Một thời bệnh xá Y3
Ngày gần cuối tháng 4, tại nhà cựu bác sĩ Nguyễn Thị Hoài Thương ở số 5- Trần Quý Cáp, Đà Nẵng có cuộc gặp mặt cảm động của bệnh xá Y3, Ban Dân y Quảng Đà trong chiến tranh. Đã từng bên nhau nhiều lần, vậy mà gặp lại, các cựu chiến binh (CCB) Bùi Thị Trợ, Tăng Thị Hồng, Đặng Thị Xuân Năm ôm chầm lấy nhau mừng vui khó tả. Hơn 30 năm trước, họ là những cô gái tuổi đôi tám, da trắng, tóc dài, ăn chưa no lo chưa tới. Vậy mà lý tưởng cách mạng đã trui rèn họ dạn dày giữa chiến trường khốc liệt. Các nữ y tá sẵn sàng gồng mình trước những trận oanh tạc của kẻ thù, chịu đói, chịu đau nhường khẩu phần ăn của mình cho thương binh; uống nước những con suối địch vừa thả bom. Cô nào cũng mang nước da xanh mai mái, tóc thưa thớt, thương tích in dấu khắp cơ thể, đâu được hồng hào, mập mạp như bây giờ.
Các CCB bệnh xá Y3 trong ngày gặp mặt. |
CCB Đặng Văn Bé và Phan Ngọc Khả (sau này làm báo với tên Phương Hồng) từng là bảo vệ, y tá của Y3 là hai người đàn ông hiếm hoi của Y3 có mặt giữa "dàn" phụ nữ. Họ cùng nhắc đến bác sĩ Bệnh xá trưởng tài năng Cao Hữu Chuyên vì sức khỏe không đến được. Ông Bé ngậm ngùi nhớ về người đã cứu mạng mình: "Tôi sống được là nhờ anh Nguyễn Viết Đại, vậy mà anh ấy mấy năm sau cũng đã hy sinh. Chị Thương và chị Năm đây cũng chung tay chữa trị vết thương cho tôi, nếu không, đâu được cơ may hội ngộ thế này"... Đó là ngày đầu tháng 10- 1967, Mỹ đổ toán biệt kích vào bệnh xá mà không bị phát hiện. Vừa thấy nhân viên của Y3 đang gùi gạo từ nhà kho vào, chúng nã súng bắn chết ngay tại chỗ chị Bốn y tá. Các anh Trai, Bé bị thương nặng. Anh Đại lia băng AK, ba tên đền mạng, số còn lại bỏ chạy. Anh Trai được cứu chữa nhưng không qua khỏi. Từng lát cắt bi thương và oai hùng hiện lên, chuyện nọ tiếp chuyện kia qua miền ký ức. Ngày đó Y3 là một trong 3 bệnh xá trực thuộc Ban Dân y Quảng Đà, đứng chân trên núi Hòn Tàu phục vụ chiến đấu, đặc biệt là dự phòng cho tình huống đường chuyển thương về các bệnh xá vùng A và B Đại Lộc bị cắt đứt. Ngày nào cũng có thương binh từ mặt trận phía trước là Sư đoàn 2, V25, R15 và nhân dân, du kích vùng căn cứ vào bệnh xá, mức độ tăng dần từ hàng chục lên đến hàng trăm người. Nằm trong vùng dòm ngó của kẻ thù, thường xuyên bị phi pháo hay biệt kích đột nhập, bệnh xá không biết bao nhiêu lần phải di chuyển. Đi đến đâu cũng phải đào công sự, hầm trú ẩn, phẫu thuật cho thương binh. Tay dao, tay súng, bác sĩ, y tá đều sẵn sàng chiến đấu khi địch tấn công. Vừa làm nhiệm vụ cứu chữa chăm sóc, nuôi dưỡng thương binh, các bác sĩ, y tá còn phải sản xuất, tự túc một phần lương thực. Nhiều người đã hy sinh trên đường công tác xuống đồng bằng kiếm cái ăn. Ngày ấy ai cũng biết chuyện tình của chị Ái với anh Quyền. Cứ ngỡ sẽ cùng nhau trở về trong ngày toàn thắng vậy mà trong một lần đi lấy gạo, anh bị nước cuốn trôi. Nữ y tá Nguyễn Thị Ái năm nào vẫn giữ nét xuân sắc dù vết thời gian hằn trên khóe mắt. Nhớ về thời thiếu nữ xa xưa, bà khẽ khàng: "Ngày đó sống chết trong gang tấc. Biết đi công tác là có thể hy sinh nhưng chẳng ai khóc lóc, ủy mị. Như nhà thơ nào đó đã nói rất đúng: "Xa nhau không hề rơi nước mắt. Nước mắt để dành cho ngày gặp mặt". Bà kể về lần tải thương binh trong đêm tối lên dốc ông Thủ. Tất cả hành quân lặng lẽ. Mọi người bắt con đom đóm bỏ vào gùi và nhìn theo ánh sáng ấy mà đi. Lại có lần trời tối như mực, trên đường vận chuyển, nắm cơm vắt mang theo lăn xuống đất, phải mò trong đêm tìm nắm cơm trộn đất ấy cho bằng được, vì đó là khẩu phần cả một ngày. Bà Nguyễn Thị Lê thì nhớ mãi đêm nằm một mình giữa nghĩa địa của đồng bào, không sợ ma mà chỉ lo thú dữ. Ngày đó đơn vị có 2 khu sản xuất, thỉnh thoảng bên này về bên kia hội họp, nhận nhiệm vụ. Có lần bà qua khu bên kia gần đến nơi thì nước lũ đổ về dữ dội. Trong đêm, không còn cách nào khác, bà phải quay vào rừng tránh lũ, trú giữa mồ mả âm u, bình tĩnh chờ trời sáng, nước rút để qua bên kia suối.
