Báo Công An Đà Nẵng

Một số nội dung quan trọng trong Tuyên bố chung Việt – Nga

Thứ bảy, 01/07/2017 08:32

(Cadn.com.vn) - Chiều 29-6 theo giờ địa phương (tối cùng ngày theo giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga từ ngày 28-6 đến 1-7, tại Điện Kremlin ở thủ đô Moscow, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin đã có cuộc gặp hẹp và hội đàm với sự tham gia của Đoàn đại biểu cấp cao hai nước.

Nhân dịp chuyến thăm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung về kết quả chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Trần Đại Quang”. Kỳ này, Báo Công an TP Đà Nẵng lược trích một số nội dung tại Tuyên bố chung.

Tiếp tục chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, ngày 30-6, tại Thủ đô Moscow,
Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm Tập đoàn Dầu khí Zarubezhneft.        Ảnh: TTXVN

Phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt

Theo Tuyên bố chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã gặp hẹp và hội đàm với Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hội kiến Thủ tướng Liên bang Nga Dmitry Medvedev, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Quốc hội Liên bang Nga Valentina Matvienko, Chủ tịch Duma quốc gia Quốc hội Liên bang Nga Vyacheslav Volodin. Chủ tịch nước Việt Nam đã đặt vòng hoa tại Mộ Liệt sĩ vô danh, Lăng V.I. Lênin, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, phát biểu khai mạc tại Diễn đàn doanh nghiệp với sự tham gia của doanh nghiệp hai nước, gặp gỡ các cựu chiến binh và chuyên gia Nga đã làm việc tại Việt Nam và đại diện Hội hữu nghị Nga-Việt, thăm thành phố St. Petersburg.

Theo Tuyên bố chung, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã đánh giá tình hình và triển vọng tiếp tục củng cố quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga, đề ra những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực ưu tiên, thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Đề cập quan hệ Việt – Nga, Tuyên bố chung nêu rõ: Nguyên thủ hai nước chia sẻ mong muốn phát triển mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Nga dựa trên truyền thống hữu nghị và tôn trọng lẫn nhau đã có từ nhiều năm, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cùng nỗ lực mở rộng quan hệ trong các lĩnh vực thương mại - đầu tư, khoa học - công nghệ và nhân văn. Hai bên nhất trí duy trì đối thoại chính trị thường xuyên và thực chất ở tất cả các cấp, tiếp xúc hiệu quả theo đường Đảng, Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương và các tổ chức xã hội.  Hai bên nhất trí năm 2019 sẽ tổ chức Năm Nga tại Việt Nam và Năm Việt Nam tại Nga với nhiều hoạt động phong phú trên lãnh thổ hai nước nhằm thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa, giáo dục và các lĩnh vực khác...

Tuyên bố chung nêu rõ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin nhất trí hai bên sẽ tiếp tục hợp tác xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam, ủng hộ việc thực hiện nhất quán Chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nga trong lĩnh vực sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình ký ngày 23-5-2017 tại Hà Nội.

Hai bên đánh giá tích cực việc triển khai các dự án chung trong lĩnh vực dầu khí; khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Việt Nam và Nga trong lĩnh vực này (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom, Công ty Zarubezhneft, Tập đoàn Rosneft) trên lãnh thổ hai nước; phát triển hợp tác trong các lĩnh vực tiềm năng, trong đó có lĩnh vực lọc dầu và hóa dầu, cung cấp cho Việt Nam khí thiên nhiên hóa lỏng, sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Việt Nam nhiên liệu cho động cơ chạy bằng khí đốt. Hai bên nhất trí tăng cường hợp tác và mở rộng khu vực thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng thềm lục địa Việt Nam phù hợp với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982...

Tổng thống Putin nhận lời thăm Việt Nam

Về các vấn đề khu vực và quốc tế, Theo Tuyên bố chung, Chủ tịch nước Việt Nam và Tổng thống Nga khẳng định nỗ lực xây dựng trật tự quan hệ quốc tế công bằng, dựa trên các nguyên tắc đa phương trong giải quyết các vấn đề cấp thiết, tính tối thượng của luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, bao gồm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ và lợi ích hợp pháp của các quốc gia, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, hợp tác rộng rãi giữa các quốc gia và cơ chế liên kết trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi và tôn trọng lẫn nhau vì mục tiêu củng cố an ninh toàn cầu, hòa bình, ổn định và phát triển.

