Một thế hệ mới văn chương Huế
(Cadn.com.vn) - Hội Nhà văn TT-Huế hiện có 90 hội viên, trong đó đa số là nhà thơ, là con số đáng tự hào. Mỗi năm, các nhà văn trẻ ở Huế xuất bản hàng chục đầu sách. Có người trong vài năm in ba đầu sách. Anh em cũng được đi dự nhiều trại sáng tác, nhiều chuyến đi thực tế ở nhiều tỉnh, thành phố. Hội cũng đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, giới thiệu tác giả tác phẩm, làm cho không khí sáng tác ngày càng sôi động. Tất cả những hoạt động đó đã giúp anh em có thêm kinh nghiệm, vốn sống để sáng tác nhiều tác phẩm mới.
Nhà văn Trần Thùy Mai tặng hoa chúc thọ nhà văn Hồng Nhu. |
Trong 90 nhà văn của Hội Nhà văn Huế, có lớp nhà văn già, trưởng thành từ trong kháng chiến chống Mỹ và sau đó như Hồng Nhu, Nguyễn Khoa Điềm, Nguyễn Đắc Xuân, Tô Nhuận Vỹ, Nguyễn Khắc Phê, Nguyễn Quang Hà, Hà Khánh Linh, Trần Thùy Mai, Mai Văn Hoan, Ngô Minh, Võ Quê, Nguyễn Khắc Thạch, Vĩnh Nguyên, Trần Vàng Sao, Phạm Thị Túy, Trần Hạ Tháp, Hoàng Phủ Ngọc Tường- Lâm Thị Mỹ Dạ... Mặc dù anh chị em đã cao tuổi (người cao nhất là nhà văn Hồng Nhu 84 tuổi) nhưng vẫn cặm cụi sáng tác. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm từ khi rời quan trường, sau tập thơ Cõi lặng được dư luận đánh giá cao đã làm thơ sung sức hơn, sâu sắc hơn.
Nhà văn Hồng Nhu vừa in tập truyện ngắn mới và làm nhiều bài thơ thấm đẫm chiêm cảm. Nhà văn Tô Nhuận Vỹ vừa có tiểu thuyết Vùng sâu được Quỹ Phùng Quán tặng thưởng và được giải A giải thưởng Cố Đô lần thứ 5. Anh đang viết cuốn tiểu thuyết mới, mà anh bảo là “cuốn cuối cùng”. Nhà văn Nguyễn Quang Hà không vi tính vẫn mỗi năm ra mắt một đến hai tiểu thuyết về đề tài chiến tranh. Vừa qua, tiểu thuyết Vùng lõm của anh đạt giải cuộc thi tiểu thuyết Hội Nhà văn Việt Nam, và giải A Giải thưởng Cố Đô lần thứ 5.
Nhà văn Hà Khánh Linh, năm 2013 ra mắt tiểu thuyết Những dấu chân của mẹ (nằm trong bộ 3 tiểu thuyết ngàn trang Người Kinh Đô cũ (2004), Lửa Kinh Đô (2010) về các nhân vật Hoàng tộc Huế với cách mạng), tập truyện ngắn Trái tim tôi ở Hội An (NXB Đà Nẵng, 2013); nhà văn Nguyễn Khắc Phê sau tiểu thuyết nổi tiếng Biết đâu địa ngục thiên đường được giải thưởng tiểu thuyết Hội Nhà văn năm 2011 và giải A giải thưởng Cố Đô 2013, lại cho ra mắt tập văn chính luận Nhà văn và thời cuộc; Nhà thơ Trần Vàng Sao vừa ra mắt trường ca Gọi tìm xác đồng đội rất xúc động, được Quỹ Phùng Quán tặng thưởng năm 2012; nhà văn Trần Thùy Mai có tập truyện ngắn hay Onkel yêu dấu, được giải C Giải thưởng Cố Đô, là người 5 lần được Giải thưởng VHNT Cố Đô; Nhà văn Hồ Thế Hà sáng tác rất sung sức.
Tập thơ Thuyền trăng của Hồ Thế Hà vừa được giải thưởng Cố Đô năm 2013, năm 2014, anh đã có tập tiểu luận –phê bình Tiếp nhận cấu trúc văn chương. Nhà thơ Mai Văn Hoan năm qua đã ấn hành hai tập sách: Tập chân dung nhà thơ Xuân Hoàng và tập tiểu luận Truyện Kiều, đọc và suy ngẫm. Tác phẩm Truyện Kiều, đọc và suy ngẫm được Hội Nhà văn TT-Huế trao tặng thưởng tác phẩm xuất sắc năm 2013 và được Quỹ Phùng Quán tặng thưởng. Nhà thơ Ngô Minh năm 2013 đã xuất bản một lúc 3 tập sách: Tập thơ Ký tự biển, tập truyện ký Tướng Giáp trong tôi và tập tiểu luận thơ Quê quán của thơ...
Nhìn danh sách các tác giả và tác phẩm được giải ta thấy rất rõ là văn chương Huế vẫn chưa thể chuyển giao thế hệ! Tức là những người “viết văn già” từ trong kháng chiến vẫn là thế hệ hàng đầu. Huế chưa có một thế hệ nhà văn trẻ 7X, 8X tài năng cỡ như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Đình Tú, Đỗ Đoãn Phương, Nguyễn Danh Lam, Lê Vĩnh Tài... Nhưng có điều mừng là vài năm lại đấy đã xuất hiện một thế hệ nhà văn trẻ của Huế với văn phong rất mới, đáng trân trọng, mà trước đó tôi chưa từng đọc như Phạm Nguyên Tường, Hồ Đăng Thanh Ngọc, Đông Hà, Lưu Ly, Hải Trung, Châu Thu Hà, Nguyên Quân, Lê Tấn Quỳnh, Phan Tuấn Anh, Lê Huỳnh Lâm, Nhụy Nguyên, Lê Minh Phong, Lê Vũ Trường Giang, Bạch Diệp, Từ Nguyễn... Một số người đã có phong cách riêng. Một số tác giả giành được giải. Với thế hệ nhà văn này, tôi tin tưởng và mong ước trong một vài năm tới họ sẽ làm chủ văn đàn Huế, thay thế cho thế hệ nhà văn già.
Nhưng có một thực trạng cần báo động là, Hội viên Hội Nhà văn thì đông, nhưng sáng tác không đồng đều. Số đáng đọc chỉ đếm trên đầu ngón tay. Trong ba công việc của một nhà văn là đi, đọc và viết, họ đều ít chú ý. Tính chuyên nghiệp của hội viên Hội Nhà văn Huế không cao. Họ ít có chính kiến và bản lĩnh sáng tạo, không chí cốt với cây bút trang giấy như lớp đàn anh. Đó là thực tế đáng lo ngại. Gần 40 năm sau năm 1975, Huế mới có một thế hệ sáng tác mới để có thể trong vài năm tới thay thế thế hệ trưởng thành trong chiến tranh, là quá muộn. Nhưng dẫu sao đã bắt đầu có một thệ hệ mới có chất lượng thực sự. Đó là điều rất mừng, cần trân trọng và nâng niu...
Ngô Minh