnh Xung phong của phóng viên chiến trường- nghệ sĩ nhiếp ảnh Đoàn Công Tính là ông Đỗ Đức Thắng từ Hà Nội vào và ông Hồ Văn Quang từ Nghệ An vô gặp lại nhau trên mảnh đất Thành cổ Quảng Trị đã vui mừng vô hạn. Đã cùng nhau vượt qua mưa bom bão đạn, bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết trong chiến tranh, hai chiến sĩ Thành cổ ngày ấy đã cùng nhìn lại mình trong tấm ảnh với niềm tự hào đã góp phần làm nên chiến thắng xen lẫn nỗi nhớ tiếc những đồng đội đã hy sinh. Cũng hôm ấy, người vợ của chiến sĩ Nguyễn Văn Thành quê ở Bắc Ninh là bà Cao Thị Bé đón nhận chiếc khăn dù của người chồng đã anh dũng hy sinh, vừa khóc vừa ôm ghì di vật vô giá ấy trên ngực…
Với phẩm giá của "những con người Việt Nam với truyền thống bốn ngàn năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại" (Tổng Bí thư Lê Duẩn), Thành cổ Quảng Trị và dòng Thạch Hãn là một phần của bài ca không quên nguyên vẹn tình yêu với đất nước, với nhân dân, với đồng đội.

BỘI NHIÊN