Là vợ của một cán bộ nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nhưng bác sĩ Hoài Thương có cuộc sống giản dị, gần gũi. Mỗi lần từ Hà Nội về, bà luôn là trung tâm kết nối bệnh xá Y3. Chỉ công tác một thời gian rồi ra Bắc học chuyên khoa nhưng ký ức chiến trường sâu đậm đến mức bà có thể nhớ cả họ lẫn tên và quê quán hàng chục liệt sĩ đơn vị mình rồi tổng kết bằng các chi tiết dễ nhớ. Ví như đơn vị có đến hai người tên Thanh và Triêm; đầy đủ giới tính (chị Nữ, anh Trai), phong phú con số (Bốn, Sáu, Chín). Những cái tên đồng đội được xếp thành thơ: "Tiến, Hòa, Lài, Chiến, Hiền, Kiêu. Vĩnh, Toàn, Thao, Ngọc, Non, Hoàng, Hồng, Tâm" khiến đọc lên ai cũng trào nước mắt. Bởi trong số họ có không ít anh chị đã từng nhặt từng mảnh vụn thân thể đồng đội mình gói ghém đem chôn. Trường hợp chị Hoa hy sinh khi quay lại lấy gùi gạo cho đơn vị được mọi người nhớ nhất. Ngày đó, ai chẳng thế, với cái ăn của mấy chục con người, thì tính mạng mình có sá gì.
60 cán bộ, nhân viên bệnh xá Y3 đến ngày giải phóng chỉ còn 29 người. 31 người đã hy sinh hoặc mất tích. Riêng con số liệt sĩ là thương binh đã từng nằm điều trị không ai có thể nắm chính xác hay có thể đếm được bao nhiêu bom đạn địch đã trút xuống núi rừng này. Trực tiếp trở lại chiến trường xưa tìm hài cốt đồng đội vào năm 1997, ông Đặng Văn Bé chậm rãi kể lại chuyến đi lịch sử. Ngày đó cùng với đồng chí Bệnh xá trưởng và đồng đội Y3, đoàn đã tích cực đi dọc bờ suối lớn phía tây Hòn Tàu. Suốt 3 ngày đêm, họ vượt rừng băng núi dò từng dấu vết nghi ngờ, có lúc phải ngủ tạm trong rừng: "Tìm anh ngày trắng như đêm. Hoàng hôn buông phủ vẫn tìm chưa ra. Rừng non cho đến rừng già. Dọc theo con suối đường ra lối vào (thơ bác sĩ Cao Hữu Chuyên). Họ vui mừng đến phát khóc khi phát hiện chiếc pince là dụng cụ cầm máu nằm dưới suối rồi lần theo đó tìm được cả trại thương, các nghĩa trang cũ trước đây chôn cất thương binh của bệnh xá Y3 ngày xưa. Đoàn đã phối hợp với Huyện đội Quế Sơn đưa tất cả 41 hài cốt là thương binh và cán bộ, chiến sĩ bệnh xá vào an táng tại nghĩa trang xã Quế Lộc.
Tháng 4 lịch sử đưa kỷ niệm những cán bộ, chiến sĩ Y3 về lại chiến trường. Họ tự hào về những năm tháng hào hùng ấy và dặn mình phải sống xứng đáng hơn nữa với những người đã nằm xuống.
HỒNG VÂN