Báo Công An Đà Nẵng

Một thời để nhớ

Thứ bảy, 18/04/2015 10:40

(Cadn.com.vn) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng trong lòng người dân vùng ven Hòa Vang (Đà Nẵng) vẫn vẹn nguyên ký ức tự hào về những ngày tháng hào hùng trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975.

Sống trong lòng địch

Cảm nhận sức sống hiện tại, khó ai nghĩ vùng đất của thôn 14, xã Hòa Bình năm xưa (nay là thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong) cũng đã trải qua bao giai đoạn bị tàn phá, hết cuộc chiến chống Pháp đến cuộc chiến chống Mỹ. Làng quê chìm trong khói lửa chiến tranh, những tưởng người dân trong thôn sẽ bỏ làng, bỏ xứ ra đi. Nhưng không, họ vẫn một lòng chung thủy với quê hương, trụ bám để làm những cơ sở cách mạng kiên trung và không ít người đã ngã xuống trên mảnh đất đã sinh ra mình.

Thời ấy, dân làng gần trăm hộ luôn bị địch đóng ở quận lỵ Hiếu Đức sách nhiễu, vì vậy họ phải nếm trải những cuộc bắt bớ giam cầm, quản thúc. Ở tù thì bị đánh đập, tra tấn đã đành, còn quản thúc cũng có nỗi khổ riêng. Mỗi khi chiều xuống, những người mẹ, người vợ phải bồng bế con nhỏ lặn lội đến các đồn bót quận lỵ trình diện để chịu sự giám sát của các "quan thầy". Sự kìm kẹp, hà khắc, đàn áp của bộ máy ngụy quyền không làm lay chuyển ý chí quật cường của dân làng mà chỉ gieo rắc thêm nỗi căm hờn. Đêm bị quản thúc, sáng ra về họ vẫn cần mẫn với công việc ra đồng mưu sinh, tranh thủ thời gian vót chông, đào hầm dọc các lũy tre ủng hộ cách mạng…

Trong kháng chiến chống Mỹ, những người con của mẹ Phạm Thị Khuê cứ nối tiếp nhau ra đi. Hòa bình lập lại, những người con của mẹ là Thái Bá Giác, Thái Bá Đắc, Thái Bá Niên, Thái Thị Vân vẫn biền biệt không về. Vợ chồng ông Nguyễn Nhuận, trong 3 năm 1965-1967 có 6 người con là Nguyễn Phấn, Nguyễn Nha, Nguyễn Thị Kha, Nguyễn Thị Ẩn, Nguyễn Khả, Nguyễn Gia lần lượt hy sinh.

Còn câu chuyện của ông Chế Nang như trở thành huyền thoại, tháng 6-1967, một tên thám báo vào làng dò la tin tức thì chạm với du kích. Khi thấy du kích mình hy sinh, còn tên thám báo bị thương, ông dùng rựa phát tre chém chết tên thám báo để bảo toàn bí mật. Giai đoạn 1968-1970, khi bị địch bủa vây, cắt đường vận chuyển lương thực nên bộ đội, du kích khốn khó trăm bề. Thấy vậy, vợ chồng ông Nguyễn Quyến, bà Chế Thị Quýt và các con thay nhau băng đồi, vượt đầm lầy để tiếp tế lương thực, nắm tình hình địch thông báo cho cơ sở…

Các cụ già thôn La Châu ôn lại những chiến công năm xưa.

Vùng trắng ven sông

Còn thôn La Châu, xã Hòa Lương trước đây (nay thuộc xã Hòa Khương) trong chiến tranh chống Mỹ là một vùng trắng, người dân không chịu tập trung vào khu dồn, kiên quyết sống rải rác ven sông làm cơ sở cho cách mạng về nắm tình hình, bám địch. Ngày ấy, đêm đêm ven bờ sông Yên luôn vang tiếng cuốc, xẻng của người dân trong thôn đào hầm bí mật và giao thông hào dọc các lũy tre để khi có "động tĩnh", các cơ sở cách mạng rút lui an toàn qua bờ sông bên kia. Chính vì vậy mà bao lần bọn giặc đánh úp vào căn cứ cách mạng đều thất bại.

Hình ảnh người phụ nữ thôn La Châu bồng con nhỏ hiên ngang chặn đường xe tăng Mỹ đã trở thành biểu tượng lan truyền cả nước. Tiêu biểu là trận đánh đêm cuối tháng 10-1965, dân quân địa phương phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt gần 1 đại đội lính Mỹ cùng xe bọc thép chốt giữ cứ điểm Gò Hà, mở đầu cho chiến dịch "Tìm Mỹ mà diệt" của quân dân Quảng Nam - Đà Nẵng. Theo ông Đinh Ngọc Chơn, thế hệ của ông lớn lên vào đúng giai đoạn lịch sử ấy. Kẻ cuốc, người cày, chài lưới ven sông đều thoát ly tham gia cách mạng. Tạm biệt quê hương, ngoài hành trang người lính, ông còn mang theo hình ảnh của dòng sông tuổi thơ cùng những lũy tre đan dày vào trận đánh. Thời đó gian khổ lắm, phải ăn rau rừng thay cơm, nhưng ai cũng hừng hực với quyết tâm "Chưa xong nhiệm vụ chưa về quê hương"…

Quả thật, mỗi câu chuyện, mỗi con người ở thôn 14, La Châu trong suốt dặm dài lịch sử đã kết tinh những nghĩa tình sắt son, góp phần tạo nên cội nguồn sức mạnh trong công cuộc giải phóng quê hương. Đất nước thống nhất, thôn La Châu được Đảng và Nhà nước ghi công 26 Bà mẹ VNAH, 163 liệt sĩ, gần 200 gia đình có công cách mạng; còn thôn 14 cũng được vinh danh 18 Bà mẹ VNAH, 129 liệt sĩ, 21 thương bệnh binh…. Chiến công, thành tích cho dù nhỏ bé nhưng hòa trong dòng chảy lịch sử đã góp phần tô thắm truyền thống anh hùng, bất khuất của đất và người Đà Nẵng kiên trung. Bao đau thương trong cuộc chiến đã không làm chùn bước những người sống sót. Bây giờ, họ lại là những người tiên phong cùng với chính quyền địa phương trong công cuộc xây dựng và phát triển quê hương.

40 năm trôi qua, khí thế nổi dậy của quân và dân Hòa Vang trong công cuộc giải phóng quê hương, thống nhất đất nước vẫn còn vang vọng mãi. "Ý Đảng, lòng dân" đã tạo nên một dấu son hùng tráng vào lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Bài học "sức dân" và "lòng dân" vẫn còn nguyên giá trị trong công cuộc đổi mới hôm nay và ngày càng ngời sáng một chân lý mà Bác Hồ kính yêu đã đúc kết: "Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong".

An Dương