Một thoáng hương xuân
(Cadn.com.vn) - Bao giờ cũng vậy, những ngày cuối năm, tôi và những người bạn đồng nghiệp lại rong ruổi trên những nẻo đường, những dòng sông, chập chùng đồi núi, những làng hoa, những làng chài và trở về với sự náo nhiệt của phố phường. Và điều thú vị là cùng nhau ghé thăm những gallery, những xưởng vẽ nho nhỏ, khiêm nhường của các họa sĩ, nhà điêu khắc quen thuộc ở Hà Nội, TPHCM và Đà Nẵng.
Chúng tôi say sưa ngắm nhìn và choáng ngợp trước vô số những tác phẩm trưng bày, hoàn thiện và dang dở với rất nhiều đề tài phong phú và hấp dẫn với đủ các chất liệu: màu nước, phấn màu, khắc gỗ, lụa, sơn khắc, sơn mài, nhưng nhiều nhất vẫn là sơn dầu. Những bức tranh được biểu đạt với phong cách hiện thực, truyền thống, cách điệu, trừu tượng...; có tranh tỉ mỉ chi tiết đầy kỹ thuật, có tranh lại đầy ngẫu hứng, những nhát cọ khỏe, thoát và bay bổng mà cũng rất gợi cảm.
![]() |
Tác phẩm Bình Minh trên biển (sơn mài). Ảnh: Đặng Công Tuấn |
Những tác phẩm dễ dàng tìm thấy vẫn là tranh tĩnh vật. Có lẽ vì đã chớm xuân chăng, nên hương hoa làm ta quấn quít? Cái chín mọng, ngọt ngào của trái cây ba miền trong tranh lại càng hấp dẫn hơn? Rồi tranh lụa vẽ những tà áo dài nữ sinh nhẹ bay trong lung linh nắng sớm. Chân dung đặc tả cái chiều sâu của tâm hồn gợi cho ta bao điều suy nghĩ.
Không thể không nhắc đến thể loại tranh phong cảnh và một điều thật lạ là các họa sĩ gắn bó mật thiết với đời sống thị thành lại luôn tìm về để đắm chìm trong sự tĩnh lặng, mộc mạc, chân chất của những miền quê, những miền ca dao cổ tích. Vẫn là tranh vẽ về giếng làng quen thuộc với mái đình, cây đa. Một bến sông chòng chành đò nhỏ, rúc rích tiếng cười như lạ, như quen. Một ngôi trường thấp thoáng sườn đồi, mái nhà sàn với lời gửi trao của chàng trai và cô gái Cơ Tu bẽn lẽn vầng trăng khuyết, lãng mạn biết chừng nào.
Bên cạnh những tranh quê đó, dấu ấn thời gian in đậm, khắc sâu vào tâm trí, là những tranh sơn dầu mà ta quen gọi là “Phố Phái”. Danh họa Levitan với những bức phong cảnh đầy quyến rũ của mùa xuân, cái màu xanh xám mùa đông nhẹ bay những bông tuyết trắng. Nhưng ấn tượng nhất vẫn là phong cảnh về mùa thu trác tuyệt, với hàng bạch dương nép mình bên nhau, con đường nhỏ đầy lá vàng như còn lao xao tiếng bước chân hò hẹn.
Còn đó những bức tranh vẽ những chiếc cầu vắt qua những dòng sông nối những bờ vui và màu xanh non của mạ, những nón trắng nhấp nhô trên đồng như những cánh cò, đàn trâu đủng đỉnh chiều về. Một dáng mẹ lui cui nhóm lửa trong đêm giao thừa với lòng mong mỏi những đứa con xa trở về chợt làm ta thấy xa xót, rưng rưng...
![]() |
Mùa xuân quan họ (tranh màu bột). Ảnh: Lê Huy Hạnh |
Sự háo hức trước những tác phẩm ấy xui khiến chúng tôi tìm đến với làng đá Non Nước, với hàng ngàn người thợ. Trong cái ồn ào của những âm thanh, chúng tôi đã gặp gỡ trao đổi với các nghệ nhân lão thành mới càng thấm thía bao mồ hôi, nước mắt, những gian khó, đắng cay từ ngày đầu những người thợ tài hoa của xứ Thanh vào đây lập nghiệp. Đến nay, làng đá Non Nước đã tạo nên một thương hiệu và những tác phẩm của họ không chỉ là mỹ nghệ quen thuộc, cũ kỹ nữa mà đã được đội ngũ những nhà điêu khắc trẻ hôm nay- với sự kế thừa truyền thống lại được đào tạo trường lớp, có tay nghề và sự đam mê trong lao động sáng tạo truyền lửa, thổi hồn cho đá làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho các tác phẩm điêu khắc, giúp nó có mặt khắp trong và ngoài nước.
Đang lạc trong những ý tưởng của những tác phẩm, rồi say sưa trò chuyện cùng các họa sĩ và nhà điêu khắc của thành phố biển, tôi chợt nhớ đến bài hát “Mùa xuân đầu tiên” của nhạc sĩ Văn Cao. Từ đó đến nay đã biết bao mùa xuân rồi nếu làm một phép cộng, một phép nhân thì công chúng đã được chiêm ngưỡng bao nhiêu tác phẩm?
Có nhà thơ đã viết “Không chỉ có bốn mùa xuân, hạ, thu, đông/Miền Trung có thêm mùa bão”. Chúng ta đã oằn mình vượt qua những bão lũ bằng sức lực của chính mình, bằng sự chở che đùm bọc của trái tim và những bàn tay của người dân cả nước. Dẫu còn nhiều gian khó, nhưng khi những cơn gió lạnh chợt se sắt bàn tay, lòng lại thấy ấm nồng, xao xuyến, ngất ngây trong hương hoa trời đất.
Vẫn là mơ thôi, nhưng mai rồi sẽ là hiện thực khi mỗi độ xuân về, những triển lãm mỹ thuật sẽ rộng mở làm thỏa lòng mong đợi của những người yêu nghệ thuật.
Đà Nẵng, tháng 12 năm 2007
Lê Huy Hạnh