Một phần tư thế kỷ…
Đón Tết Nhâm Dần này, Quảng Nam Đà Nẵng đã tròn 25 năm chia tách thành hai đơn vị hành chính (1-1-1997- 1-1-2022). 25 năm, 25 mùa xuân, tức là đã một phần tư thế kỷ. Ngạn ngữ Nga có câu đại ý: Ngày đi, tháng chạy, năm bay. Thời gian nước chảy, chẳng quay được về. Song con người thì có thể, bằng ký ức.
Quảng Nam - Đà Nẵng là anh em một nhà, cùng khúc ruột sinh ra, chỉ "chia" mà không "tách". Điều này tôi cảm nhận rõ nhất từ những người đàn bà nghèo xứ Quảng đi ra Đà Nẵng buôn gánh bán bưng, rồi những người mua bán ve chai, vé số, hàng rong để mưu sinh. Còn nhớ, hồi trận bão cách đây mấy năm tàn phá Đà Nẵng, tôi có người chú mặc dù thời gian đã cận kề năm hết còn khăn gói ra Đà Nẵng tìm việc trong đống đổ nát do bão gây ra để kiếm thêm đồng tiền lo Tết. Một suy nghĩ rất vô tư ông bảo tôi: Cảm ơn Đà Nẵng để chặng đường mưu sinh của không ít bà con trong quê ngắn lại chứ không chừng kéo dài vào tận Nam, ra đến tận Bắc. Cuộc thiên lý hành hương do dịch COVID-19 vừa qua cũng nói lên thật nhiều điều buộc phải suy ngẫm.
Quảng Nam - Đà Nẵng là vùng phên giậu của hành trình mở cõi tiến vào Đàng trong của các chúa Nguyễn, đến nay cũng đã tròn 550 năm (1471-2021). Riêng "thủ phủ" Đà Nẵng, vùng đất cận sát "đệ nhất hùng quan" Hải Vân, có một đặc điểm chưa từng là đơn vị hành chính dưới thời phong kiến, đến năm 1888, Đà Nẵng được triều đình nhà Nguyễn ký thỏa thuận giao cho Thực dân Pháp. Từ đó, mảnh đất này trở thành khu vực nhượng địa. Khi Mỹ tham chiến ở Việt Nam (1965), Đà Nẵng là thành phố lớn thứ hai của chế độ Việt Nam Cộng hòa, chỉ sau Sài Gòn.
Còn với "thủ phủ" Tam Kỳ của Quảng Nam theo sử liệu, ngày trước thuộc huyện Hà Đông, phủ Thăng Hoa của đạo Thừa tuyên Quảng Nam xưa, được hình thành cách đây 550 năm (năm 1471). Đến 1906, huyện Hà Đông được nâng lên thành phủ và đổi tên thành phủ Tam Kỳ. Năm 1997, khi tái lập tỉnh Quảng Nam, Tam Kỳ được xác lập trở lại vai trò là thị xã tỉnh lỵ. Song dù có đặc điểm thế nào, Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn chung một mạch nguồn văn hóa, tính cách con người gọi chung văn hóa xứ Quảng. Mảnh đất có rượu Hồng đào, chưa mưa đà thấm.
Tam Kỳ vào mùa hoa sưa. |
Nhìn nhận ở một khía cạnh khác, Quảng Nam Đà Nẵng chia tách cách đây 25 năm đã giải quyết hàng loạt vấn đề ở tầm vĩ mô, trong đó có việc chấm dứt tình trạng "tỉnh dài, huyện rộng, xã to" để có điều kiện đầu tư cho phát triển. Điều này được minh chứng, Quảng Nam khi mới chia tách từ tỉnh nghèo nhất nhì cả nước nay đã vươn lên vào top các tỉnh, thành có nguồn thu cao và có điều tiết về trung ương. Còn Đà Nẵng đang trên đà bứt phá ngoạn mục để vươn ra biển lớn.
25 năm trước không ít người thường hay hát "Về với Quảng Nam" của nhạc sĩ Đoàn Ngọc Bính: "Những con suối đều chảy về sông/ Trăm con sông đều xuôi về biển/ Biển cả dạt dào mang hình bóng sông/ Như ta yêu nhau những tháng ngày gió lộng/ Như ta về đây, quê mẹ Quảng Nam...". Chia ly mà vẫn như không hề chia cách… Dường như câu hát này đã đi hết số phận của nó, bởi thời gian trôi qua đã 25 năm. Bây giờ có thể nghĩ về cuộc đoàn tụ đã 25 năm. Tại sao không?
Lại nhớ những ngày đầu chia tách tỉnh, tuy không sinh ra ở Tam Kỳ nhưng từ đó tôi chính thức trở thành công dân Tam Kỳ. May mắn bản thân có thời gian sống cùng những người lao động chân tay, bốc vác, kéo xe "Xóm Củi", "Cồn Thị"… khi được cùng họ ăn những tô cơm quán vào lúc bình minh chưa lên. Giản đơn đó là một tô cơm đầy, thức ăn là khúc cá ngừ kho dưa cải, tí mắm đặc dầm hành tỏi, ớt cay giã dập… mà sao ngon quá đỗi. Mỗi lần lùa miếng cơm vào miệng tôi có cảm giác cả cánh đồng đang ùa chạy vào tôi, cả vũ trụ chắt chiu tiếp cho tôi năng lượng sống để mà tồn tại, để mà chống chọi với bao trắc trở, đắm đuối, nhiêu khê…
Bởi vậy, mỗi lần qua đây tôi luôn cảm thức về những hạt gạo, những giọt mồ hôi tràn cay khóe mắt, tiếng bánh xe sận sụt đẩy lên bậc dốc và cả tiếng thở hụt hơi trong lồng ngực những người dân lao động một nắng hai sương. Họ đâu có biết rằng chính họ đã góp cho thành phố này một thứ năng lượng không tên. Đi đâu xa tôi lại nhớ, bởi bây giờ Tam Kỳ đã là quê hương thứ hai của tôi, của các con tôi.
Thành phố trẻ Tam Kỳ với tôi cũng đã dần đậm dày thêm một phần ký ức. Điều mong mỏi là làm sao phải có những con người biết lưu lại dấu xưa, bằng chính những ngày sống hiện tại. Trên mạng xã hội, thời gian gần đây có lẽ không chỉ tôi mà nhiều người yêu Tam Kỳ, yêu mảnh đất mình đang sống sẽ cảm thấy trân quý về sự xuất hiện những tấm ảnh trắng đen xưa về những địa danh nổi tiếng của vùng đất này như chợ Tam Kỳ, chợ Mai, chợ Vạn rồi ga Tam Kỳ hay những dãy nhà trên đường Phan Châu Trinh… cách đây đã nhiều năm.
Ai đó bảo Tam Kỳ là thành phố không ký ức. Rất đáng lo. Sẽ chưa bao giờ là muộn, hãy bắt đầu từ hôm nay bằng việc ghi chép, lưu giữ hình ảnh, video về muôn mặt cuộc sống, phố thị, cảnh quan của Tam Kỳ, của Quảng Nam cho 25 năm, 50 năm, 100 năm về sau nữa. Có một câu châm ngôn tôi rất thích, đại ý "Thời gian chỉ dịu dàng với ai biết dịu dàng với nó". Biết nâng niu quá khứ, không phải đi lạc vào quá khứ mà là để hướng đến tương lai và biết làm những công việc cần thiết ở thì hiện tại cho tương lai.
Tạp bút của Võ Văn Trường