Việt Nam và Nga kiên quyết bác bỏ mọi mưu toan xét lại lịch sử Chiến tranh Thế giới thứ Hai, nghi ngờ về vai trò quyết định của nhân dân Liên Xô trong Chiến thắng chủ nghĩa phátxít và quân phiệt, mở ra con đường giải phóng cho nhiều nước thoát khỏi ách thực dân; cho rằng việc tuyên truyền tư tưởng phátxít và phân biệt chủng tộc trong thế giới hiện đại là nguy hiểm và không thể chấp nhận được.

Lãnh đạo hai nước lên án chủ nghĩa khủng bố dưới mọi hình thức và biểu hiện và nhấn mạnh không một hành động khủng bố nào có thể biện minh dù là với động cơ tư tưởng, tôn giáo, chính trị, phân biệt chủng tộc, sắc tộc hay là các động cơ khác. Chỉ bằng sự phối hợp nỗ lực của cả cộng đồng quốc tế dựa trên cơ sở các nguyên tắc và điều luật được thừa nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trước hết là Hiến chương Liên hợp quốc, và tôn trọng chủ quyền của các quốc gia chịu hậu quả của những hành động khủng bố, trong đó có thông qua việc thành lập liên minh quốc tế rộng rãi chống khủng bố, mới có thể ngăn chặn sự lan rộng chưa từng có của chủ nghĩa khủng bố.

Hai bên bày tỏ quan ngại về nguy cơ gia tăng vũ khí trong vũ trụ, bắt đầu cuộc chạy đua vũ trang trong vũ trụ và biến khoảng không vũ trụ thành nơi đối đầu vũ trang. Trong điều kiện thiếu một thỏa thuận quốc tế có tính ràng buộc pháp lý nhằm loại bỏ nguy cơ đó, việc áp dụng các biện pháp thực tế cụ thể mang tính chất đa phương để giữ cho vũ trụ không có vũ khí trở nên đặc biệt cấp bách. Vì vậy, Nguyên thủ hai nước đã tuyên bố về việc hai quốc gia tuân thủ chính sách không là bên đầu tiên triển khai vũ khí trong vũ trụ và kêu gọi tất cả các quốc gia có tiềm năng vũ trụ cũng làm như vậy.

Hai bên cho rằng các tranh chấp biên giới, lãnh thổ và các tranh chấp khác tại khu vực Châu Á-Thái Bình Dương cần được các bên liên quan giải quyết bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982, nhằm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh trong khu vực. Việt Nam và Nga ủng hộ việc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông năm 2002 và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử của các bên tại Biển Đông...

Cũng theo Tuyên bố chung, cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Vladimir Putin đã diễn ra trong không khí hữu nghị truyền thống đặc trưng cho quan hệ hai nước và sự hiểu biết lẫn nhau. Hai bên nhất trí cho rằng chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sẽ tạo xung lực mạnh mẽ cho việc tiếp tục tăng cường quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cảm ơn sự đón tiếp nồng hậu Liên bang Nga đã dành cho Chủ tịch và Đoàn đại biểu Việt Nam và mời Tổng thống Liên bang Nga thăm chính thức Việt Nam. Tổng thống Liên bang Nga đã vui vẻ nhận lời.

N.L (lược trích)

Chủ tịch nước Trần Đại Quang hội kiến với Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin

Sáng 30-6 theo giờ địa phương (chiều cùng ngày theo giờ Hà Nội), trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga, tại thủ đô Moscow, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có cuộc hội kiến với Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga Vyacheslav Volodin. Tại cuộc gặp, hai bên cũng nhấn mạnh nhiệm vụ ưu tiên hiện nay của Chính phủ, các bộ, ngành hai nước là triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-Liên minh Kinh tế Á-Âu. Chủ tịch nước Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội hai nước hợp tác chặt chẽ trong việc giám sát thực hiện tiến trình này nhằm tạo bước chuyển mạnh trong quan hệ thương mại song phương, nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 10 tỷ USD vào năm 2020. Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin khẳng định mối quan hệ Liên bang Nga-Việt Nam là mối quan hệ đặc biệt quý báu cần được trân trọng và ngày càng được tăng cường, củng cố vững chắc; đánh giá cao chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, nhấn mạnh chuyến thăm sẽ tạo định hướng phát triển và làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Liên bang Nga-Việt Nam, trong đó có quan hệ giữa Quốc hội hai nước.